CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: AIPA LÀ HÌNH MẪU ĐIỂN HÌNH CHO HỢP TÁC LIÊN NGHỊ VIỆN KHU VỰC

Phát biểu tại phiên họp toàn thể AIPA-43, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, AIPA chính là hình mẫu điển hình cho hợp tác liên nghị viện khu vực, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân các nước ASEAN. Để đạt được thành tựu ngày nay, trong quá trình trưởng thành, phát triển của AIPO/AIPA trong nhiều thập kỷ qua, không thể thiếu những dấu ấn, đóng góp quan trọng từ phía Quốc hội Việt Nam.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ DỰ VÀ PHÁT BIỂU TẠI PHIÊN HỌP TOÀN THỂ ĐẠI HỘI ĐỒNG AIPA 43

AIPA là hình mẫu điển hình cho hợp tác liên nghị viện khu vực

Nêu cao tinh thần hợp tác, đồng hành của Quốc hội các nước trong AIPA, tại phiên họp toàn thể AIPA-43, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu rõ, không một quốc gia nào có thể tự mình đơn độc giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay, sự đoàn kết, gắn bó và tương hỗ lẫn nhau là yếu tố quan trọng giúp ASEAN thành công.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trải qua 55 năm hình thành và phát triển, bước vào năm thứ 7 trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, ASEAN đã có những bước tiến vượt bậc trên nhiều phương diện, trở thành một tổ chức có vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, một nền kinh tế sôi động và hội nhập cao, một cộng đồng bao trùm, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, là đối tác tin cậy đối với các quốc gia, tổ chức trong khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phát huy các kết quả đã đạt được, với khát vọng về hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng, những công dân trong mái nhà chung ASEAN tiếp tục cùng nhau gánh vác trọng trách xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng gắn kết, năng động, chủ động thích ứng, tự cường, bao trùm và phát triển bền vững.

Trong hành trình phát triển của ASEAN, các Quốc hội, Nghị viện của ASEAN với vai trò là những nhà lập pháp đã và đang góp phần xây dựng nền tảng pháp lý chung cho ngôi nhà ASEAN. AIPA chính là hình mẫu điển hình cho hợp tác liên nghị viện khu vực, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân các nước ASEAN; đồng hành, chung tay cùng Chính phủ các nước ASEAN đối phó với các khó khăn, thách thức bằng việc phát huy mạnh mẽ vai trò của mình thông qua các chức năng lập pháp, giám sát tối cao và tạo thuận lợi phân bổ nguồn lực, tăng cường kết nối với người dân.

Để đạt được những thành tựu quan trọng như trên, AIPO/AIPA đã trải qua một quá trình dài trưởng thành và phát triển, không ngừng thay đổi, thích ứng, mở rộng phạm vi, tăng cường hợp tác, và kiên định giữ vững mục tiêu về hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Với mục tiêu đặt ra từ đầu đó, ngày 02/09/1977, Nghị viện 5 nước gồm Indonesia, Malaysia, Philipines, Singapore và Thái Lan đã tuyên bố thành lập Tổ chức Liên nghị viện ASEAN (AIPO) nhằm tăng cường hợp tác nghị viện các nước thành viên ASEAN.

Trong giai đoạn từ những năm 90 đến đầu năm 2000, số lượng thành viên của AIPO đã tăng lên cùng với số lượng thành viên của ASEAN. Quốc hội/Nghị viện của Việt Nam, Campuchia, Lào, Brunei Darussalam và Myanmar đã lần lượt tham gia vào tổ chức AIPA. Trong đó, Quốc hội Việt Nam trở thành thành viên chính thức của AIPO vào ngày 19/09/1995. Sự kiện quan trọng này đã mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ đối ngoại đa phương của Quốc hội nước ta. Đây cũng là kết quả của quá trình thúc đẩy quan hệ đối ngoại Quốc hội, từng bước củng cố niềm tin với các nước trong khu vực Đông Nam Á, cũng như trên thế giới.

Năm 2007, nghị viện các nước thành viên đã thống nhất chuyển đổi AIPO thành AIPA với tính chất là một tổ chức liên nghị viện khu vực ASEAN chặt chẽ và hiệu quả hơn. Đại hội đồng lần thứ 33 tổ chức tại Lombok, Indonesia năm 2012 đã đánh dấu AIPA trở thành tổ chức hợp tác liên nghị viện của các nước ASEAN khi Quốc hội/Nghị viện của 10 quốc gia thành viên ASEAN đều trở thành thành viên chính thức của AIPA.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại phiên khai mạc AIPA-43

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại phiên khai mạc AIPA-43

Sau nhiều thập kỷ phát triển, AIPA đã thực sự trở thành diễn đàn cởi mở và hiệu quả để nghị viện, nghị sỹ các nước trong khu vực bày tỏ quan điểm, trao đổi thẳng thắn về các vấn đề mà các bên cùng quan tâm, tăng cường sự hiểu biết, tôn trọng và tin cậy, góp phần tạo tiền đề vững chắc cho hợp tác khu vực. AIPA đã ban hành nhiều nghị quyết về nhiều vấn đề quan trọng được các nước ASEAN cùng quan tâm, từ đó xây dựng lòng tin và đóng góp quan trọng vào việc tạo lập môi trường hòa bình cho tiến trình hợp tác, phát triển về mọi mặt giữa các nước trong khu vực. Cùng với ASEAN, AIPA chủ động đề ra nhiều biện pháp thúc đẩy việc thực thi các cam kết, thỏa thuận về xây dựng Cộng đồng ASEAN; hỗ trợ Chính phủ các nước thực thi các quyết định của ASEAN thông qua việc xây dựng thể chế và nâng cao năng lực của các nghị viện thành viên.

Phạm vi các vấn đề được AIPA thúc đẩy rất đa dạng, từ tăng cường hội nhập ASEAN, toàn cầu hóa, tác động của các quá trình này đối với ASEAN đến hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của khu vực. Với vai trò là tổ chức hợp tác của các cơ quan đại diện cho người dân trong khu vực, AIPA dành sự quan tâm và chú trọng thúc đẩy hợp tác nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề xã hội, phát triển văn hóa, xây dựng Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm. Khuyến khích việc giữ gìn bản sắc văn hóa ASEAN trên cơ sở phát huy những giá trị văn hóa của mỗi dân tộc trong khu vực. Đẩy mạnh hợp tác vì những lợi ích chung nhưng vẫn tôn trọng bản sắc riêng của mỗi nước là quan điểm xuyên suốt trong các nghị quyết và trong các hoạt động của AIPA.

Dấu ấn Việt Nam trong tiến trình trưởng thành và phát triển AIPA

Kể từ khi trở thành thành viên của AIPO/AIPA, Quốc hội Việt Nam đã ba lần là nước chủ nhà Đại hội đồng AIPO/AIPA. Trong lần chủ nhà Đại hội đồng đầu tiên (AIPO 23) được tổ chức vào năm 2002, đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm thành lập AIPO, Quốc hội Việt Nam đã đề xuất tới 20/33 nghị quyết được thông qua, nhận được sự hoan nghênh, đánh giá cao của Đại hội đồng. Việc tổ chức thành công Đại hội đồng AIPO -23 đã tạo “dấu ấn Việt Nam” sâu đậm trong lịch sử AIPO và trong lòng bạn bè quốc tế. Đây cũng là đóng góp lớn của Quốc hội Việt Nam trong hoạt động ngoại giao nghị viện ở khu vực, góp phần củng cố khối đoàn kết trong ASEAN và góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Đại hội đồng thứ hai (AIPA 31) vào năm 2010 với chủ đề “Đoàn kết các dân tộc vì sự phát triển bền vững của Cộng đồng ASEAN” đã thể hiện tầm nhìn của Quốc hội Việt Nam đối với các hoạt động hợp tác nghị viện hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững trong ASEAN. Thành công của Đại hội đồng khẳng định tiếng nói ngày càng quan trọng của AIPA với các hoạt động của ASEAN, hỗ trợ ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng; đồng thời, đánh dấu một bước tiến mới trong thúc đẩy hợp tác AIPA - ASEAN vì mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tại Phiên khai mạc Đại Hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tại Phiên khai mạc Đại Hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41

Năm 2020, Việt Nam lần thứ ba là nước chủ nhà Đại hội đồng AIPA, và đây là kỳ Đại hội đồng đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tại Kỳ AIPA đó, đại diện Quốc hội các nước đã đánh giá cao năng lực của Quốc hội Việt Nam trong việc tổ chức kỳ Đại hội đồng, nêu rõ sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam, sự chuẩn bị xuất sắc, chuyên nghiệp của các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam và các cán bộ, chuyên viên của Văn phòng Quốc hội đã góp phần tạo nên thành công của kỳ Đại hội đồng quan trọng này. Các đại diện lãnh đạo các nước bày tỏ sự tin tưởng mạnh mẽ những kết quả tốt đẹp của Đại hội đồng góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hiện có giữa các Nghị viện thành viên AIPA cũng như sự hợp tác giữa các Nghị viện thành viên AIPA với ASEAN, đưa Cộng đồng ASEAN lên một tầm cao mới.

Là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của AIPO/AIPA, Quốc hội Việt Nam không chỉ tham gia đầy đủ các hoạt động trong khuôn khổ AIPA mà còn đóng góp nhiều ý tưởng, sáng kiến thiết thực nhằm đổi mới tổ chức, hoạt động, chương trình nghị sự của AIPO/AIPA, thúc đẩy vai trò của AIPO/AIPA và sự kết nối với ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề chung của khu vực.

Về an ninh, chính trị, các sáng kiến, Quốc hội Việt Nam đã có những đề xuất hướng tới đề nghị AIPA quan tâm đến các vấn đề cụ thể trong đề cao các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung của ASEAN, phối hợp triển khai các Chương trình, Kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN, nâng cao nhận thức và sự tham gia của người dân về ASEAN. Phát huy vai trò của sự đoàn kết giữa các quốc gia trong khu vực, Quốc hội Việt Nam khẳng định các nguyên tắc then chốt trong xây dựng Cộng đồng ASEAN vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên cơ sở đoàn kết, thống nhất, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau đồng thời hài hòa với lợi ích chung của ASEAN. Với AIPA, Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ và thúc đẩy AIPA phát huy vai trò là tổ chức của các nghị viện khu vực, tăng cường sự bổ trợ của ngoại giao nghị viện giữa các thành viên ASEAN cũng như với các cơ chế hợp tác liên nghị viện của khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự AIPA-42

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự AIPA-42

Về kinh tế, Quốc hội Việt Nam đã đề xuất và đồng bảo trợ nhiều dự thảo Nghị quyết được Ủy ban Kinh tế của Đại hội đồng AIPA thông qua; đồng thời tập trung thúc đẩy vai trò của các nghị viện thành viên AIPA trong việc tăng cường liên kết kinh tế, thúc đẩy tự do hóa thương mại khu vực, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN; kêu gọi các Nghị viện AIPA tăng cường rà soát pháp luật trong nước nhằm dỡ bỏ các rào cản thương mại và đầu tư, bảo đảm cơ chế minh bạch, hiệu quả vì một ASEAN năng động và hội nhập.

Về xã hội, Quốc hội Việt Nam đã tham gia đóng góp và đồng bảo trợ các nghị quyết ủng hộ bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, hỗ trợ người khuyết tật và vì môi trường bền vững trong AIPA; đề xuất nhiều sáng kiến nhằm phát huy vai trò của phụ nữ nói chung và các nữ nghị sĩ nói riêng.

Đặc biệt, trong việc kết nối và thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ AIPA - ASEAN, Quốc hội Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất với rất nhiều sáng kiến ghi dấu ấn. Trong đó, ngay khi đăng cai tổ chức Đại hội đồng lần thứ 23, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đã làm việc với Tổng Thư ký ASEAN và nêu rõ nhu cầu thiết lập mối quan hệ giữa hai tổ chức AIPA và ASEAN, trao đổi văn kiện giữa hai tổ chức một cách thường xuyên và có cơ chế tham dự các kỳ họp cấp cao của nhau.

Tại Đại hội đồng lần thứ 28 năm 2007, Nghị quyết tăng cường hợp tác giữa AIPA và ASEAN do Đoàn Việt Nam đề xuất tại Ủy ban Tổ chức đã nhận được sự ủng hộ của các đại biểu tham dự. Năm 2010, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16, theo sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên, phiên đối thoại cấp cao giữa các nhà lãnh đạo AIPA với người đứng đầu Chính phủ các nước ASEAN đã chính thức được tổ chức.

Từ đó đến nay, phiên đối thoại được tổ chức định kỳ trong khuôn khổ Năm ASEAN, Năm AIPA và trở thành diễn đàn để các nhà lãnh đạo nghị viện, chính phủ các nước trao đổi thẳng thắn về những vấn đề cần ưu tiên giải quyết trong khu vực, những vấn đề cần sự chung tay hành động giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp...

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=70818