Chủ tịch UBHC tỉnh Bắc Kạn Hoàng Mỹ Đức mãi là tấm gương sáng về người cộng sản chân chính

Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Kạn Hoàng Mỹ Đức cắt băng khánh thành đường Áng Toòng – Na Rì năm 1963 (ảnh: Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn).

Đối với các thế hệ lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bắc Kạn, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính (UBHC) tỉnh Bắc Kạn Hoàng Mỹ Đức (1920-2012) mãi là tấm gương sáng về một người cộng sản chân chính. Trong quá trình hoạt động, công tác, ông may mắn nhiều lần được gặp Bác Hồ. Đặc biệt là với những lời dạy trong hai lần gặp Bác vào năm 1944 và 1945, ông thường lấy làm kim chỉ nam trong suốt cuộc đời mình. Ông được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng (03/02/2006) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ông Hoàng Mỹ Đức, sinh năm 1920, dân tộc Tày, quê ở xã Đa Thông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng, sớm tham gia phong trào cách mạng ở địa phương. Ông cùng một số thanh niên Cao Bằng được đoàn thể chọn cử đi học tại Trung Quốc. Năm 1944, trước khi về nước, ông và các anh em đã vinh dự được gặp Bác Hồ tại một căn gác ở thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), Người căn dặn:

Các chú học làm cách mạng, phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện ý chí tự lực, tự cường. Thời cơ sắp đến, đồng minh tiến đánh Nhật đến gần rồi. Khi về nước được giao phụ trách một trung đội, đại đội, hay một huyện, các chú có làm được không? Anh em thưa: "Được ạ".

Bác kết thúc buổi nói chuyện bằng mấy câu:

– "Thời cơ sắp tới rồi, chẳng bao lâu thì các đồng chí cũng về nước thôi. Các chú đều là những thanh niên mất nước, càng cần phải có tinh thần tự chủ, tự lập, tự cường, cần cố gắng học tập thành tài để mai đây, đoàn thể gọi về nước phục vụ cách mạng, đánh đuổi Pháp – Nhật, giành độc lập cho Tổ quốc... ".

Tuy chỉ được gặp Bác trong một khoảng thời gian rất ngắn, nhưng hình ảnh cũng như lời dạy bảo của Người, đã khắc sâu và tạo dựng cho người thanh niên trẻ một niềm tin tưởng vô hạn về tiền đồ của cách mạng.

Bác Hồ chụp ảnh với đại biểu tại Hội nghị toàn Đảng bộ Khu Tự trị Việt Bắc ngày 08/6/1959. Trong ảnh có bà Đồng Thị Hạnh, Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn là vợ ông Hoàng Mỹ Đức (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang).

Về nước, ông cùng mấy đồng chí nữa được phân công về nhận công tác ở vùng Thông Nông, tại đây, ông được gặp lại đồng chí Hoàng Văn Thái giới thiệu với chỉ huy và được gia nhập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Được giao làm công tác văn thư ghi chép tài liệu, bản dịch của anh Văn (đồng chí Võ Nguyên Giáp) về chiến tranh du kích.

Gia đình ông Hoàng Mỹ Đức trong kháng chiến chống Pháp.

Sau đó, ông được giao phụ trách tổng Chí Kiên (tức tổng Bằng Đức thuộc huyện Ngân Sơn). Ngày 12-3-1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị về kế hoạch thành lập các Ủy ban dân tộc giải phóng. Tiếp đó, ngày 15-3-1945, Tổng bộ Việt Minh ra tờ hịch kết tội phát xít Nhật và kêu gọi đồng bào nổi dậy, dùng đủ mọi biện pháp, mọi phương tiện, mọi thứ vũ khí kháng Nhật.

Tại địa phương mà ông Mỹ Đức đang phụ trách, triệt để chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng và của Tổng bộ Việt Minh, Nhân dân các dân tộc náo nức tổ chức dân quân tự vệ. Phong trào huấn luyện quân sự và trang bị vũ khí cho dân quân tự vệ ở địa phương lên rất cao.

Một hôm, ông đang say sưa tổ chức, huấn luyện dân quân tự vệ, thì có giao thông về báo cần chuẩn bị trạm nghỉ và đón tiếp một đoàn cán bộ thượng cấp theo đường liên lạc Nam tiến về xuôi, đi qua địa phương. Đó là ngày 11/5/1945, Bác Hồ và đoàn công tác đến Hoàng Phài, xã Lê Lợi (nay là xã Cốc Đán - huyện Ngân Sơn) trong hành trình từ Pác Bó đến Tân Trào của Người, và đây là lần thứ hai ông được gặp Bác.

Trong hồi ký “Hai lần gặp Bác” đăng trên Văn nghệ Việt Bắc năm 1967, ông kể về lần gặp này: “Tranh thủ được lúc đứng riêng với Cụ ở trước cửa nhà, tôi liền hỏi ý kiến Cụ: Thưa Bác, cháu xin phép hỏi ý kiến Bác một vài việc... Cụ nhìn tôi như khuyến khích: Chú cứ hỏi đi.

- Thưa Bác, ở địa phương đây, phong trào cách mạng đang lên cao, Nhân dân đang tổ chức dân quân tự vệ và ra sức luyện tập quân sự. Không khí khởi nghĩa đang sôi sục. Có điều bây giờ quần chúng đang đòi hỏi phải xử trí một vài người, trước đây làm tay sai cho giặc. Cháu chưa biết giải quyết thế nào cho tốt cả.

Cụ nhìn thẳng vào mắt tôi rồi ôn tồn trả lời: Trong quá trình đấu tranh giữa chúng ta và bọn đế quốc phát xít Nhật - Pháp, tránh sao cho khỏi tình trạng có một số người lầm đường, hoặc cố ý, hoặc vô tình mà làm tay sai cho giặc. Địa phương này đã được giải phóng, các chú có nhiều việc phải lo làm như xây dựng chính quyền cách mạng, củng cố căn cứ địa, chuẩn bị tham gia Tổng khởi nghĩa... không nên chú trọng giải quyết việc trừng trị nhiều quá. Chúng ta phải tận dụng mọi lực lượng để phục vụ cách mạng. Cổ nhân có câu: “Gỗ cong dùng vào việc cong, gỗ thẳng dùng vào việc thẳng”. Không có gỗ nào bỏ đi, trừ gỗ mục thì cũng không có người nào mà không dùng được trong một số việc ích nước lợi dân nào đó, trừ phi người đó là kẻ thù giai cấp, kiên quyết chống đối cách mạng đến cùng. Chú nên nghiên cứu cho kỹ, cho sâu, mà liệu giải quyết cho tốt vấn đề này.

Tôi lại hỏi tiếp Cụ: - Thưa Bác, cháu đã nhận được chỉ thị của thượng cấp là phải thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng. Cháu lúng túng không biết chọn lựa người như thế nào để đưa vào chính quyền. Cụ trả lời tôi:

- Chú cứ lựa chọn những người được Nhân dân yêu mến, được đoàn thể tín nhiệm, mà đưa vào Ủy ban dân tộc giải phóng.

Thấy đơn vị bảo vệ đã chỉnh tề đội ngũ ở sân, tôi hỏi Cụ một lần cuối:

- Thưa Bác, chúng cháu đón tiếp Bác cùng các đồng chí từ hôm qua đến nay, có sơ suất khuyết điểm gì, xin Bác phê bình để chúng cháu rút kinh nghiệm học tập.

Cụ ôn tồn bảo tôi: Chú cho thịt con lợn to, nặng hàng tạ để tiếp chúng tôi. Như thế hơi lãng phí!... Giá các chú đem con lợn ấy ủng hộ Đội Tuyên truyền giải phóng quân, cho anh em ăn, thêm sức mà đánh giặc thì có hơn không?

Cụ ngừng lại giây lâu rồi hỏi tôi: Chú còn hỏi gì nữa không?

Tôi sung sướng trả lời Cụ: - Thưa Bác, thôi ạ! cháu xin ghi nhớ những lời Bác dạy!...”.

Ảnh chụp năm 1947: Đồng chí Hoàng Mỹ Đức lúc này đang là Bí thư Huyện ủy đầu tiên của Bạch Thông (từ tháng 01/1946), Ủy viên Tỉnh bộ Việt Minh và người bạn đời bà Đồng Thị Hạnh, Ủy viên Chấp hành Hội Phụ nữ Ngân Sơn.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tiếp tục hoạt động tại tỉnh Bắc Kạn, là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bạch Thông, Ngân Sơn. Sau đó, gia đình ông chuyển sang Lục Ngạn (Bắc Giang). Năm 1953 -1957, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn. Năm 1959, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn, Bí thư Đảng đoàn MTTQ Bắc Kạn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBHC tỉnh Bắc Kạn.

Sau khi sáp nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái, ông về Khu Tự trị làm Giám đốc Sở Văn hóa, Phó Chủ tịch MTTQ và về hưu năm 1981 với cương vị Giám đốc Bảo tàng Việt Bắc. Ông có người bạn đời, bà Đồng Thị Hạnh là em gái của đồng chí Đồng Văn Bằng (một trong ba đảng viên đầu tiên của Chi bộ Chí Kiên, Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Bắc Kạn, hy sinh năm 1944), bà nguyên là Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn, Thường trực Hội Phụ nữ Khu Tự trị Việt Bắc.

Ông Hoàng Mỹ Đức và vợ là bà Đồng Thị Hạnh (ảnh chụp năm 2009).

Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, ông Hoàng Mỹ Đức được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng (03/02/2006) và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ông qua đời vào ngày 01/11/2012 tại thành phố Thái Nguyên, thượng thọ 92 tuổi.

Đối với các thế hệ lãnh đạo, cán bộ tỉnh ta sau này, Chủ tịch UBHC tỉnh Bắc Kạn Hoàng Mỹ Đức mãi mãi là tấm gương sáng về một người cộng sản chân chính, đúng như lời ông viết từ năm 1967: "Tôi đã cố gắng làm theo lời Bác dạy từ trước tới nay, và mãi sau này, tôi tin chắc cũng sẽ không bao giờ quên những lời dạy dỗ quý báu của Bác trong hai buổi đầu gặp Bác"./.

KIM KIM

Ông Hoàng Mỹ Đức- là ông nội đồng chí Hoàng Thu Trang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Kạn.

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/chu-tich-ubhc-tinh-bac-kan-hoang-my-duc-mai-la-tam-guong-sang-ve-nguoi-cong-san-chan-chinh-post57412.html