Chư Pưh phát huy liên kết chuỗi cùng HTX giúp dân giảm nghèo

Liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa với vai trò quan trọng của các HTX đã giúp không ít hộ dân ở huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) thoát nghèo thành công. Chính vì vậy, huyện đã, đang và sẽ tích cực khuyến khích người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số (chiếm trên 52% dân số của huyện) tham gia liên kết sản xuất theo mô hình HTX để vừa nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững và đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới.

Nhiều năm nay, HTX Nông lâm nghiệp Ia Hrú ở xã Ia Hrú đã chú trọng liên kết sản xuất, tìm hướng tiêu thụ bền vững các sản phẩm có lợi thế của đơn vị như: Gạo, dầu phộng, cà phê, mật ong…

Mở rộng sản xuất đặc sản

HTX Nông lâm nghiệp Ia Hrú hiện đang liên kết với người dân trên địa bàn huyện canh tác khoảng 20 ha cà phê, 10 ha chanh dây, 10 ha lúa, đậu phộng và chuối. HTX hỗ trợ bà con cây giống, một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm.

HTX Nông lâm nghiệp Ia Hrú đang liên kết vớinông dân địa phương phát triển giống lúa Kê Lau.

Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX đã làm ra thành phẩm hạt tiêu đen, dầu đậu nành, cà phê Trung Sơn, gạo Kê Lau. Đặc biệt, gạo Kê Lau đã được chứng nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh.

Ông Huỳnh Văn Ánh, Giám đốc HTX, cho biết Kê Lau là giống lúa truyền thống của người dân tộc bản địa, trồng 6 tháng mới cho thu hoạch và 1 năm chỉ làm được 1 vụ. HTX đã liên kết sản xuất lúa Kê Lau để phục tráng và bảo tồn nguồn giống quý của bà con dân tộc thiểu số và chế biến thành gạo đặc sản.

Theo ông Ánh, hiệu quả bước đầu từ liên kết phát triển giống lúa Kê Lau của HTX Nông lâm nghiệp Ia Hrú đã giúp địa phương chọn ra sản phẩm đặc trưng để tập trung đầu tư mở rộng sản xuất. Mục tiêu là sản phẩm gạo Kê Lau không chỉ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội tỉnh mà còn xuất bán đi các tỉnh, thành khác.

Bản thân ông Ánh cũng là một nông dân sản xuất giỏi của địa phương. Hiện tại, với 4 ha cà phê, 2 ha cao su và hơn 100 con bò, 50 con trâu, sau khi trừ chi phí đầu tư, ông Ánh còn lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Trong mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản ở huyện Chư Pưh phải kể thêm HTX Nông nghiệp 81 ở thôn Hòa Hiệp, thị trấn Nhơn Hòa đang liên kết với nông dân trồng nhiều loại nấm sạch, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

Hiện, HTX có 20 thành viên là nông dân ở các huyện của tỉnh Gia Lai, như: Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông, thị xã An Khê và Tp. Pleiku. Tham gia HTX, các thành viên có sự liên kết và được hỗ trợ từ khâu chọn phôi nấm, kỹ thuật chăm sóc cho đến thu mua sản phẩm, giới thiệu thị trường tiêu thụ.

Tất cả sản phẩm nấm của HTX được đăng ký bảo hộ độc quyền với thương hiệu 81farm. HTX đã có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh là nấm linh chi đỏ, nấm bào ngư xám.

hình mẫu để nhân rộng

Mỗi ngày, có thành viên HTX Nông nghiệp 81 bán ra thị trường 1 tạ nấm bào ngư xám. Để đảm bảo ổn định đầu ra, các thành viên bố trí xoay vòng các đợt ủ phôi để có thể thu hoạch đều quanh năm. Nấm từ lúc ươm đến lúc cấy giống khoảng 45 ngày, thời gian thu hoạch là 4 tháng, giá bán 40-50 ngàn đồng/kg.

Liên kết trồng sầu riêng cùng HTX giúp nông dân huyện Chư Pưh vươn lên làm giàu.

Liên kết trồng sầu riêng cùng HTX giúp nông dân huyện Chư Pưh vươn lên làm giàu.

Ông Đoàn Công Tiến, Giám đốc HTX, cho biết thị trường tiêu thụ chính là các chợ, siêu thị, cửa hàng bán sản phẩm OCOP trong tỉnh và các địa phương như: Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Bình Định.

Là thành viên của HTX, anh Nguyễn Ngọc Phúc (thôn Phú Hà, xã Ia Blứ) cho biết đã tham gia HTX và xây nhà trồng nấm. Nhờ được HTX tổ chức tham gia các buổi tập huấn về kỹ thuật trồng nấm đã giúp nâng cao năng suất và chất lượng, cùng với đó là đầu ra ổn định với giá tốt nên thu nhập tăng cao, kinh tế gia đình không còn khó khăn như trước.

Theo một lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh, mô hình liên kết trồng nấm của HTX Nông nghiệp 81 mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Đây cũng là mô hình mẫu để thanh niên địa phương và các địa bàn lân cận đến tham quan, tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng.

Thời gian qua, liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa với vai trò quan trọng của các HTX đã giúp không ít hộ dân trên địa bàn huyện Chư Pưh thoát nghèo thành công. Chính vì vậy, huyện đã, đang và sẽ tích cực khuyến khích nhân dân liên kết sản xuất theo mô hình HTX, góp phần nâng cao đời sống và giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Đơn cử như HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn ở xã Ia Blứ đang thực hiện liên kết trồng các loại cây ăn quả như: Sầu riêng, mít, mãng cầu. Trong đó, sầu riêng là cây mũi nhọn được HTX đẩy mạnh mở rộng diện tích. HTX đã chủ động liên kết với 62 hộ dân, canh tác hơn 250 ha sầu riêng theo hướng VietGAP. Nhờ đó, giá trị sản phẩm tăng cao và được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Viết Bình, Giám đốc HTX cho biết: “Chúng tôi chủ động liên kết với các hộ dân canh tác hơn 250 ha sầu riêng theo hướng VietGAP. Nhờ đó, sản phẩm sầu riêng của HTX đã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và nâng cao về giá trị”.

Hiện tại, người dân trồng sầu riêng trong xã có thu nhập khoảng 400 triệu đồng/ha/năm. Từ cuối năm trước, HTX đã làm hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng cấp 6 mã số vùng trồng cho 177 ha sầu riêng. Ngoài ra, HTX cũng ký hợp đồng liên kết với Công ty cổ phần Nafoods Group để bao tiêu sản phẩm sầu riêng phục vụ xuất khẩu.

Giúp bà con thiểu số thay đổi tư duy sản xuất

Để hỗ trợ người dân canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm xuất khẩu chính ngạch, chính quyền huyện Chư Pưh đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh và một số doanh nghiệp, HTX vận động bà con nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng mã vùng trồng.

Cùng HTX thúcđẩy chuỗi liên kết sảnxuất và tiêu thụ nông sản đã góp phần xây dựng nông thôn mới ở Chư Pưh.

Ngoài ra, huyện Chư Pưh còn phối hợp với Sở KH&CN Gia Lai khảo sát xây dựng mã vùng trồng cây sầu riêng tại xã Ia Rong. Đến nay, xã đã hình thành Tổ liên kết sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, mở ra cơ hội phát triển sầu riêng ổn định trong những năm tới.

Trong quá trình thúc đẩy chuỗi liên kết nông sản, huyện Chư Pưh cũng dành nhiều sự quan tâm đến việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp cho bà con dân tộc thiểu số - vốn chiếm trên 52% số dân của huyện. Nhất là khuyến khích và tạo điều kiện cho đồng bào thiểu số liên kết phát triển theo mô hình HTX, coi đây là hướng đi hiệu quả vì giúp cho họ có được thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, để tạo sinh kế, chính quyền huyện Chư Pưh đã hỗ trợ giúp bà con tham gia làm thành viên HTX và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Khi tham gia vào HTX, nhờ thực hiện theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất cho đến tiêu thụ nông sản nên đời sống của bà con ngày càng được nâng lên. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 9,43%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 10,05%.

Từ việc đẩy mạnh chuỗi liên kết như vậy cũng góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới ở Chư Pưh. Tính đến nay toàn huyện có 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Ia Phang, Ia Blứ, Ia Le, Ia Hrú, Ia Rong và Ia Dreng.

Huyện cũng đang tập trung nguồn lực đầu tư để các xã này giữ vững chuẩn nông thôn mới. Trong đó, huyện sẽ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác theo chiều sâu gắn với thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới.

Chính quyền huyện Chư Pưh sẽ hỗ trợ để các mô hình HTX liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo đi đôi với khẳng định giá trị nông sản địa phương.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/chu-puh-phat-huy-lien-ket-chuoi-cung-htx-giup-dan-giam-ngheo-1096842.html