Chủ tịch tỉnh có quyền công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai?

Ngày 15.10, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang đã ký ban hành Quyết định số 1971/QĐ-UBND về việc công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai sạt lở đất do ảnh hưởng mưa lớn gây ra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Căn cứ vào tiêu chí nào để UBND cấp tỉnh được quyền công bố về tình trạng khẩn cấp về thiên tai?

Sạt lở đất tại Hòa Bình do ảnh hưởng của đợt mưa lũ từ ngày 9-11.10 là rất nghiêm trọng. Ảnh: Dung Hà

Tại sao trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều tỉnh cũng bị rủi ro thiên tai với số người thương vong khá lớn, nhưng chỉ riêng tỉnh Hòa Bình công bố tình trạng khẩn cấp?

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Quang – Phó Chánh văn phòng – Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, cho biết: Công bố về tình trạng thiên tai tùy theo tình hình thực tế, không có quy định.

Còn ban bố về tình trạng khẩn cấp về thiên tai chỉ có Chủ tịch Nước được quyền ban bố.

“Công bố về tình trạng khẩn cấp về thiên tai do sạt lở đất không nằm trong luật mà căn cứ vào yêu cầu thực tiễn của địa phương, người ta (địa phương - PV) công bố để huy động tối đa các nguồn lực để ứng phó. Một số tỉnh vẫn công bố tình trạng thiên tai vì cần giải quyết những vấn đề cấp bách để việc huy động các nguồn lực không phải theo các tình tự. Việc công bố tình trạng thiên tai có thể căn cứ dựa trên Luật Tình trạng khẩn cấp” – ông Nguyễn Đức Quang nêu ý kiến.

Về lý do tại sao chỉ tỉnh Hòa Bình công bố tình trạng khẩn cấp, còn các tỉnh khác như Yên Bái, Thanh Hóa, Lai Châu… thì không, ông Quang cho rằng, các tỉnh hoàn toàn có thể chủ động quyết định việc công bố tình trạng thiên tai căn cứ theo Luật Tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Quang cũng cho biết, từ trước đến nay, ít địa phương vận dụng các cơ chế này để công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.

Lý giải nguyên do tại sao trong đợt mưa lũ từ ngày 9-11.10 vừa qua, hàng loạt tỉnh bị ảnh hưởng, nhưng chỉ tỉnh Hòa Bình công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai; liệu việc công bố này có “quá sớm”, chưa đến mức phải công bố, ông Nguyễn Đức Quang khẳng định: “Các rủi ro về thiên tai của Hòa Bình đợt này là nghiêm trọng, thiệt hại về người rất lớn; hiện nay vẫn còn nhiều chỗ sạt lở đất rất phức tạp, ngay vị trí trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng có nguy cơ bị sạt lở”.

Ông Nguyễn Đức Quang cũng tỏ ra lo ngại, hiện nay, mặc dù theo dự báo, lượng mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 11 - bão Khanun không lớn, nhưng không thể chủ quan, tình trạng sạt lở đất tại một số địa phương có thể xảy ra bởi tại nhiều địa bàn hiện nay các kết cấu hạ tầng, cấu trúc địa chất đã “no” nước, có thể bục xuống, hoặc sạt lở bất kỳ lúc nào.

Khánh Vũ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/chu-tich-tinh-co-quyen-cong-bo-tinh-trang-khan-cap-ve-thien-tai-570388.ldo