Chủ động ứng phó với hạn, mặn, sạt lở, sụt lún

Trong chuyên mục 'Dân hỏi - Chính quyền trả lời' kỳ này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên GIang Lê Hữu Toàn (ảnh) thông tin về tình hình hạn hán, mặn xâm nhập, sạt lở, sụt lún và thiếu nước ngọt trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Lê Hữu Toàn cho biết tình hình mặn xâm nhập năm 2023, nhất là quý I năm 2024 có những vấn đề cần hết sức quan tâm. Nguồn nước đổ về khu vực đồng bằng sông Cửu Long so với trung bình nhiều năm và so với cùng kỳ năm 2023 giảm sâu, trong đó thiếu hơn 20%, nhất là đối với mực nước nội đồng so với trung bình nhiều năm giảm 20-35%. Nội đồng khu vực Kiên Giang so với trung bình nhiều năm giảm hơn 5-10cm. Tình hình mặn xâm nhập diễn biến phức tạp với nồng độ cao và theo chiều sâu. Ở sông Cái Lớn, nước mặn xâm nhập vào sâu trên 47km, ghi nhận trên 4‰. Đây là mức độ nước mặn xâm nhập rất cao và xấp xỉ năm 2015-2016.
Cùng với nước mặn xâm nhập còn kèm theo nắng nóng kéo dài. Biên độ nhiệt trung bình năm 2023 khoảng 28-29,5oC. Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2024, biên độ nhiệt duy trì ở mức 30-35oC. Về ghi nhận sạt lở, sụt lún tại vùng đệm U Minh Thượng, hiện nay diễn biến hết sức phức tạp. Đến ngày 8-4, tỉnh ta ghi nhận 297 điểm sạt lở với hơn 8.100m đường đã có sạt lở, trong đó đường tỉnh 965 sạt lở trên 800m, còn lại là các trục giao thông nội đồng vùng đệm U Minh Thượng.

Về tình hình nước sạch và nước sinh hoạt của người dân, nhất là trong mùa hạn, đến thời điểm này các hồ nước trên các đảo vận hành, điều tiết bằng các biện pháp xử lý luân phiên, có thể đảm bảo trong khoảng thời gian từ ngày 26-5 cho đến tháng 7. Về cấp nước an toàn ở tất cả các hồ tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết. Đối với mạng lưới cấp nước sạch ở khu vực nông thôn, ngành nông nghiệp quản lý 58 trạm cấp nước, trong đó hiện nay cơ bản đảm bảo các điều kiện cấp nước. Tuy nhiên, qua tình hình mặn xâm nhập hiện nay, chúng tôi ghi nhận 3 trạm phải giảm lưu lượng do có hiện tượng nước mặn xâm nhập, phải xử lý tốt hơn để cấp nước chất lượng cho nhân dân.

Riêng đối với cấp nước đô thị, chúng tôi đã làm việc với công ty cấp thoát nước, đảm bảo vận hành các công trình hồ nước cũng như các công trình cấp nước đô thị. Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn tích nước đủ cho các hồ và đảm bảo được điều kiện cấp nước cho các đô thị.

- Phóng viên: Tình hình hạn hán, mặn xâm nhập, sạt lở, sụt lún ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sản xuất cũng như đời sống dân sinh tại một số địa phương trong tỉnh?

- Đồng chí Lê Hữu Toàn: Trước tiên, đối với ngành nông nghiệp cũng như Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh rất mong người dân trên địa bàn tỉnh chia sẻ với khó khăn hiện tại, đặc biệt là trong tình hình sạt lở, sụt lún và cấp nước sinh hoạt hiện nay, cùng đồng hành để vượt qua điều kiện khó khăn, khắc nghiệt của thời tiết.

Nổi lên khó khăn về việc lưu thông của người dân hiện nay, nhất là giao thông tại vùng đệm U Minh Thượng đang vào mùa thu hoạch nông sản, phải tăng chi phí và gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Xã Tiên Hải, TP. Hà Tiên hàng ngày phải chuyển khoảng 700m3 nước từ đất liền ra đảo để cung cấp cho người dân. Lưu lượng sử dụng của người dân phải tiết kiệm hơn. Ở các xã đảo, chúng tôi có giảm cấp nước luân phiên ở tất cả các hồ, tuy nhiên vẫn cấp nước khoảng hai giờ một lần để người dân tích trữ nước, đảm bảo được điều kiện sinh hoạt. Chúng tôi mong bà con và các doanh nghiệp chia sẻ với khó khăn chung của tỉnh.

Một đoạn đường ở vùng đệm U Minh Thượng bị sụt lún.

- Phóng viên: Các ngành chức năng của tỉnh cũng như chính quyền các địa phương đã có giải pháp xử lý trước mắt như thế nào để ổn định tình hình đời sống nhân dân?

- Đồng chí Lê Hữu Toàn: Đối với ngành nông nghiệp, là cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh ngay từ cuối tháng 3 đã triển khai nhiều giải pháp.

Thứ nhất, ngành đã thành lập một tổ công tác để cùng các địa phương, nhất là huyện U Minh Thượng đánh giá tình hình sạt lở, sụt lún và rà soát để công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai theo quy định. Chúng tôi phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kiên Giang, các ngành chức năng tham mưu trình Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai. Thứ hai, ngành đã khẩn trương phối hợp với các ngành khác, trong đó có ngành giao thông vận tải báo cáo, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Tỉnh ủy xin chủ trương thực hiện sớm việc sửa chữa, nâng cấp ngay các trục giao thông.

Thứ ba, ngành đã rà soát, thống kê để hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng theo Quyết định 19/2022/QĐ-UBND, ngày 25-11-2022 của UBND tỉnh quy định nội dung chi và mức chi của quỹ phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Thứ tư, chúng tôi tập trung chỉ đạo các địa phương chủ động phương châm “4 tại chỗ”, tuyên truyền người dân sớm ổn định cuộc sống, đảm bảo tài sản, an toàn tính mạng đến mức cao nhất có thể. Chúng tôi tập trung phối hợp với các cơ quan xây dựng kịch bản ứng phó để đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh.

- Phóng viên: Tỉnh tập trung thực hiện những nhiệm vụ căn cơ, lâu dài nào để ứng phó với tình hình hạn hán, mặn xâm nhập hiện nay?

- Đồng chí Lê Hữu Toàn: Ngành đã tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp ứng phó, ổn định lâu dài.

Thứ nhất, chúng tôi triển khai kế hoạch ứng phó với tình hình hạn hán, mặn xâm nhập, kế hoạch này được xây dựng để thực hiện trong khoảng thời gian 3 năm 2023-2025.

Thứ hai, chúng tôi tính toán đến việc thích ứng, trong đó triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả, linh hoạt, trong đó có chiến dịch sản xuất thích ứng, các mô hình sản xuất và nhân rộng mô hình hiệu quả trong điều kiện hạn hán, mặn xâm nhập. Chúng tôi có những mô hình tiêu biểu để nhân dân cùng làm với ngành nông nghiệp, từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế thích hợp trong điều kiện khó khăn này.

Thứ ba, tỉnh tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ. Một mặt chúng tôi phối hợp với hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé vận hành đồng bộ các cống Xẻo Rô và các cống đã đầu tư, đảm bảo được nguồn nước sản xuất, sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống đê biển An Biên, An Minh còn 10 cống cần phải tiếp tục đầu tư, năm 2024 tỉnh có chủ trương đầu tư cống Xẻo Nhàu, tiếp tục còn 9 cống nữa cần đầu tư để đảm bảo hạ tầng đồng bộ, linh hoạt, vừa bảo vệ sản xuất và ứng phó, phòng, chống thiên tai.

Thứ tư, đối với vùng đệm U Minh Thượng sẽ trình phương án phòng, chống hạn, mặn, vừa chống úng vừa chống ngập, vừa chống hạn, mặn. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đã rà soát và sẽ báo cáo UBND tỉnh sớm triển khai phương án này. Riêng đối với ngành giao thông vận tải cũng đã có phương án lâu dài, tính toán lại quy hoạch các trục giao thông. Công tác duy tu, sửa chữa đảm bảo tính bền vững.

- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!

TÂY HỒ thực hiện

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/dan-hoi-chinh-quyen-tra-loi/chu-dong-ung-pho-voi-han-man-sat-lo-sut-lun-19942.html