Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam qua các kỳ Đại hội

Trải qua 87 năm hình thành và phát triển, Hội LHPN Việt Nam trải qua 12 kỳ Đại hội, gắn với đó là những vị Chủ tịch Hội qua từng thời kỳ.

Bà Lê Thị Xuyến

Bà Lê Thị Xuyến sinh năm 1909 tại xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc. Năm 1928, bà tốt nghiệp bậc Thành Chung vừa đỗ bằng sư phạm và là phụ nữ đầu tiên ở Quảng Nam có được tấm bằng ấy. Sau đó, bà được giữ lại làm giáo viên của Trường Đồng Khánh.

Tháng 1/1946, bà được Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Nam giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I (1946-1960) và đã trúng cử với số phiếu cao, trở thành một trong 15 đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Quảng Nam và là một trong 10 người nữ đầu tiên của cả nước được bầu làm đại biểu Quốc hội.

Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, là đại biểu nữ duy nhất được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội, phụ trách Ủy ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội. Sau đó, Lê Thị Xuyến liên tục là đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV, V và cũng được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ các khóa IV, V; Ủy viên Ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội.

Bà Lê Thị Xuyến được bầu làm Hội trưởng tại Ðại hội lần thứ I diễn ra vào tháng 4-1950 tại Ðại Từ, Thái Nguyên. Bà là một trong những cán bộ lãnh đạo đầu tiên và có thời gian công tác lâu nhất (32 năm) của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kể từ khi thành hợp nhất các tổ chức phụ nữ thành hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thập

Bà Nguyễn Thị Thập tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, sinh ngày 10/10/1908 tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (trước là tỉnh Mỹ Tho) trong một gia đình nông dân nghèo. Từ năm 20 tuổi, bà đã giác ngộ lí tưởng cách mạng, tham gia tổ chức Nông hội ở Long Hưng với nhiều hoạt động được đông đảo nông dân nghèo ủng hộ. Năm 1931, đồng chí được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, từ đó lấy bí danh là Mười Thập hay Nguyễn Thị Thập.

Tháng 11/1946, kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ, Trung ương dời về chiến khu Việt Bắc. Lúc này, với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, bà được phân công trở về miền Nam với nhiệm vụ đặc biệt là xây dựng và củng cố Đảng bộ Nam Bộ ngày càng vững mạnh. Năm 1947, bà được cử làm Đoàn trưởng Đoàn Phụ nữ Cứu quốc Nam Bộ.

Sau khi tập kết ra miền Bắc (1954), bà được bầu là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam qua hai kỳ đại hội thứ 2 và thứ 3 (1956-1974).

Bà Hà Thị Quế

Bà Hà Thị Quế tên thật là Lương Thị Hồng, sinh năm 1921 tại xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Là hậu duệ của Trạng nguyên Lương Thế Vinh, từ bé là một cô gái thông minh, nhanh nhẹn, được ông chú họ dạy dỗ về kiến thức cũng như về lòng yêu nước và ý chí cách mạng.

Khi mới 14, 15 tuổi, bà đã tham gia làm công tác giao liên trong Hội cứu tế do người cha và chú ruột thành lập. Năm 17 tuổi, bà vừa tham gia phường cấy vừa làm Bí thư đoàn Thanh niên phản đế và Hội Phụ nữ phản đế rồi làm Bí thư Phụ nữ Cứu quốc ở xã. Sau đó, bà được cử đi học lớp quân sự của Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng. Năm 1941, Hà Thị Quế được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử làm Bí thư chi bộ xã.

Năm 23 tuổi, bà được giao nhiệm vụ phụ trách quân sự hai huyện Yên Thế và Việt Yên và một phần huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang). Đây là hai trung tâm liên lạc nối liền các tỉnh từ Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh và là nơi có nhiều cơ quan đầu não của Trung ương đóng. Ngày 18/8/1945, bà Hà Thị Quế cùng ban lãnh đạo cách mạng tỉnh Bắc Giang tiến hành khởi nghĩa và giành chính quyền ở Phủ Lạng Thương.

Năm 1950, tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ I, bà được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960), bà được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và phụ trách Phó Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Năm 1961, tại Đại hội III của hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hà Thị Quế được bầu làm Phó Chủ tịch Hội.

Năm 1974, tại đại hội IV, bà được bầu là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Định

Bà Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/3/1920, trong một gia đình nông dân ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Năm 1936, khi vừa tròn 16 tuổi, bà đảm nhận nhiệm vụ giao liên, rải truyền đơn và tham gia vận động quần chúng đấu tranh. Hai năm sau, vào tuổi 18, bà được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trong khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, bà đã cầm cờ dẫn đầu hàng ngàn quần chúng tay dao, tay gậy, cờ, băng, biểu ngữ rầm rộ chiếm thị xã Bến Tre. Sau ngày khởi nghĩa thắng lợi, bà được tổ chức giữ lại công tác ở phụ nữ tỉnh. Cuối năm 1946, bà Nguyễn Thị Định được bầu làm ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN tỉnh Bến Tre.

Cuối năm 1959, Mỹ-Diệm cho xây khu trù mật ở Bến Tre và cho thực hiện luật 10/59 lê máy chém khắp miền Nam để khủng bố phong trào cách mạng. Nguyễn Thị Định là người khởi xướng và lãnh đạo chủ chốt phong trào Đồng Khởi ở Mỏ Cày, Bến Tre, mở đầu phong trào Đồng Khởi trong toàn tỉnh, vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ.

Từ phong trào Đồng Khởi xuất hiện “Đội quân tóc dài”. Họ tổ chức thành đội ngũ, tiến hành cuộc đấu tranh trực diện với địch, đòi chấm dứt càn quét, bắn giết, bom pháo, đòi bồi thường nhân mạng…

Tháng 5/1961, bà được bầu vào Khu ủy viên khu 8, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ khu 8. Năm 1965, bà được bầu làm Hội trưởng Hội LHPN Giải phóng miền Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1975, bà là Ủy viên Ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội. Từ Tháng 6/1980 đến năm 1992, bà là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam (1982-1992), Chủ tịch Hội Hữu nghị đoàn kết Việt Nam - Cu Ba, Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới, Ủy viên đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.

Bà Trương Mỹ Hoa

Bà Trương Mỹ Hoa, tên thường gọi là Bảy Thư, sinh ngày 18/8/1945 tại Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Bà kết nạp Đảng năm 18 tuổi.

Trong thời gian từ tháng 5/1964 đến tháng 3/1975, bà bị địch bắt, tù đày trải qua các nhà lao của Mỹ - ngụy. Bà tham gia hoạt động đấu tranh trong nhà tù và giữ các chức Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban cán sự Đảng, Trưởng Ban lãnh đạo đấu tranh các nhà lao.

Trong thời gian từ tháng 3/1975 đến tháng 4/1975, bà Trương Mỹ Hoa được trả tự do rồi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Bà là Đội phó Đội 3 mũi tiến công chiếm lĩnh các mục tiêu ở Gia Định.

Từ tháng 5/1975 đến tháng 6/1977, bà tham gia tiếp quản thành phố Hồ Chí Minh rồi trải qua các chức vụ Quận ủy viên, Trưởng ban Kiểm tra Đảng Quận 10; Bí thư Đảng ủy phường Điện Biên Phủ, quận 10, TP Hồ Chí Minh.

Từ tháng 11/1986 đến tháng 11/1991, bà là Ủy viên dự khuyết rồi Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI; Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.

Bà Trương Mỹ Hoa giữ chức Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam qua hai nhiệm kỳ Đại hội đại biểu phụ nữ lần thứ VII và VIII.

Bà Hà Thị Khiết

Bà Hà Thị Khiết sinh ngày 27/7/1950 tại xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Bà kết nạp Đảng năm 19 tuổi. Bà Hà Thị Khiết là đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Tuyên Quang 3 khóa: 1985-1989, 1989-1994, 1991-1999. Sau đó, bà là Ủy viên BCH Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, IX, X, XI; Bí thư Trung ương Đảng khóa X, XI.

Bà Hà Thị Khiết được bầu là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ IX.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa sinh ngày 3/11/1954, quê quán tại xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Bà là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13, thuộc đoàn đại biểu Bắc Ninh.

Bà tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, chuyên ngành văn học; Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chuyên ngành xã hội học và có bằng Thạc sĩ về Quản lý giáo dục.

Bà được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ X và XI. Tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà

Bà Nguyễn Thị Thu Hà sinh ngày 27/5/1970, quê quán ở huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Từ tháng 7/2010 đến tháng 3/2012, bà là Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Giám đốc Trường cán bộ phụ nữ Trung ương. Từ tháng 3/2012 đến tháng 2/2014, bà Nguyễn Thị Thu Hà là Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. Từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2015, bà là Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam lần thứ 7, ngày 25/12/2015, bà Nguyễn Thị Thu Hà được bầu là Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bà được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 8/4/2016, tại Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Hội LHPNVN khóa XI, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN, đã được bầu làm Chủ tịch Hội LHPNVN khóa XI (nhiệm kỳ 2012-2017).

Tại đại hội đại biểu Phụ nữ Toàn quốc lần thứ XII được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Hương Nhung (tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/kho-bau/chu-tich-hoi-lhpn-viet-nam-qua-cac-ky-dai-hoi-post34151.html