Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam: Hội Lọc máu là điểm tựa chuyên môn cho thầy thuốc

Hội Lọc máu Việt Nam là hội nghề nghiệp, nơi tập hợp hơn 5.000 hội viên đã, đang làm công tác nghiên cứu, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh suy thận. Là hội mới thành lập được 3 năm, còn rất trẻ, so với các hội nghề nghiệp khác, nhiều đóng góp của Hội và nhân viên y tế là không thể phủ nhận.

TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu cho biết, thận nhân tạo được áp dụng lần đầu tiên ở Việt Nam từ năm 1972, trải qua hơn 50 năm hình thành và phát triển, nhiều thế hệ thầy trò học tập, nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và phổ biến kỹ thuật điều trị rộng khắp cả nước.

PV: Thưa ông, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo ở nước ta hiện nay tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, nguyên nhân vì sao?

TS Nguyễn Hữu Dũng: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn như: đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận mạn, sỏi tiết niệu, viêm đài bể thận, bệnh thận đa nang, do hệ lụy của lạm dụng thuốc hoặc do bẩm sinh - di truyền…

TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam

Điều đáng quan tâm đa phần bệnh nhân đến viện muộn, tình trạng đều chuyển sang bệnh thận mạn tính giai đoạn 3 do viêm ống kẽ thận mạn.

Khi bị bệnh thận có thể sẽ dẫn đến suy thận mạn, nhiều chất độc không được đào thải gây tích tụ khiến người bệnh chán ăn, buồn nôn, nôn, nặng có thể hôn mê. Việc ứ đọng muối - nước khiến người bệnh bị phù, cao huyết áp, nguy cơ dẫn đến suy tim. Suy thận cũng dẫn đến việc thiếu máu, làm cho da bệnh nhân bị xanh xao, nhợt nhạt và thần sắc mệt mỏi…

Suy thận mạn có thể có các biến chứng như: Phù phổi cấp, tăng kali máu, rối loạn nhịp tim dẫn đến ngừng tim…

Khi bị suy thận giai đoạn cuối có ba phương pháp điều trị, đó là: ghép thận; chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng.

PV: Là Hội nghề nghiệp mới thành lập được 3 năm, nhưng những đóng góp của Hội trong thời gian qua là không thể phủ nhận, ông có thể dẫn chứng?

TS Nguyễn Hữu Dũng: Tuy mới được thành lập, Hội Lọc máu Việt Nam đã và đang triển khai những hoạt động tích cực nhằm phổ biến kiến thức, kỹ năng lâm sàng cho hội viên trong cả nước, tích cực tham mưu cho Bộ Y tế các chính sách liên quan như Hướng dẫn phòng và điều trị COVID-19 cho bệnh nhân lọc máu; hiện Hội đang tiến hành tham mưu cho Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung Quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật kỹ thuật lọc máu; Quy trình kiểm định máy thận nhân tạo…

Kỹ thuật lọc máu không chỉ được áp dụng tại các tuyến trung ương, tuyến tỉnh, và đã phát triển ở tuyến quận, huyện.

Công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học được Hội đặc biệt quan tâm, Hội đã triển khai 3 phiên đào tạo chuyên đề và 1 Hội nghị khoa học toàn quốc hàng năm. Năm nay là năm thứ 3 Hội tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc, quy tụ 1.200 nhà khoa học, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ sư, chuyên gia đầu ngành về lọc máu Việt Nam và quốc tế. Các chuyên đề báo cáo tại Hội nghị bao trùm lên rất nhiều các lĩnh vực trong hoạt động của chuyên ngành lọc máu.

Năm nay, tại TP biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Hội Lọc máu Việt Nam tổ chức Hội nghị Khoa học lần thứ III với chủ đề: "Các rối loạn chuyển hóa trong thận nhân tạo".

Đây là những lĩnh vực đặc thù trong lọc máu bao gồm: rối loạn chuyển hóa chất khoáng, xương; rối loạn lipid máu, rối loạn hormon, tích lũy các độc tố uremic trọng lượng phận tử trung bình… ở bệnh nhân lọc máu.

Những rối loạn này có cơ chế bệnh sinh, biểu hiện bệnh lý và phương pháp điều trị khác hẳn so với các bệnh lý thuộc chuyên ngành khác.

Bệnh lý do rối loạn chuyển hóa sau điều trị thay thế thận ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người bệnh thận nhân tạo.

Hội nghị khoa học lần thứ III, có 83 báo cáo khoa học được trình bày. Đây là những báo cáo được nghiên cứu công phu mang lại giá trị thực tiễn trong điều trị người bệnh như thực hành lâm sàng người bệnh lọc máu đái tháo đường của PGS.TS Phạm Quốc Toản, BV Quân đội 103; Vai trò của kháng kết tập tiểu cầu và kháng đông ở người bệnh suy thận lọc máu của GS Muh Wong, Chủ tịch đào tạo, Hội Thận học Châu Á Thái Bình Dương…

Hội nghị Khoa học năm 2023, hi vọng sẽ mang lại những kiến thức, kinh nghiệm điều trị người bệnh lọc máu cho các hội viên cũng như người bệnh thận cần quan tâm.

PV: Thưa ông, sau đại dịch COVID-19, các đơn vị chạy thận nhân tạo tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế đối mặt với khó khăn và thách thức. Hội Lọc máu Việt Nam sẽ tham mưu và hỗ trợ chuyên môn như nào?

TS Nguyễn Hữu Dũng: Thống kê chưa đầy đủ, đến nay, cả nước có hơn 50.000 bệnh nhân được điều trị thay thế thận, trong đó có gần 35.000 bệnh nhân thận nhân tạo.

Kỹ thuật lọc máu không chỉ được áp dụng tại các tuyến trung ương, tuyến tỉnh, mà đã phát triển ở tuyến quận, huyện.

Cả nước có hơn 350 đơn vị thận nhân tạo, số đơn vị hành chính cấp Quận, huyện có thận nhân tạo là 36.6%, nhiều tỉnh thành đã đạt được bao phủ thận nhân tạo ở phần lớn các huyện, thành phố như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình.

Với hơn 1.500 bác sĩ, 5.000 điều dưỡng và 800 kỹ sư, kỹ thuật viên , đội ngũ nhân viên làm việc trong chuyên ngành thận nhân tạo đang ngày đêm đóng góp công sức không biết mệt mỏi vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Sau đại dịch COVID-19, đúng là các đơn vị chạy thận nhân tạo đối diện với nhiều khó khăn chủ yếu đến từ khách quan, Hội Lọc máu Việt Nam đã hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện về kỹ thuật, đào tạo nhân lực, là cầu nối chuyên gia quốc tế và chuyên gia cao cấp trong nước để hội viên, thầy thuốc nâng cao tay nghề, quan trọng chúng tôi là điểm tựa vững chắc cho cơ sở y tế!

HỘI LỌC MÁU VIỆT NAM - HỘI NGHỊ KHOA HỌC LẦN THỨ III

TRÂN TRỌNG CẢM ƠN:

NHÀ TÀI TRỢ KIM CƯƠNG: VPĐD FRESENIUS KABI ASIA PACIFIC LIMITED TẠI TP. HCM; CÔNG TY CPTM VÀ DƯỢC PHẨM TÂN THÀNH

NHÀ TÀI TRỢ ĐỒNG: VPĐD BRIDGE HEALTHCARE PTY. LTD. TẠI TP.HCM; CÔNG TY TNHH ASTELLAS PHARMA VIỆT NAM; CÔNG TY CP DƯỢC - TRANG THIẾT BỊ Y TẾ BÌNH ĐỊNH (BIDIPHAR); JAFRON BIOMEDICAL CO., LTD; CÔNG TY TNHH DƯỢC PHẨM GIGAMED

WEGO BLOOD PURIFICATION BUSINESS GROUP; CÔNG TY TNHH BAXTER VIỆT NAM HEALTHCARE; CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI VÀ DƯỢC PHẨM SANG

ĐỒNG TÀI TRỢ

CÔNG TY TNHH NIPRO SALES VIỆT NAM; CÔNG TY TNHH B.BRAUN VIỆT NAM; CÔNG TY TNHH NOVARTIS VIỆT NAM; JIANGXI SANXIN MEDTEC CO.,LTD.; CÔNG TY TNHH ASTRAZENECA VIỆT NAM; CÔNG TY TNHH MEDISOL; CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM OTSUKA VIỆT NAM; CÔNG TY TNHH XUẤT NHẬP KHẨU VÀ THƯƠNG MẠI KỸ THUẬT THÀNH HƯNG; CÔNG TY TNHH FRESENIUS MEDICAL CARE VIỆT NAM

CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ ĐỨC AN

Hà Lan (thực hiện)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chu-tich-hoi-loc-mau-viet-nam-hoi-loc-mau-la-diem-tua-chuyen-mon-cho-thay-thuoc-169231020151249945.htm