Chủ nghĩa tình thương

- Có một vị tiến sĩ vừa nói trên truyền thông rằng: 30 năm đổi mới và hội nhập thế giới, Việt Nam là nước tăng trưởng cao, chỉ sau có Trung Quốc. Nhưng cũng phải 100 năm nữa mới bằng Singapore, Hàn Quốc. Nghe nản quá, bác ạ, anh em mình chắc không được hưởng gì...

- Còn có chuyện nản hơn nữa là sau 10 năm gia nhập WTO, GDP của ta tăng 80%, tức gấp 1,8 lần. Nhưng không có kênh đầu tư nào mà suất sinh lợi danh nghĩa cao hơn lạm phát bình quân. Thậm chí giai đoạn 2006-2010 những người có tiền ở Việt Nam chạy theo kiểu đầu cơ hơn sản xuất. Tất cả chơi trò lãi suất ngân hàng, đến lúc quả bong bóng lãi xì hơi, ai cũng phát hiện mình đang ôm quả bom.

- Đến hôm 12.4.2016 lại bỏ cơm trưa, xin nghỉ làm để xếp hàng mua đồng tiền lưu niệm. Mỗi người chỉ được mua 5 tờ 100 đồng, mỗi tờ các bác ngân hàng “chém” 20.000 đồng. Bỏ 100.000 đồng để mua 500 đồng, lại không tiêu được, chịu! Không hiểu là kiểu gì nữa. Còn chuyện lạm phát lại có con số khác: 2011 là 18,3%, 2015 là 0,63%, 2016 dự kiến lại vọt lên 4-5%. Nghe cứ rối như canh hẹ.

- Ai bảo nấu canh hẹ! Hẹ thái nhỏ ra, mì mằn thắn, sủi cảo mà không có hẹ thái nhỏ rắc vào, ở đâu không biết chứ người Hà Nội không nhiều người ăn, đi ăn phở!

- Còn có ý nữa cũng nghe được, đó là chuyện “kiểm soát kỳ vọng” của người Việt, được ví như một người đang đói đứng trước một mâm cỗ đầy không biết sẽ ăn món nào đây.

- Ăn sạch như đi bu-phét, ngon ăn trước, chen cướp, rồi lần lượt ăn hết các món.

- Khó sửa lắm, bác ạ, Quốc hội họp, diễn đàn rộng và cởi mở nhất nước mà nhiều đại biểu phải thở dài nói rằng chống tham nhũng chưa có hiệu quả. “Cả khóa CP thương cán bộ không phạt ai”.

- Chắc gì đó đã là “chủ nghĩa tình thương” nhỉ?

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/noi-hay-dung/chu-nghia-tinh-thuong-540485.bld