Chủ tịch Quốc hội: Chi phí cho các cơ quan tố tụng phải đảm bảo tối đa

Cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ủng hộ những chi phí nào để đảm bảo hoạt động cho các cơ quan tố tụng thì phải đảm bảo tối đa.

Tại phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng và xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Ảnh: QH.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng cho biết, Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng bao gồm 13 chương, 92 điều, quy định về xác định chi phí tố tụng; nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng; trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu, việc xử lý tiền tạm ứng chi phí tố tụng; miễn, giảm tiền tạm ứng, miễn, giảm chi phí tố tụng; kinh phí chi trả chi phí tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Việc xác định chi phí; nộp tiền tạm ứng chi phí; trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu; kinh phí chi trả chi phí trong quá trình TAND xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh này.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh, theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến, Pháp lệnh quy định một số chi phí tố tụng xuất phát từ căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn như sau: Một số chi phí tố tụng trong thực tiễn đang được chi trả theo quy định của pháp luật hiện hành, nhưng chưa được xác định là chi phí tố tụng nên khó khăn khi dự toán, thanh quyết toán, ví dụ: chi phí bảo quản tài liệu, chứng cứ, vật chứng, chi phí xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú, xác minh tài liệu chứng cứ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: QH.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu nhấn mạnh tính thống nhất của hệ thống pháp luật là vấn đề rất quan trọng. Do đó đề nghị cơ quan soạn thảo cơ quan thẩm tra tiếp tục làm kỹ lưỡng để trình UBTVQH trong phiên họp lần sau.

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, tại sao Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính giao cho UBTVQH quy định chi phí về tố tụng nhưng Bộ luật Tố tụng hình sự thì lại không giao. Kinh nghiệm quốc tế thì chi phí tố tụng hình sự là do Nhà nước bảo đảm bởi Nhà nước là chủ thể duy nhất có trách nhiệm, nghĩa vụ chứng minh cá nhân, pháp nhân là có tội và Nhà nước bảo đảm ngân sách cho thực hiện nhiệm vụ này.

Những vướng mắc về chi phí giám định tư pháp, định giá tài sản nên chăng phải giải quyết trong các luật chuyên ngành về giám định tư pháp, về định giá và dự toán ngân sách nhà nước của các cơ quan tố tụng.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ủng hộ những chi phí nào để đảm bảo hoạt động cho các cơ quan tố tụng thì phải đảm bảo tối đa theo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, kinh nghiệm thế giới.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý về tính khả thi của dự án Pháp lệnh này. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Pháp lệnh không ủy quyền cho một cơ quan khác quy định chi tiết hướng dẫn của Pháp lệnh. Tuy nhiên, thực tiễn muốn chi được thì cần phải có quy định về định mức chi, tiêu chuẩn chi, cách chi đúng…Nên chăng Pháp lệnh này chỉ quy định về loại chi, còn mức chi như thế nào thì sẽ do pháp luật chuyên ngành và yêu cầu các cơ quan tổ chức liên quan phải quy định mức chi rồi dự toán chi cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các cơ quan tố tụng phải có ý kiến đối với dự án Pháp lệnh này. Tinh thần là tạo điều kiện tối đa cho ngành tư pháp, cho các cơ quan tố tụng thực hiện được nhiệm vụ theo đúng chức năng thẩm quyền, đồng thời đảm bảo tính khả thi và tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Nội dung quy định của Pháp lệnh theo thẩm quyền được giao.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: QH.

Cho rằng các vấn đề Chủ tịch Quốc hội đặt ra rất lớn, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo thêm về vấn đề giao nhiệm vụ của Bộ Luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính và giao cho UBTVQH hướng dẫn.

Tuy nhiên, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, Bộ luật Tố tụng hình sự không giao cho UBTVQH hướng dẫn, do đó không căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội đã cho xây dựng Pháp lệnh này nhưng theo truyền thống pháp lý, Pháp lệnh số 02 từ nhiều năm nay đã đáp ứng việc này và trên thực tế nếu không quy định thì sẽ vướng ở hiện tại và trong tương lai còn vướng hơn nữa.

Trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 135, khoản 4 mục c có quy định về các chi phí khác, tuy nhiên Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhận thấy, hiện chúng ta chưa có hướng dẫn về các chi phí khác. Trong khi đó, thực tế các chi phí khác hiện nay càng ngày càng lớn.

“Ví dụ các vụ lừa đảo qua mạng, nạn nhân là hàng chục nghìn người, nếu tống đạt giấy tờ cho hàng chục nghìn nạn nhân thì sẽ rất vất vả cho cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát. Đây chính là các chi phí khác trong thực tiễn và đang ngày càng nhiều và phức tạp. Công an và Viện Kiểm sát không thể hoạch định được một năm nay có bao nhiêu vụ án lừa đảo qua mạng. Đây cũng là bài toán thực tiễn, nếu chúng ta không làm thì sẽ rất khó”, Chánh án TANDTC nêu dẫn chứng.

Do đó, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đề nghị cần quy định thêm các chi phí khác vào dự thảo Pháp lệnh này. Nếu phát sinh thêm trong thực tiễn các chi phí khác thì sau này sẽ tiếp tục báo cáo UBTVQH. Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhận thấy, nếu không quy định thêm thì sẽ gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn, vì vậy mong muốn UBTVQH ủng hộ.

Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) nói về vấn nạn bạo lực học đường:

Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/chu-tich-quoc-hoi-chi-phi-cho-cac-co-quan-to-tung-phai-dam-bao-toi-da-1933015.html