Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH

Đồng thời với việc nâng cao chất lượng các kỳ họp của Quốc hội, đổi mới, tăng cường hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, cần phải tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH.

Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu chỉ đạo kết luận Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024; Lễ phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam diễn ra chiều nay.

Quốc hội Việt Nam luôn nói tiếng nói tâm huyết, trách nhiệm của Nhân dân

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trải qua gần 80 năm hình thành và phát triển với 15 khóa, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; ngày càng khẳng định vai trò cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân và cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị

"Dù thời kỳ nào và trong hoàn cảnh nào, thì Quốc hội Việt Nam luôn nói tiếng nói tâm huyết, trách nhiệm của Nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của Nhân dân, phát huy trí tuệ của cả dân tộc, cùng chung sức xây dựng và phát triển đất nước", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Để hướng tới kỷ niệm mốc rất lịch sử tròn 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam, Đảng đoàn Quốc hội đã có chủ trương từ rất sớm, chủ động chuẩn bị và lần đầu tiên Ban Bí thư đã có thông báo chính thức đồng ý đưa chương trình Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên với quy mô cấp quốc gia vào tổng thể các ngày kỷ niệm, sự kiện lớn của đất nước trong nhiệm kỳ này, giao Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn cụ thể.

Toàn cảnh Lễ phát động. Ảnh: Lâm Hiển

Trên tinh thần đó, Đảng đoàn Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam do Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng ban. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm do Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng ban với đại diện đông đảo của các cấp, các ngành, cơ quan trong Quốc hội và của cả nước. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta, Chủ tịch Quốc hội nói.

Đồng thời, theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, lần đầu tiên công tác thi đua, khen thưởng của khối Quốc hội được luật hóa, trong đó có quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam” và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về công tác thi đua, khen thưởng trong các cơ quan của Quốc hội. Để triển khai Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với sự hỗ trợ của các cơ quan bên trong và bên ngoài Quốc hội, nhất là Chính phủ, trực tiếp là Bộ Nội vụ, đã dày công nghiên cứu và ban hành Nghị quyết số 43/2024/UBTVQH15 quy định về Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam”; Nghị quyết 44/2024/UBTVQH15 quy định về “thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về thành lập Hội đồng Thi đua, khen thưởng của Quốc hội do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Chủ tịch Hội đồng để triển khai các công tác thi đua, khen thưởng trong khối Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: Hồ Long

Vì những lẽ như vậy, nhân dịp lần đầu tiên tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phát động phong trào thi đua hướng tới "Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam". Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội, các Đoàn ĐBQH nghiên cứu kỹ Nghị quyết 43/2024/UBTVQH15, Nghị quyết 44/2024/UBTVQH15 để thấy rõ ý nghĩa, mục tiêu quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng và thực hiện tốt công việc này.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, sau Hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm, Ban Chỉ đạo sẽ triển khai các công việc theo kế hoạch, đồng thời tập trung vào 5 trọng điểm của phong trào thi đua như Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã thay mặt cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH

Về tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, qua các phát biểu, tham luận trình bày tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy, các đại biểu đều đánh giá cao việc lần đầu tiên Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH; đồng tình với Báo cáo tổng kết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các đại biểu dự Lễ phát động. Ảnh: Hồ Long

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số nội dung liên quan đến việc tổ chức Hội nghị. Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, tại khoản 2, Điều 3 nêu rõ, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được bảo đảm bằng hiệu quả hoạt động của các Kỳ họp Quốc hội, hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, hoạt động của Đoàn ĐBQH và các ĐBQH. Và, “khi nói đến hoạt động của Quốc hội và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, thì được đo lường và đánh giá bằng kết quả hoạt động của các chủ thể như thế, trong đó ĐBQH vừa là vị trí chủ thể, vừa là vị trí trung tâm”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành cũng dành một chương - Chương II với 22 điều, từ Điều 21 đến Điều 42, quy định về ĐBQH; đồng thời có Điều 43 quy định về Đoàn ĐBQH - một mô hình rất đặc thù của Việt Nam, khác với các nước trên thế giới - trong đó quy định rõ Đoàn ĐBQH là một tổ chức của các ĐBQH được bầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc của những ĐBQH được phân công về công tác tại địa phương. Lưu ý điều này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, “như vậy, được hiểu rằng, hoạt động của từng ĐBQH nằm trong một thiết chế là một cơ cấu tổ chức theo Đoàn ĐBQH; chúng ta có 63 tỉnh thành, cho nên có 63 Đoàn ĐBQH”.

Do đó, “đồng thời với việc nâng cao chất lượng các kỳ họp của Quốc hội, đổi mới, tăng cường hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, thì rõ ràng cần phải tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Các đại biểu dự Lễ phát động

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH cũng là sự cố gắng, nỗ lực tiếp tục tìm tòi, đổi mới của Quốc hội chúng ta nói chung và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói riêng trong việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. “Như tôi đã nói rất nhiều lần, để tiến về phía trước một bước hay nửa bước thôi cũng rất khó, nhưng mà bắt buộc chúng ta phải làm để làm dày thêm truyền thống và đóng góp vào thành tích chung của Quốc hội Việt Nam, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam mà chúng ta vừa tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua rất ý nghĩa này”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Điểm lại cơ cấu, tổ chức và số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách và kiêm nhiệm tại các 63 Đoàn ĐBQH cũng như cơ quan phục vụ cho hoạt động của các Đoàn là Văn phòng ĐBQH, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong điều kiện khó khăn, thuận lợi và thách thức đan xen của năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật; và trong những thành tựu chung đó có sự đóng góp quan trọng của Quốc hội của chúng ta. Với 5 kỳ họp, trong đó có 3 kỳ họp bất thường, Quốc hội đã giải quyết khối lượng công việc rất lớn. “Đạt được những kết quả như vậy có sự đóng góp rất lớn, mang tính quyết định của ĐBQH và một tổ chức hạt nhân quy tụ các ĐBQH, đó là các Đoàn ĐBQH của địa phương”, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận.

Cụ thể, về công tác lập pháp, các ĐBQH đã đóng góp ý kiến để Quốc hội xem xét, thông qua 16 dự án luật và cho ý kiến với 10 dự án luật khác; đã có 617 hội nghị ở các Đoàn ĐBQH, với sự tham gia của 22.702 người và 10.621 ý kiến để đóng góp cho các dự án luật này. Tại các kỳ họp Quốc hội, đã có 2.636 lượt ĐBQH phát biểu tại Tổ và 1.296 ĐBQH phát biểu tại hội trường. Các ĐBQH cũng đã đóng góp nhiều ý kiến, để Quốc hội xem xét, thông qua hơn 1.000 nghị quyết trong năm 2023. Đặc biệt, trong công tác này, Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy, đã có rất nhiều mô hình tốt và cách làm hay; nhiều Đoàn ĐBQH, nhất là các đồng chí Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn… rất quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về hoạt động giám sát, trong năm 2023, các Đoàn ĐBQH đã thực hiện giám sát theo kế hoạch của Đoàn là 80 cuộc; giám sát theo yêu cầu của UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội là 201 cuộc; tham gia Đoàn giám sát, khảo sát của UBTVQH là 51 cuộc. Phối hợp với Thường trực HĐND cùng cấp tiến hành 54 cuộc giám sát ở địa phương. Trong năm 2023, Quốc hội đã chất vấn các thành viên Chính phủ về 8 nhóm vấn đề, tại các phiên chất vấn có 911 đại biểu đăng ký chất vấn và có 264 lượt đại biểu chất vấn, 228 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề quan tâm. Ngoài ra, các Đoàn ĐBQH còn tổ chức rất nghiêm túc, chu đáo cả về hình thức và nội dung với nhiều khách mời là các sở, ngành có liên quan tham gia tại các điểm cầu truyền hình khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Nêu rõ, đây là nét mới của một số khóa Quốc hội gần đây, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung nội dung này vào báo cáo tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH.

Đánh giá một cách tổng thể, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, trong năm 2023 - một năm Quốc hội có khối lượng công việc rất lớn, các Đoàn ĐBQH và các ĐBQH đã tích cực phát huy tinh thần “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả và quyết sách kịp thời”, làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao. Những kết quả Quốc hội đạt được chính là từ hiệu quả hoạt động của từng ĐBQH và của các Đoàn ĐBQH.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn các ĐBQH, nhất là các Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn chuyên trách đã “đứng mũi chịu sào” cho các hoạt động của Đoàn ĐBQH trong điều kiện còn không ít khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của Đoàn ĐBQH.

Với tinh thần “nhiều việc đã làm tốt rồi thì bây giờ phải làm tốt hơn nữa và một số việc chưa tốt thì phải làm tốt hơn, một số mặt hạn chế thì phải có giải pháp khắc phục”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các Đoàn ĐBQH đều đã được tổng hợp đầy đủ, từ công tác điều hòa, phối hợp đến công tác tổ chức, điều kiện bảo đảm, cơ chế, chính sách…

Trên cơ sở phát huy những kết quả đã được, trong năm 2024, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần thống nhất một định hướng lớn, đó là tiếp tục mở rộng, tăng thêm khối lượng công việc và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các Đoàn ĐBQH gắn với tăng cường hoạt động, nâng cao chất lượng của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và kiêm nhiệm.

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về giải pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn ĐBQH trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam nói chung, cụ thể là quy định tại Điều 43 và 22 điều trong Luật Tổ chức Quốc hội để tăng cường hoạt động của Đoàn ĐBQH và ĐBQH. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên quan trọng nhất của các Đoàn ĐBQH là tổ chức để ĐBQH tiếp công dân và phối hợp, bảo đảm các điều kiện để các ĐBQH tiếp xúc cử tri.

Nhiệm vụ thứ hai, theo Chủ tịch Quốc hội, đó là các Đoàn ĐBQH tổ chức để các ĐBQH thảo luận, đóng góp ý kiến cho các dự án luật và các vấn đề quan trọng khác, cho ý kiến về chương trình các kỳ họp Quốc hội.

Nhiệm vụ thứ ba là tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH, trong đó chú trọng hoạt động tổ chức để ĐBQH trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương; tham gia và phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội giám sát tại địa phương.

Hiện nay, mỗi năm Quốc hội tiến hành 2 giám sát chuyên đề tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành 2 giám sát chuyên đề. Lưu ý điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Đoàn ĐBQH nghiên cứu để tổ chức giám sát có trọng tâm, trọng điểm, theo đúng tinh thần giám sát chuyên đề của Quốc hội là “truy đến cùng và gỡ đến cùng”. Cùng với đó, cần khắc phục tính chồng chéo trong hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội và của Đoàn ĐBQH.

Theo quy định của luật hiện hành, đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân ở đơn vị bầu ra mình, đồng thời đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các Đoàn ĐBQH cần cân đối giữa hai nhiệm vụ này, bởi lẽ, “nếu đại biểu Quốc hội chỉ nói tiếng nói của địa phương thì không được, nhưng nếu chỉ thuần túy nói tiếng nói của Trung ương càng không được”.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các Đoàn ĐBQH cần bám sát một cách toàn diện chương trình, nội dung hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời phải bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm, đặc thù của từng địa phương.

Trong năm 2024, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, các Đoàn ĐBQH tiếp tục quan tâm, đóng góp ý kiến với: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo hướng các hoạt động giám sát bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, “đúng vai và thuộc bài”; hoạt động tái giám sát và giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn; đóng góp ý kiến cho Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của ĐBQH mà Đảng đoàn Quốc hội đang xây dựng; dự thảo Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và MTTQ về tiếp xúc cử tri của ĐBQH và đại biểu HĐND; đề xuất sửa đổi, bổ sung với Nghị quyết 1004/2020/UBTVQH14 về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh; Nghị quyết 524/2012/UBTVQH13 về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Đoàn ĐBQH tiếp tục đóng góp ý kiến cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho ĐBQH; tăng cường công tác phối hợp giữa các Đoàn ĐBQH với Thường trực HĐND, UBND, MTTQ cùng cấp và phối hợp với các cơ quan của Quốc hội; tăng cường công tác bảo đảm các điều kiện hoạt động cho các ĐBQH; tiếp tục bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương để chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ khóa Quốc hội tới...

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Đoàn ĐBQH chủ động, tích cực tham gia hưởng ứng phong trào thi đua kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam, nhất là Nghị quyết số 43/2024/UBTVQH15 và Nghị quyết số 44/2024/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác thi đua, khen thưởng.

Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của Đoàn ĐBQH và đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu tổng hợp đầy đủ trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH cũng như giải quyết các kiến nghị của các Đoàn ĐBQH.

Lam Giang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-tiep-tuc-doi-moi-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-cua-dbqh-va-doan-dbqh-i364597/