Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ 3 giải pháp trọng tâm để Tương Dương thoát nghèo

Chiều 17/11, tiếp tục chuyến công tác tại huyện Tương Dương, đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện. Cùng dự có các lãnh đạo sở, ban, ngành cấp tỉnh.Tiến Hùng - Thành Duy

Chiều 17/11, tiếp tục chuyến công tác tại huyện Tương Dương, đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện. Cùng dự có các lãnh đạo sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường chủ trì cuộc làm việc.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường chủ trì cuộc làm việc.

Báo cáo với đoàn công tác, Bí thư Huyện ủy Tương Dương Phạm Trọng Hoàng cho hay, tốc độ tăng trưởng 10 tháng đầu năm ước đạt 6,53%. Thu ngân sách hơn 20 tỷ đồng, ước cả năm đạt gần 24 tỷ đồng, đạt 106,3% dự toán và bằng 92,6% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân đầu người của huyện ước đạt 21,6 triệu đồng, đạt 100,47% Nghị quyết HĐND, tăng 12,5% so với cùng kỳ.

Về sản xuất nông nghiệp, đáng chú ý, huyện đã khảo nghiệm thành công 4 ha chanh leo tại xã Nhôn Mai và 100 gốc tại xã Tam Hợp với năng suất, chất lượng cao, mở ra triển vọng phát triển thành vùng nguyên liệu. “Huyện cũng đã thực hiện đề án trồng rừng giai đoạn 2016 - 2020, chủ động phối hợp với doanh nghiệp, lồng ghép các chính sách và chỉ đạo quyết liệt công tác trồng rừng” - Bí thư Huyện ủy Tương Dương nói. Về chăn nuôi, hiện nay huyện đang tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng đàn giống, thay đổi phương thức, nâng cao hiệu quả.

Đến nay huyện Tương Dương đã có 2 xã 30a về đích nông thôn mới. Các xã còn lại đều tăng từ 1 đến 2 tiêu chí. Toàn huyện không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong khi đó, đầu năm 2016 vẫn còn 4 xã.

Bí thư Huyện ủy Tương Dương Phạm Trọng Hoàng trình bày báo cáo với đoàn công tác.

Về giáo dục, sau Đại hội Đảng bộ, huyện tập trung chỉ đạo các trọng tâm như củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; tích cực huy động các nguồn lực xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất các trường học, chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Thời gian qua, huyện Tương Dương cũng đã làm tốt công tác an ninh biên giới, an ninh trật tự.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tốt, huyện Tương Dương vẫn còn những hạn chế như một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội ước thực hiện cả năm tuy đều tăng so với cùng kỳ, nhưng có đến 9/27 chỉ tiêu NQ HĐND huyện giao và 12/35 chỉ tiêu tỉnh giao không đạt. Lĩnh vực nông - lâm - thủy sản tuy có khởi sắc nhưng sản xuất còn manh mún, chưa phát triển được nhiều mô hình sản xuất hàng hóa có sức lan tỏa mạnh….

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Tương Dương đề nghị, UBND tỉnh bổ sung huyện Tương Dương vào quy hoạch vùng nguyên liệu của dự án Nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn để phát triển rừng sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

“Tương Dương là huyện có nhiều dự án thủy điện, chiếm hơn 50% tổng công suất thủy điện toàn tỉnh. Hiện nay hạ tầng, đời sống, sinh hoạt của người dân vùng bị ảnh hưởng thủy điện đang rất khó khăn. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí một phần ngân sách thu từ thủy điện, hàng năm hỗ trợ giúp huyện thực hiện công tác hậu tái định cư, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng bởi dự án” - Bí thư Huyện ủy Phạm Trọng Hoàng đề xuất.

Nhân dân xã Tam Quang, huyện Tương Dương làm đường giao thông xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3 và số 4, huyện Tương Dương bị lũ quét, gây thiệt hại rất nặng nề. Huyện đã huy động các nguồn lực tại chỗ khắc phục hậu quả, tuy nhiên, đến nay còn một số khối lượng thiệt hại nằm ngoài khả năng của huyện. Đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ khoảng 7 tỷ đồng để khắc phục….

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh đã đưa ra nhiều đánh giá cũng như góp ý để huyện Tương Dương ngày càng phát triển. Đồng tình cao với báo cáo của huyện nêu, đồng chí Phạm Văn Vinh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, về lâu dài, huyện Tương Dương cần tiếp tục chú trọng, quan tâm đến an ninh biên giới; đẩy nhanh các kế hoạch quản lý rừng; tập trung xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh công tác dạy nghề, chăm lo giáo dục.

Trong khi đó, đồng chí Phạm Hồng Quang - Phó Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải cho rằng, từ đầu năm đến nay, tình trạng tai nạn giao thông ở Tương Dương tăng đột biến, vì vậy huyện cần phải quan tâm vấn đề này hơn nữa. “Tai nạn giao thông tăng rất lớn so với năm ngoái về cả số vụ, số người chết và bị thương” - đồng chí Quang nói.

Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng, huyện cần phải có một đề án riêng để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2017 – 2020.

Giám đốc Sở TN&MT Võ Duy Việt phát biểu tại cuộc họp.

Kết luận tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực về mọi lĩnh vực của huyện Tương Dương. “Có 3 ghi nhận tích cực mà chúng tôi thấy đó là rừng xanh hơn, kinh tế nhiều khởi sắc hơn và đã giữ vững được ổn định chính trị, an ninh trật tự khiến người dân phấn khởi, tin vào sự lãnh đạo của chính quyền” - đồng chí Nguyễn Xuân Đường nhấn mạnh.

Người đứng đầu UBND tỉnh cho rằng, tốc độ tăng trưởng của huyện Tương Dương tương đối cao so với một huyện miền núi. Về xây dựng nông thôn mới, Tương Dương là một trong những huyện đi đầu trong việc xây dựng các làng, bản nông thôn mới ở huyện miền núi. Đây là huyện 30a duy nhất có 2 xã nông thôn mới.

“Sản xuất công nghiệp xây dựng giữ được nhịp độ ổn định, công tác đầu tư được coi trọng. Các hoạt động dịch vụ, thương mại hoạt động tốt. Thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách. Văn hóa xã hội từng bước đổi thay. Duy trì phát triển tốt tình hữu nghị với nước bạn Lào. Công tác xây dựng Đảng, chính trị được huyện Tương Dương quan tâm” - Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá.

Hệ thống trường, lớp được huyện Tương Dương chú trọng đầu tư.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường cho hay, trong nghị quyết của huyện Tương Dương xác định, nhiệm kỳ này phải thoát khỏi huyện nghèo. Muốn làm được điều này, phải chú trọng vào 3 nhiệm vụ:

“Thứ nhất, phải xác định huyện Tương Dương cần đi đầu trong phong trào xây dựng xây dựng mô hình làng, bản, xã nông thôn mới ở khu vực miền núi cao. Thứ hai, cần phải xây dựng nhiều mô hình kinh tế hơn nữa, đánh giá hiệu quả nhằm nhân rộng. Cuối cùng, cần phát huy lợi thế là huyện có diện tích rừng lớn nhất tỉnh và huyện rộng nhất nước” - Chủ tịch UBND tỉnh nói và cho rằng muốn phát huy lợi thế là huyện rộng nhất nước, song song với bảo tồn rừng nguyên sinh, huyện Tương Dương cần phải khai thác các diện tích còn lại để trồng rừng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường kết luận cuộc làm việc.

Trước những hạn chế chưa được giải quyết triệt để ở huyện Tương Dương, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, lãnh đạo huyện cần phải tập trung đánh giá lại các chỉ tiêu; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đặc biệt là mô hình kinh tế hộ gia đình, trang trại, khai thác lợi thế lòng hồ thủy điện để nuôi trồng thủy sản; tập trung xây dựng hạ tầng; quản lý chặt chẽ tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn; tăng cường giáo dục, tuyên truyền, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại…

Tại buổi làm việc, phần lớn các kiến nghị của huyện Tương Dương được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý về mặt chủ trương, giao các sở, ban, ngành nghiên cứu triển khai.

Tiến Hùng - Thành Duy

TIN LIÊN QUAN

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/thoi-su-chinh-tri/201611/chu-tich-ubnd-tinh-chi-ro-3-giai-phap-trong-tam-de-tuong-duong-thoat-ngheo-2756086/