Chủ động triển khai phương án ứng phó thiên tai

Theo ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, địa hình huyện có nhiều đồi dốc nên dễ xảy ra lũ vào mùa mưa, gây cô lập, nhất là tại một số xã ven núi như: Xuân Sơn, Vạn Phú, Vạn Bình, đặc biệt là xã đảo Vạn Thạnh. Vì vậy, để chủ động ứng phó với thiên tai có thể xảy ra, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng phương án ứng phó cụ thể, chi tiết và có phương án dự phòng, nhất là các xã có nguy cơ bị cô lập cao nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), địa hình huyện có nhiều đồi dốc nên dễ xảy ra lũ vào mùa mưa, gây cô lập, nhất là tại một số xã ven núi như: Xuân Sơn, Vạn Phú, Vạn Bình, đặc biệt là xã đảo Vạn Thạnh. Vì vậy, để chủ động ứng phó với thiên tai có thể xảy ra, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng phương án ứng phó cụ thể, chi tiết và có phương án dự phòng, nhất là các xã có nguy cơ bị cô lập cao nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

 Ca-nô ST750 nằm bờ suốt hơn 2 năm qua vì không sử dụng được.

Ca-nô ST750 nằm bờ suốt hơn 2 năm qua vì không sử dụng được.

Khi có thiên tai xảy ra, nhân dân tại các khu vực xung yếu sẽ được di dời đến nhà kiên cố hoặc nơi cao hơn; đồng thời các địa phương phải đảm bảo lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân tại nơi sơ tán. Đối với gần 1.600 phương tiện tàu thuyền của huyện được bố trí tập trung trú bão tại các cửa sông: Hiền Lương, Chà Là, cầu Đại Lãnh và Vũng Ké - Đầm Môn. Khoảng 34.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản cũng được di dời đến nơi an toàn. Cùng với đó, huyện phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh xây dựng phương án bảo đảm an toàn vùng hạ du các hồ chứa nước khi thực hiện điều tiết lũ, nhất là vùng hạ du hồ chứa nước có dung tích trên 1 triệu m3 như: hồ Hoa Sơn và hồ Đá Đen. Ngoài ra, huyện cũng xây dựng phương án bảo đảm thông tin liên lạc để phục vụ công tác chỉ đạo, công tác ứng phó khi có thiên tai xảy ra.

Tuy nhiên, huyện đang gặp khó khăn về phương tiện ứng phó, cứu hộ, cứu nạn. Mặc dù đã được cấp cano và xuồng cứu hộ, cứu nạn nhưng vì nguyên nhân khách quan nên không vận hành được. Trung tá Lê Văn Viên - Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vạn Ninh cho biết, đầu năm 2017, tỉnh cấp ca-nô ST750 để phục vụ công tác ứng phó, cứu hộ, cứu nạn của huyện. Tuy nhiên, ca-nô ST750 do Thụy Điển sản xuất chỉ phù hợp với xứ lạnh, khi hoạt động ở vùng biển Việt Nam thì phần mềm cảm biến nhiệt báo lỗi nguồn nước ấm. Dù đã được Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra, sửa chữa nhưng phương tiện vẫn không hoạt động được nên nằm bờ cho đến nay.

Ông Nguyễn Ngọc Ý cho biết, không chỉ có chiếc ca-nô trên mà chiếc xuồng cứu hộ, cứu nạn do ASEAN tài trợ và được địa phương tiếp nhận sau cơn bão số 12 cuối năm 2017 cũng không thể vận hành để cứu hộ, cứu nạn vì không có giấy tờ, hồ sơ đăng kiểm. Đối với ca-nô ST750, huyện đã có văn bản đề nghị tỉnh thu hồi phương tiện, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có văn bản đề nghị Cục Dự trữ quốc gia thu hồi phương tiện nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời.

Hiện nay, huyện đề nghị tỉnh hỗ trợ phương tiện ứng phó, cứu hộ, cứu nạn cho địa phương. Trước mắt, huyện đề nghị cấp mới ca-nô khác để có phương tiện ứng phó với thiên tai. Về phía huyện, trước mắt vẫn huy động tàu thuyền của các doanh nghiệp và nhân dân để tham gia ứng phó khi có thiên tai xảy ra.

Thanh Hải

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/201909/chu-dong-trien-khai-phuong-an-ung-pho-thien-tai-8129928/