Chủ động thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0

Mới đây, tại lễ trao giải 'TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam - I4.0 Awards' năm 2023, tỉnh Bắc Giang được công nhận là địa phương tiêu biểu thực hiện cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và chuyển đổi số (CĐS). Giải thưởng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Tự động hóa Việt Nam, Viện Sáng tạo và CĐS phối hợp tổ chức.

Theo danh sách công bố, tỉnh Bắc Giang là 1 trong 7 tổ chức/địa phương được trao giải tại hạng mục “Top tổ chức/địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và CĐS”. Dù xuất phát điểm là tỉnh có hạ tầng công nghệ, thiết bị thông tin lạc hậu so với mặt bằng chung của cả nước song với quyết tâm chính trị, cấp ủy, chính quyền tỉnh thực hiện CĐS.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông nhận Giải tại hạng mục TOP tổ chức/địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện CMCN 4.0 và CĐS. Ảnh: CTV.

Kết quả xếp hạng CĐS của tỉnh hai năm liên tiếp (2020, 2021) xếp thứ 10/63 tỉnh, TP; chỉ số thành phần hiện đại hóa nền hành chính nhà nước (nay là “xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số”) trong Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh có 3 năm liên tiếp (2020, 2021 và 2022) xếp thứ nhất cả nước.

Đối với nền tảng CĐS, tỉnh xây dựng nhóm cơ sở dữ liệu trên nền tảng số; phát triển nhiều ứng dụng tiện ích. Nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh Bắc Giang (LGSP) đã kết nối, chia sẻ dữ liệu các phần mềm, cơ sở dữ liệu của tỉnh đến các bộ, ngành thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP). Tỉnh đưa vào vận hành Kho dữ liệu số; Trung tâm giám sát và điều hành đô thị thông minh. Các tổ công nghệ số cộng đồng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia các giao dịch trên môi trường mạng.

Từ năm 2021 đến hết quý I/2023, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của tỉnh đạt 38%; tỷ lệ hồ sơ trả trước hạn đạt 91%. Đặc biệt tỉnh Bắc Giang ứng dụng mã QR trong tra cứu TTHC, tiến độ giải quyết hồ sơ, thanh toán trực tuyến. Kết quả gửi, nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử đạt 100%.

Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, công nghệ luôn phát triển thay đổi, đòi hỏi nguồn nhân lực ngày càng phải được nâng cao. Các sở, ngành, cơ quan chuyên môn phải chủ động rà soát thực trạng công nghệ trên địa bàn; nắm bắt xu hướng công nghệ số, những ứng dụng tiên tiến, hiện đại đang được sử dụng trên thế giới và các tỉnh, TP trong nước để nghiên cứu ứng dụng trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Nhật Tiến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/khoa-hoc-cong-nghe/406282/chu-dong-thuc-hien-cach-mang-cong-nghiep-4-0.html