Chủ tịch Quốc hội: 'Để tăng trưởng cả năm đạt 6,7% thì quý IV phải đạt 7,31%'

'Chúng ta không thể tin rằng trong điều kiện khó khăn, 6 tháng đầu năm 2017 không bằng cùng kỳ năm trước, 3 tháng thấp hơn năm trước, 9 tháng có khả năng đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu. Với mức tăng trưởng 7,46% của quý III, chúng ta đừng chủ quan, vì để đạt được tăng trưởng cả năm 6,7% thì ngay trong quý này phải có mức tăng trưởng 7,31%. Không được chủ quan cho rằng 9 tháng đã đạt 6,41% thì đến cuối năm chắc ăn 6,7%'.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Đây là nhận định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên thảo luận tổ Quốc hội kỳ họp thứ 4, Khóa XIV diễn ra sáng nay.

Bắt mạch nền kinh tế

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, tăng trưởng quý III đột biến bởi nhiều yếu tố như: Điện tử tăng 45%, do Samsung có sản phẩm mới S8. Công nghiệp chế biến chế tạo tăng mạnh chủ yếu rơi vào ngành điện tử. Sản xuất kim loại tăng 24,4% nhờ Formosa đi vào hoạt động, dự kiến năm nay sản xuất ra khoảng 1,5 triệu tấn thép thô. Dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong đó ngành bán buôn, bán lẻ 6 tháng đầu năm tăng đột biến từ 7,1% lên 8,16% trong 9 tháng. Nông lâm ngư nghiệp cũng tăng 2,78% trong 9 tháng, cao nhất trong 3 năm vừa qua. Một điểm sáng nũa là xuất siêu liên tục trong 3 tháng liên tiếp, tính chung 9 tháng nhập siêu hơn 400 triệu USD.

Cái thấy rõ nhất trong năm nay là phân bổ vốn đầu tư công quá chậm, chắc chắn tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế. Số lượng vốn còn lại theo kế hoạch khá lớn và sẽ dồn lại cuối năm. Chúng ta vừa làm động tác tăng ODA 14 nghìn tỷ đồng, giảm phần trái phiếu CP xuống tương ứng. Nhưng đây là vấn đề năm nào Quốc hội cũng nói, Trung ương nói, Chính phủ nói, dân nói, nhưng chưa khắc phục được.

Ngoài ra, công nghiệp chế biến chế tạo tăng nhưng chủ yếu ở khu vực FDI. Cần phân tích ở góc độ không phân biệt giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để thấy hiện nay các thành phần kinh tế của chúng ta hiệu quả như thế nào. Hiện, các doanh nghiệp trong nước vẫn rất yếu. Trong nhóm ngành nghề chế biến chế tạo thì ngoài điện tử, ngành sản xuất kim loại và một số ngành sản xuất khác cho thấy, tăng trưởng cũng nhờ vào một số sản phẩm nhất định, không phải tổng thể nền kinh tế. Nếu tăng trưởng vào cái nào nhất định, sản phẩm đó mà hơi yếu một chút là ảnh hưởng đến ngân sách, ảnh hưởng đến tăng trưởng.

“Tôi nhớ, ngày xưa, tỉnh Hải Dương chủ yếu nguồn thu lớn nhất chủ yếu tập trung vào ô tô Ford. Khi "ông này" hắt hơi, sổ mũi là ngân sách tỉnh có vấn đề liền. Tăng trưởng địa phương dựa vào một sản phẩm chủ yếu. Tất nhiên, địa phương nào cũng phải có sản phẩm chủ yếu, nhưng chúng ta phải đa dạng hóa, đừng để bị lệ thuộc vào một sản phẩm” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Còn về dầu thô Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng có giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, trong điều kiện giá dầu không tăng thì chúng ta không nên quá tập trung khai thác để bán rẻ tài nguyên. "Tôi cho đây là yếu tố tích cực, chúng ta cũng không nhất định phải tăng khai thác tài nguyên, khoáng sản trong tình trạng giá thấp để cân đối ngân sách. Nếu trong tình trạng khai thác phải tính đến hiệu quả, giá thấp mà vẫn khai thác thì có thể gây lỗ vì mỏ khai thác phí cao, có khi khai thác không bảo đảm bù đắp giá thành". - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về dịch vụ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng dịch vụ tăng mạnh chắc chắn có tác động đến tăng trưởng kinh tế 9 tháng. Tuy nhiên, mức tăng thu của khu vực dịch vụ, nhất là mức tăng bán buôn, bán lẻ thì cần phân tích rõ hơn để có sức thuyết phục. Chúng ta thấy tăng trưởng tiêu thụ và phân phối điện 9 tháng đầu năm tăng chỉ 8,9%, tức là thấp hơn cùng kỳ năm trước. (năm 2016, 9 tháng đầu năm tăng 12%).

Ở lĩnh vực tín dụng 9 tháng đầu năm, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, tăng 11,02% không cao hơn nhiều so với năm trước tăng 10,46%. Nếu đặt mục tiêu mấy tháng cuối năm mà tăng trưởng tín dụng lên tới 18-20% thì phải xem lại nền kinh tế có hấp thu được không, nếu hấp thu thì hấp thu vào đâu. Nếu hấp thu vào sản xuất thì tốt, nhưng hấp thu vào chứng khoán và BĐS thì không tốt, ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng và có thể gây bong bóng thị trường BĐS và chứng khoán. “Tôi cho rằng, tăng trưởng tín dụng nếu Chính phủ đặt ra cao tới 18-20% thì phải kiểm soát chặt chẽ dòng tiền tín dụng, bảo đảm đi đúng địa chỉ để bảo đảm tăng trưởng kinh tế và chất lượng tăng trưởng” - Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Thu ngân sách vượt chủ yếu là địa phương

Về thu ngân sách Nhà nước năm 2017 ước vượt khoảng 2,1%, nhưng chủ yếu vượt là ngân sách đia phương, ngân sách trung ương không vượt. Điều này cho thấy ngân sách năm 2017 vẫn khó khăn, thu chỉ vượt 2,1% mà không phải từ những nguồn thu cơ bản. Đặc biệt, thu nội địa thấp, 9 tháng chỉ đạt 6,7% so với dự toán là thấp, nếu loại trừ những khoản thu từ sử dụng đất, cổ tức, lợi nhuận sau thuế hay tiền bán vốn của doanh nghiệp và tiền xổ số kiến thiết thì thu nội địa giảm hơn so với dự toán. “Các khoản thu từ sản xuất, kinh doanh, cổ phần hóa đều đạt thấp, thu từ khu vực kinh tế quốc doanh giảm so với dự toán, chứng tỏ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn khó khăn” Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Còn đối với việc nợ thuế 9 tháng giảm khoảng 3% tuy có tiến bộ so với năm 2015, nhưng Chủ tịch Quốc hội lưu ý tổng số nợ thuế còn rất lớn, tổng số nợ thuế mà hơn 74000 tỷ đồng là con số rất lớn.

Dự kiến năm 2018, tỷ lệ huy động từ GDP vào ngân sách nhà nước là khoảng 23,9%, tuy nhiên dự toán này còn nhiều yếu tố rủi ro, rủi ro về giá dầu, rủi ro về tăng trưởng có đạt được 6,5-6,7% không, rủi ro về bội chi ns, nợ công trong trường hợp có biến động về tỷ giá. Do đó, dự toán như thế nhưng chúng ta phải lường trước khó khăn.

Theo dự kiến thu ngân sách năm 2018 cho thấy, chưa có gì khả quan, bởi chưa có chính sách thu mới, những chính sách mới định trình Quốc hội đều bị dư luận nhân dân lên tiếng như tăng thuế bảo vệ môi trường, tăng thuế VAT, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, nước ngọt, nước giải khát.

“Về dự toán chi ngân sách, Thường vụ Quốc hội đề nghị ưu tiên chi bảo đảm tiền lương, trợ cấp người có công theo lộ trình và những nhiệm vụ quan trọng. Quốc hội đề nghị phải tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, bảo đảm tăng chi cho giáo dục đào tạo, tăng chi cho khoa học, công nghệ theo đúng nghị quyết” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.

Khắc Lãng

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/chu-tich-quoc-hoi-de-dat-tang-truong-ca-nam-6-7-phan-tram-thi-quy-iv-phai-tang-truong-7-31-phan-tram-118819.html