Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Củng cố 4 kết nối quan hệ hợp tác Việt Nam – Iran vì hòa bình và phát triển

Chiều 9.8, giờ địa phương, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Hồi giáo Iran, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến thăm và có bài phát biểu quan trọng về quan hệ 'Việt Nam – Iran hợp tác vì hòa bình và phát triển' tại Viện Nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế Iran.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tại Viện Nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế Iran. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tại Viện Nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế Iran. Ảnh: Doãn Tấn

Tham dự sự kiện có: Quyền Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách đối ngoại và an ninh của Quốc hội Iran, TS. Amoie; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế Iran, TS. Mohammad Hassan Shei Kholeslami cùng đông đảo các chuyên gia, học giả của Iran, trong đó có nhiều người từng là Đại sứ Iran tại các nước.

3 bài học kinh nghiệm từ thực tiễn Việt Nam

Phát biểu tại sự kiện quan trọng này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, trong 50 năm qua, các thế hệ đi trước đã không ngừng dày công vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Iran đạt nhiều thành quả đáng tự hào và là tiền đề, nền móng để mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước trong nửa thế kỷ tiếp theo.

Chia sẻ với các học giả, chuyên gia, nhà ngoại giao Iran về con đường đi lên của Việt Nam từ năm 1986 với việc lựa chọn đổi mới toàn diện và đồng bộ, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn với điều kiện, hoàn cảnh một nước nghèo, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề đã vươn lên đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, sâu rộng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn

Nhấn mạnh các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, từ thực tiễn phát triển, Chủ tịch Quốc hội nêu 3 bài học kinh nghiệm quan trọng. Một là, kiên định vai trò lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam với tinh thần lấy dân làm gốc.Nhân tố quyết định thành công của Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là nhờ sự lãnh đạo nhất quán, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam.

“Chúng tôi luôn hành động theo quan điểm lấy "dân là gốc", “đẩy thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu tối thượng”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội đồng thời nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, Việt Nam xây dựng “một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ”. Nhà nước pháp quyền Việt Nam là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Trên tinh thần đó, phương châm hành xử của các cơ quan, cán bộ công chức là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Mọi quyết sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đều phải đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm.

“Với đường lối đúng đắn được người dân, doanh nghiệp ủng hộ, hành động sáng tạo, cùng với sự hợp tác quốc tế rộng lớn đã tạo nên quốc lực mạnh mẽ làm cho Việt Nam vững vàng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đang từng bước phát triển nhanh, bền vững”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Hai là,tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm: hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Ba là, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong bối cảnh môi trường quốc tế biến đổi phức tạp, khó lường, Việt Nam luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, tôn trọng độc lập, chủ quyền, tích cực hợp tác, chủ động hội nhập quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc. Việt Nam chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương như ASEAN, AIPA, Liên Hợp Quốc, APEC, ASEM, G77, Phong trào Không Liên kết…, tích cực đóng góp có trách nhiệm để xây dựng một trật tự quốc tế ổn định, công bằng, bình đẳng, đảm bảo lợi ích chính đáng của tất cả các quốc gia, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Củng cố 4 “kết nối” quan hệ Việt Nam – Iran

Trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Trung Đông có một vị trí quan trọng. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thứcvà duy trì mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với các quốc gia trong khu vực, trong đó Iran là đối tác quan trọng, trên cơ sởbình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với các học giả, nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao Iran. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với các học giả, nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao Iran. Ảnh: Doãn Tấn

Theo Chủ tịch Quốc hội, ngày nay, Việt Nam và Iranlà những nền kinh tế năng động ở châu Á, cùng sở hữu thị trường quy mô trên dưới 100 triệu dân, với nhiều lợi thế có thể bổ sung cho nhau.Hai nước có cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp thanh niên, trí thức phát triển, với lợi thế lực lượng lao động dồi dào, tỷ lệ tiếp cận Internet cao. Hai nước cùng chia sẻ khát vọng đẩy mạnh hợp tác vì hòa bình và phát triển trên nền tảng quan hệ chính trị - ngoại giao song phương đang hết sức tốt đẹp.

Hướng tới một tương lai hòa bình và phát triển với tầm nhìn 50 năm tới cho quan hệ giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai nước chung tay củng cố 4 Kết nối:

Một là, Kết nối cơ chế đối thoại và hợp tác. Iran là một trong bốn nước đầu tiên tại khu vực Trung Đông mà Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày nay, Việt Nam và Iran coi nhau là đối tác quan trọng. Tin cậy chính trị là vốn quý,là nền tảng, là cơ sở để hợp tác hai nước đơm hoa, kết trái. Chủ tịch Quốc hội mong rằng, hoạt động trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao; phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác Nghị viện, Ủy ban Liên Chính phủ, Tham vấn chính trị hai Bộ Ngoại giao và các cơ chế hiện có khác. Hai bên rà soát, thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực. Trong đó, hợp tác nghị viện có vai trò quan trọng, nhất là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho quá trình hợp tác.

Hai là, Kết nối số, khoa học công nghệ và giao thông. Đây vừa là hướng đi, vừa là giải pháp cho hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong tương lai. Trong thế giới phẳng hôm nay, kết nối số và khoa học công nghệ có thể xóa mờ rào cản về địa lý, mang lại giá trị gia tăng cao cho hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực viễn thông; công nghệ thông tin; chuyển đổi số; các công nghệ mới như AI, điện toán đám mây, công nghệ nano để cùng nhau mở ra cánh cửa tương lai.Cùng với đó, thúc đẩy các tuyến giao thông hàng hải, hàng không là những mối liên kết hiện hữu để kết nối hai nước và cả hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông.

Ba là, Kết nối về thương mại - đầu tư. Việt Nam và Iran có quy mô kinh tế, dân số, trình độ phát triển khá tương đồng, có cơ cấu kinh tế có tính bổ sung cao, không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Còn nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực khác về hàng hóa hay dịch vụ có thể phát triển. Chính phủ hai nước cần tạo thuận lợi thương mại cho nhau để hàng hóa, dịch vụ thâm nhập thị trường của nhau, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối thương mại và đầu tư. Các cơ quan Nhà nước tháo gỡ các khó khăn, đề ra các sáng kiến mới để cộng đồng doanh nghiệp hai nước hợp tác ngày càng có hiệu quả.

Bốn là, Kết nối con người với con người. Chủ tịch Quốc hội cho rằng,bề dày và những nét tương đồng về văn hóa là tài sản quý để thúc đẩy các mối liên kết hai nước. Du lịch và giáo dục là hai cầu nối quan trọng, giúp cho tình hữu nghị của người dân và thế hệ trẻ hai nước ngày càng bền chặt hơn. Phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa, là cách thức tuyệt vời nhất để kết nối người dân, đưa hai đất nước thêm xích lại gần nhau, hiểu biết nhau và yêu mến nhau nhiều hơn. Chủ tịch Quốc hội mong sẽ có các chương trình Việt Nam học được giảng dạy tại các trường đại học tại Iran bởi hợp tác giáo dục sẽ vun đắp cho tương lai chung của hai nước.

Các đại biểu dự chương trình. Ảnh: Doãn Tấn

Các đại biểu dự chương trình. Ảnh: Doãn Tấn

Trao đổi với các học giả, nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao Iran sau bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, xu thế hòa bình, hợp tác phát triển vẫn là xu thế chủ đạo hiện nay cũng như trong tương lai. Dù thế giới có thay đổi như thế nào thì điều bất biến của mỗi nước là phải tự lực, tự cường, các nước bạn bè phải tăng cường đoàn kết, tạo ra sức mạnh tập thể để có thể đương đầu với những rủi ro, thách thức từ bên ngoài.

“Việt Nam đã thực hiện đường lối ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đây là mẫu số chung để chúng ta tìm ra con đường đi của chính mình trong một thế giới đầy sôi động. Với một tinh thần hòa hiếu, Việt Nam không bao giờ quên quá khứ nhưng cũng sẵn sàng khép lại quá khứ để hướng tới tương lai, cùng nhau xây dựng quan hệ đối tác thực sự bình đẳng trên cơ sở tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đó là những nguyên tắc bất di bất dịch không đổi. Dù thế giới có thay đổi như thế nào, Việt Nam vẫn kiên định lập trường như vậy”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Tại Viện Nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế Iran, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác hai nước: Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp Iran; Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực thể thao giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Thể thao và Thanh Niên Iran; Thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam và Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc gia Iran; Thỏa thuận hợp tác giữa Cục xúc tiến thương mại và Cơ quan xúc tiến thương mại Iran; Bản ghi nhớ về kiểm dịch động vật giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Iran.

Phạm Thúy (Từ Thủ đô Tehran, Iran)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-cung-co-4-ket-noi-quan-he-hop-tac-viet-nam--iran-vi-hoa-binh-va-phat-trien-i339570/