Chủ tàu cá 'đỏ mắt' tìm lao động đi biển

Sau chuyến ra khơi được nhiều 'lộc biển' đầu năm Quý Mão, nhiều tàu cá của ngư dân ở tỉnh Thừa Thiên-Huế phải nằm bờ do chủ tàu không tìm được lao động đi biển. Thực trạng thiếu hụt lao động trên tàu cá xảy ra trong nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục để ngư dân yên tâm bám biển.

Huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế có bờ biển trải dài qua địa bàn các xã và là địa phương có nhiều ngư dân đóng tàu cá công suất lớn để khai thác hải sản ở vùng biển xa. Trái với những năm trước, năm nay bà con ngư dân ra khơi đánh bắt cá vụ Nam muộn hơn. Tại xã biển Phú Hải, huyện Phú Vang, qua ghi nhận, hiện nhiều tàu cá vẫn đang neo đậu tại âu thuyền của xã do chưa tìm đủ lao động đi biển.

Ngồi tu sửa lại ngư lưới cụ, ngư dân Đặng Văn Dũng (ở thôn Cự Lại Đông, xã Phú Hải), chủ tàu cá công suất hơn 400CV cho biết, vào những năm trước, sau thời gian nghỉ Tết thì tàu cá của gia đình ông đã nổ máy vươn khơi hướng ra ngư trường lớn đánh bắt hải sản. Tuy nhiên năm nay, việc kêu gọi lao động đi biển gặp khó khăn, các bạn tàu nghỉ đi biển và chuyển sang làm các công việc có thu nhập cao hơn nên tàu cá của ông Dũng chưa thể vươn khơi.

“Tàu cá của tôi hành nghề lưới vây, mỗi chuyến đi biển thường kéo dài từ 10 đến 15 ngày và cần khoảng 10 bạn tàu. Thế nhưng thời gian ra Tết đến nay, vợ chồng tôi chỉ tìm được 3 đến 4 lao động, số lao động còn lại bị thiếu nên tàu cá vẫn đang nằm bờ”, ông Dũng chia sẻ.

Nhiều tàu cá của ngư dân huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên-Huế) chưa thể ra khơi do thiếu lao động.

Ngoài tàu cá của ông Dũng, tàu cá của các ngư dân Phan Văn A, Lê Thị Hương (ở thôn Cự Lại Trung, xã Phú Hải); Hà Tuấn (thôn Cự Lại Bắc, xã Phú Hải); Nguyễn Văn Mơ và Huỳnh Văn Hưng… cũng đang phải nằm bờ do thiếu lao động. Theo ngư dân Hà Tuấn, hiện việc ra khơi bám biển của ngư dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ảnh hưởng thời tiết thì đáng lo ngại nhất là tình trạng thiếu hụt bạn tàu trên các tàu cá công suất lớn. Bên cạnh đó, nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt do tình trạng đánh bắt giã cào, hải sản đánh bắt vào bờ bị thương lái ép bán giá rẻ, trong khi chi phí nhiên liệu xăng dầu tăng cao nên sau mỗi chuyến biển, lợi nhuận chia cho bạn tàu ít hơn khiến nhiều người tạm thời bỏ nghề đi biển.

Theo các ngư dân, nếu những năm trước, bình quân mỗi chuyến biển dài ngày mang lại cho người làm thuê trên tàu cá từ 5-10 triệu đồng thì nay mỗi chuyến biển chỉ thu nhập từ 1-3 triệu đồng do sản lượng hải sản đánh bắt sụt giảm. Thậm chí nhiều tàu cá khi cập bờ bán hải sản chỉ đủ trả chi phí nhiên liệu nên các bạn tàu không có nguồn thu.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Phú Hải cho biết, toàn xã có 43 tàu cá công suất lớn từ 90CV đến hơn 800CV; 180 tàu thuyền đánh bắt vùng biển bãi ngang và 135 phương tiện đánh bắt trên vùng đầm phá Tam Giang. Toàn xã có 3 liên đoàn tàu cá đánh bắt xa bờ, tập trung ở thôn Cự Lại Đông 19 tàu; thôn Cự Lại Trung 9 tàu và Cự Lại Bắc 13 tàu. Bình quân mỗi chuyến biển, các tàu xa bờ đánh bắt được 8 đến 10 tấn cá ngừ, cá thu, cá nục. Sau khi bán hải sản và trừ các khoản chi phí, mỗi lao động trên tàu được chủ tàu chi trả vài triệu đồng tiền công. Đối với những tàu đánh bắt sản lượng ít thì số tiền chia cho lao động trên tàu sẽ giảm. “Đánh bắt hải sản ngày càng gặp khó là nguyên nhân khiến nhiều lao động ở địa phương nghỉ đi biển chuyển sang nghề phụ hồ và làm các nghề khác hoặc đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, dẫn đến nhiều tàu cá thiếu hụt lao động”, ông Hải khẳng định.

Tình trạng thiếu hụt lao động đi biển cũng xảy ra ở xã biển Phú Thuận, huyện Phú Vang và phường Thuận An, TP Huế khiến nhiều tàu cá tại các địa phương này chưa thể ra khơi. Bà Nguyễn Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, toàn xã có 53 tàu cá công suất lớn. Tất cả số tàu cá này cần khoảng 600 người lao động khi ra khơi đánh bắt cá, câu mực. Tuy nhiên đến nay, do ảnh hưởng thời tiết, sản lượng đánh bắt hải sản sụt giảm, thu nhập bấp bênh nên nhiều lao động đi biển nghỉ việc khiến các chủ tàu “đỏ mắt” tìm bạn tàu.

“Dù gặp nhiều khó khăn nhưng qua công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương, các chủ tàu ở địa bàn xã đã nỗ lực cho tàu vươn khơi bám biển. Trong năm 2022, sản lượng đánh bắt hải sản của xã đạt 6.379 tấn; kế hoạch năm 2023 đánh bắt 8.000 tấn hải sản nhưng với tình trạng thiếu lao động đi biển như hiện nay thì để đạt sản lượng trên là rất khó”, bà Oanh thông tin.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện toàn tỉnh có gần 450 tàu cá đánh bắt xa bờ với công suất từ 90CV đến 1.000CV. Ngư trường khai thác hải sản của ngư dân hoạt động chủ yếu từ vĩ tuyến 140 độ Bắc lên đến vịnh Bắc Bộ và ranh giới của vùng biển Việt Nam. Cùng với nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, nghề biển đã tạo việc làm cho hơn 10 nghìn hộ gia đình với trên 20 nghìn lao động ở các địa phương ven biển tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tuy nhiên, do nguồn lợi hải sản giảm, nhiều chủ tàu cá chưa mạnh dạn vươn khơi dài ngày dẫn đến hiệu quả mỗi chuyến biển chưa cao, lao động trên tàu cá có thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình nên nhiều người chuyển sang nghề khác.

Tình trạng thiếu hụt lao động khiến 30% tàu cá trên địa bàn tỉnh chưa thể vươn khơi, 10% tàu cá nằm bờ thường xuyên, dẫn đến lãng phí trang thiết bị, ngư lưới cụ được các ngư dân đầu tư mua sắm phục vụ nghề biển. Hiện chính quyền các địa phương ven biển đang tuyên truyền, vận động ngư dân nỗ lực bám biển để phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.

Anh Khoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/chu-tau-ca-do-mat-tim-lao-dong-di-bien-i684401/