CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT HOÀNG THANH TÙNG: TÔN TRỌNG TẤT CẢ CÁC Ý KIẾN GÓP Ý TRONG QUÁ TRÌNH THẨM TRA, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT

Chiều 01/3, tại Hội thảo góp ý về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức, các đại biểu tập trung thảo luận về phạm vi hoạt động công chứng; đào tạo công chứng viên, tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng; quản lý nhà nước. Ghi nhận các ý kiến góp ý phong phú, sâu sắc, cung cấp nhiều thông tin lý luận và thực tiễn, gợi mở thêm nhiều vấn đề, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định tôn trọng tất cả các ý kiến góp ý để phục vụ thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và sẽ tiếp tục lắng nghe nghiên cứu, trao đổi làm rõ các vấn đề.

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Công chứng năm 2014. Bởi thực tiễn sự phát triển hoạt động công chứng hiện nay cũng như qua kết quả tổng kết, khảo sát thực tiễn việc thi hành Luật, trong bối cảnh nhiều đạo luật liên quan mật thiết đến hoạt động công chứng như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Giao dịch điện tử được bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới, việc đặt vấn đề sửa đổi Luật Công chứng năm 2013 là phù hợp để khắc phục những bất cập trong quy định của Luật đã bộc lộ thời gian qua, tạo sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Cùng với đó là tính toán đến việc thiết kế những quy định tạo cơ sở cho sự phát triển mới có tính hội nhập và bền vững của hoạt động công chứng.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Trần Hữu Hậu – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phát biểu tại hội thảo

Trước thực trạng, chất lượng đội ngũ công chứng viên có mặt còn chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, tính chuyên nghiệp chưa cao; còn tình trạng vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề, cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến uy tín của nghề công chứng trong xã hội. Việc hợp danh của các công chứng viên tại một số tổ chức hành nghề công chứng còn mang tính hình thức. Nhiều ý kiến tại hội thảo đặt vấn đề về sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện trở thành công chứng viên để có thể lựa chọn và bổ sung những người thực sự xứng đáng vào đội ngũ công chứng viên, phát triển đội ngũ công chứng viên bền vững với chất lượng cao, số lượng đáp ứng nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch và thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu

Theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật Trần Hữu Hậu – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh không nên quy định giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng là 70 tuổi mà có thể cân nhắc giới hạn độ tuổi cao hơn. Trong khi đó, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp và một số chuyên gia cho rằng cần quy định độ tuổi hành nghề công chứng không quá 70 tuổi và phải đảm bảo sức khỏe. Nhóm ý kiến này cho rằng việc hành nghề công chứng đòi hỏi yêu cầu cao về trách nhiệm, tính chính xác, sự minh mẫn, do đó, giới hạn độ tuổi hành nghề là cần thiết. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng không nên giảm thời gian công tác pháp luật là điều kiện xem xét, bổ nhiệm công chứng viên mà nên giữ như hiện hành với thời gian công tác pháp luật từ đủ 5 năm trở lên. TS.Nguyễn Ngọc Bích – Trưởng Bộ môn Luật Hành chính, Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh việc quy định chặt chẽ tiêu chuẩn công chứng viên không chỉ xuất phát từ yêu cầu phát triển đội ngũ công chứng viên mà còn vì vì lợi ích của các khách hàng của công chứng viên.

TS.Nguyễn Ngọc Bích – Trưởng Bộ môn Luật Hành chính, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu

Liên quan đến tổ chức hành nghề công chứng, ThS. Đỗ Hoàng Yến - Nguyên Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đề xuất bỏ quy định về chế độ hợp danh bắt buộc của Văn phòng công chứng. ThS. Đỗ Hoàng Yến lý giải, quy định này về bản chất là không phù hợp với tính chất của một tổ chức hạch toán độc lập tương tự như doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng thuê mượn hợp danh, tranh chấp văn phòng… như tình trạng thực tế đang diễn ra hiện nay mà các quy định cấm như trong dự thảo cũng sẽ không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Trên thế giới hầu như các nước đều không quy định hợp danh bắt buộc. Việc bắt buộc hợp danh cũng là rào cản để có thể xã hội hóa công chứng ở những địa bàn kinh tế khó khăn, khi không có đủ công chứng viên để thành lập văn phòng hoặc chi phí để duy trì văn phòng quá cao vượt quá khả năng của nguồn thu. Do vậy cần cho phép tổ chức công chứng tự lựa chọn mô hình một thành viên là chủ hay hợp danh tùy điều kiện và nhu cầu cụ thể.

ThS. Đỗ Hoàng Yến - Nguyên Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp trình bày tham luận: Bình luận chuyên sâu quy định về phạm vi hoạt động công chứng và phạm vi thẩm quyền của công chứng viên trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

Cùng quan điểm, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa cho rằng không nhất thiết quy định Văn phòng công chứng phải là hợp danh, có thể quy định theo hướng chỉ cần một công chứng viên đủ điều kiện hành nghề là có thể mở văn phòng công chứng.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu tại hội thảo để tiếp tục nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nêu rõ, việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) lần này nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa việt nam trong giai đoạn mới. Trong đó đã quy định nhiệm vụ: Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Liên quan đến lĩnh vực công chứng, Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng nêu rõ: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm

Trên cơ sở quan điểm, chủ trương của Đảng, trong lần sửa đổi này, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp tục xác định rõ vị trí, vai trò của công chứng là một hoạt động bổ trợ tư pháp; cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện; hoạt động công chúng phải góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Trao đổi về các vấn đề các đại biểu quan tâm như quy định độ tuổi hành nghề, tiêu chuẩn công chứng viên; đào tạo nghề công chứng…Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, các sửa đổi, bổ sung trong dự thảo đều được Ban soạn thảo cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Tuy nhiên đến nay một số nội dung vẫn còn ý kiến khác nhau, mỗi phương án đều có những ưu điểm nhất định. Nếu như quy định về mô hình hoạt động của văn phòng công chứng vừa phải tạo điều kiện cho tổ chức hành nghề công chứng được thành lập, đi vào hoạt động nhất là tại các địa bàn khó khăn, tăng cường xã hội hội nhưng cũng cần bảo đảm yêu cầu cao về tính ổn định, chuyên nghiệp, việc chịu trách nhiệm pháp lý của tổ chức hành nghề công chứng.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Hay như quy định về đào tạo nghề công chứng vừa phải đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên vừa đảm bảo phát triển đội ngũ công chứng viên, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho công chứng viên hành nghề…là hai mặt của vấn đề phải giải quyết trong quá trình xây dựng Luật. Do đó, trên cơ sở các ý kiến góp ý, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để có quy định phù hợp, đáp ứng các yêu cầu đề ra, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ.

Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ với tinh thần tích cực, trách nhiệm cao, khách quan, khoa học, dân chủ, thẳng thắn, Hội thảo “Góp ý về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)” do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức đã hoàn thành tốt đẹp toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu kết luận hội thảo

Qua nghe trình bày các tham luận, trao đổi thảo luận và phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhận thấy, các tham luận, ý kiến phát biểu có nội dung rất phong phú, sâu sắc, cung cấp nhiều kinh nghiệm hoạt động công chứng trong nước và quốc tế, các vấn đề có tính lý luận và thực tiễn, gợi mở thêm nhiều vấn đề bổ ích cho việc thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Đối với những nội dung còn ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khẳng định Ủy ban Pháp luật ghi nhận và tôn trọng tất cả các ý kiến góp ý; tiếp tục lắng nghe để có nghiên cứu, trao đổi để cùng làm rõ vấn đề, đi đến phương án hợp lý nhất, vừa có tính khoa học, lý luận và thực tế để phục vụ công tác thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu các ý kiến góp ý, khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật, sớm gửi Thường trực Ủy ban Pháp luật để phục vụ việc nghiên cứu, thẩm tra sơ bộ dự án Luật, bảo đảm tiến độ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 3/2024.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan, tổ chức hữu quan ở trung ương và tại các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tiếp tục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật để tiến hành các hoạt động hội thảo, tọa đàm, từ đó cung cấp thêm cơ sở khoa học, thực tiễn vững chắc cho quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công chứng (sửa đổi) đạt yêu cầu về chất lượng, tiến độ đề ra, bảo đảm dự án Luật khi được thông qua đạt chất lượng cao, khắc phục những hạn chế, bất cập trong thời gian vừa qua, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

Toàn cảnh hội thảo

Th.S Nguyễn Thị Thơ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam trình bày tham luận: Bình luận chuyên sâu quy định về thủ tục công chứng giao dịch và công chứng điện tử trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

TS. Lại Thị Bích Ngà - Phó trưởng Khoa kiêm Trưởng Bộ môn Nghề công chứng, Khoa Đào tạo Công chứng viên và chức danh khác, Học viện Tư pháp trình bày tham luận: Bình luận chuyên sâu quy định về đào tạo, tập sự hành nghề công chứng, bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

TS. Tuấn Đạo Thanh (tham luận) - Trưởng Phòng Công chứng số 1 thành phố Hà Nội trình bày tham luận: Bình luận chuyên sâu quy định về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương trình bày tham luận: Bình luận chuyên sâu quy định về quản lý nhà nước về công chứng, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Trần Hữu Hậu - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phát biểu

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn phát biểu

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi làm rõ một số nội dung trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận hội thảo.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85042