Chủ động tham mưu, góp phần quản lý, phòng ngừa vi phạm (bài cuối)

Từ nhiều tháng nay, lãnh đạo và trinh sát Phòng 4, Cục Quản lý xuất nhập cảnh làm việc gần như không có ngày nghỉ cuối tuần. Từ đó, Phòng 4 đã báo cáo lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, kịp thời tham mưu với lãnh đạo Bộ, có nhiều văn bản quản lý cư trú người nước ngoài; hướng dẫn Công an các địa phương về việc phân cấp công tác quản lý người nước ngoài đến Công an xã chính quy để rà soát, phát hiện các đối tượng nghi vấn có hoạt động phạm tội ở Việt Nam.

Chủ động nắm tình hình

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Thị Bình Phương, Trưởng phòng 4 cho biết: Năm 2023, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được sửa đổi, bổ sung, trong đó có chính sách tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam bằng thị thực điện tử như: nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên không quá 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Cùng với đó, Chính phủ quyết định áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước và vùng lãnh thổ; số lượng người nước ngoài đề nghị cấp thị thực điện tử vì thế tăng nhanh.

Cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh hướng dẫn công dân làm thủ tục tại các cửa khẩu.

Cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh hướng dẫn công dân làm thủ tục tại các cửa khẩu.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ thời điểm luật có hiệu lực đến nay, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã duyệt cấp hơn 843 nghìn thị thực điện tử, tăng hơn hai lần so với năm 2022. Đứng đầu là Ấn Độ, với 150 nghìn thị thực, đứng thứ hai là Mỹ với 130 nghìn thị thực, thứ ba là Trung Quốc với gần 130 nghìn thị thực, Úc đứng thứ tư với 100 nghìn thị thực và thứ 5 là Đài Loan (Trung Quốc) với 67 nghìn thị thực... Đáng chú ý, công dân một số nước ở khu vực Nam Á, châu Phi nhập cảnh bằng Evisa vào Việt Nam biến động lớn và có dấu hiệu hoạt động phức tạp.

Cụ thể, trước dịch COVID-19, số lượng công dân các nước này được duyệt nhập cảnh Việt Nam có trên 14 nghìn lượt, chủ yếu với mục đích du lịch. Sau khi Chính phủ khôi phục chính sách xuất nhập cảnh (ngày 15/3/2022) và mở rộng chính sách cấp Evisa, số công dân các nước này nhập cảnh vào Việt Nam tăng mạnh. Tính đến ngày 30/11/2023 đã có 357.292 lượt công dân nhập cảnh, tăng 234,4% so cả năm 2022; tăng 205,9% so với năm 2019. Trong 11 tháng của năm 2023, có 358.093 lượt công dân được duyệt cấp Evisa, tăng 259,9% so với cả năm 2022. Đáng chú ý, có những nước trong khu vực này có số lượng công dân nhập cảnh Việt Nam trong năm 2023 tăng gần 450% so với năm 2022.

Lý giải về vấn đề trên, Đại tá Nguyễn Thị Bình Phương cho biết: Số lượng công dân một số nước Nam Á xin Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng do chính sách xuất nhập cảnh của Việt Nam được cải cách theo hướng đơn giản, thuận tiện; các đường bay thẳng từ Việt Nam và ngược lại được tăng cường (hiện Vietjet Air và Vietnam Airline đang khai thác khoảng 8 đường bay thẳng với giá vé từ 1 triệu đến 5 triệu đồng tùy thời điểm); nhu cầu tìm kiếm việc làm ở nước ngoài của công dân các nước khu vực này luôn cao.

Số công dân các nước thuộc khu vực nêu trên ở Việt Nam chủ yếu làm các công việc như dạy ngoại ngữ, dạy yoga, làm đầu bếp nhà hàng…, không phép, không khai báo tạm trú, trái với mục đích xin nhập cảnh, sử dụng giấy tờ giả, quá hạn tạm trú, chủ yếu cư trú tại các thành phố lớn và các tỉnh có đông dân. Trong năm 2022 và năm 2023, Phòng 4 và Công an địa phương đã tiến hành rà soát, xác minh, phát hiện nhiều vi phạm, chủ yếu là quá hạn tạm trú, không khai báo tạm trú, hoạt động sai mục đích xin nhập cảnh…, không làm việc đúng theo cơ quan bảo lãnh tại các tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, Thái Nguyên, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...

Bên cạnh những vi phạm về xuất nhập cảnh, thời gian gần đây, Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Công an Cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện hàng trăm trường hợp công dân các nước Nam Á nhập cảnh Việt Nam, sau đó tiếp tục đi El Sanvador (theo diện miễn thị thực).

Theo nhận định của các trinh sát, không loại trừ khả năng đây là phương thức tổ chức, mượn đường qua Việt Nam để đưa người nhập cảnh vào các nước châu Mỹ; sau đó tiếp tục tìm cách nhập cảnh trái phép vào các nước châu Mỹ khác. Từ nhận định trên, lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chỉ đạo Phòng 4 và Công an các cửa khẩu tăng cường rà soát, kiểm tra phát hiện các dấu hiệu nghi vấn.

Tại các tỉnh phía Nam, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phát hiện một số trường hợp người nước ngoài thông qua “cò” môi giới lao động để xin Evisa nhập cảnh Việt Nam. Các trường hợp này được hứa hẹn trả lương cao, đãi ngộ tốt. Tuy nhiên, sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, họ bị bỏ rơi, cắt liên lạc dẫn đến nhiều trường hợp không có khả năng tài chính, sống lang thang, vi phạm pháp luật Việt Nam. Một số trường hợp sau đã đến cơ quan đại diện ngoại giao gây mất an ninh chính trị, trật tự. Cụ thể, vào tháng 9/2023, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh có công hàm gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh tại TP Hồ Chí Minh đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện gia hạn tạm trú để xuất cảnh cho 7 trường hợp công dân Ấn Độ bị lừa, không có khả năng tài chính về nước.

Đồng thời, thời gian qua đã xuất hiện nhiều trường hợp công dân Bangladesh có nhu cầu về nước do bị lừa sang Việt Nam làm việc nhưng không có việc, bị cắt giảm lao động..., không có khả năng tài chính. Từ tháng 9/2023 đến nay, riêng Phòng 4 đã xử lý 42 trường hợp công dân Bangladesh quá hạn tạm trú đến Cục trình diện để xử phạt và xuất cảnh. Từ tình hình thực tiễn, Phòng 4 đã báo cáo lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh chỉ đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Bình Dương, Long An kiểm tra, xử lý trách nhiệm với một số công ty bảo lãnh khách Bangladesh nhập cảnh nhưng chưa thực hiện đúng trách nhiệm quản lý.

Những giải pháp hữu hiệu

Từ việc chủ động nắm tình hình, Phòng 4 đã báo cáo lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, trực tiếp là Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh tham mưu với lãnh đạo Bộ, có nhiều văn bản quản lý cư trú người nước ngoài; hướng dẫn Công an các địa phương về việc phân cấp công tác quản lý người nước ngoài đến Công an xã chính quy để rà soát, phát hiện các đối tượng nghi vấn có hoạt động phạm tội ở việc Nam.

Phòng 4 đã chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý cư trú; xét duyệt chặt chẽ sau khi vào Việt Nam, đặc biệt là tại các địa điểm phức tạp, nghi vấn. Đơn vị đồng thời cũng giải quyết các khó khăn, phức tạp cho các địa phương trong từng vụ việc cụ thể.

Trong năm 2023, để tăng cường công tác quản lý người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam bằng thị thực điện tử sau khi các chính sách có hiệu lực, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, lãnh đạo Bộ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã kịp thời dự báo tình hình, tham mưu với lãnh đạo các cấp ban hành các văn bản để đơn vị, cũng như Công an các địa phương tăng cường công tác quản lý cư trú của người nước ngoài.

Về cơ bản, Công an địa phương các cấp đã tích cực triển khai thực hiện công tác quản lý cư trú người nước ngoài trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn xảy ra một số tồn tại. Đó là tình trạng người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử không khai báo tạm trú, thông tin khai báo tạm trú chưa chính xác, cá biệt có trường hợp nhập cảnh bằng thị thực điện tử hoạt động phức tạp, vi phạm pháp luật...

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết: Từ tình hình thực tế, căn cứ vào chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Quản lý xuất nhập cảnh xác định công tác trọng tâm 2024 của đơn vị là năm "Quản lý cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam”. Từ đó, nhiều giải pháp đã được Phòng 4 chủ động xây dựng.

Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa, phát hiện từ xa các đối tượng lợi dụng chính sách thông thoáng về nhập xuất cảnh của Việt Nam để hoạt động vi phạm pháp luật cũng như có thể giải quyết các vấn đề phát sinh khi người nước ngoài nhập cảnh, cư trú bằng thị thực điện tử.

Cùng với đó, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; hướng dẫn trên nhiều kênh thông tin các quy định mới được sửa đổi, bổ sung liên quan đến khai báo tạm trú cho người nước ngoài và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan, như: trách nhiệm khai báo tạm trú cho người nước ngoài tạm trú của các cơ sở lưu trú; trách nhiệm xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam của người nước ngoài cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan hoạt động của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.

Đơn vị sẽ phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn Công an địa phương thực hiện tốt các quy trình quy định công tác đã được ban hành để thực hiện tốt công tác quản lý người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú tại Việt Nam. Từ đó, kịp thời hướng dẫn Công an địa phương giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý cư trú đối với người nước ngoài; cử các đoàn công tác để trực tiếp hỗ trợ các địa phương trong công tác quản lý người nước ngoài.

Xuân Mai

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/lan-theo-dau-vet-toi-pham/chu-dong-tham-muu-gop-phan-quan-ly-phong-ngua-vi-pham-bai-cuoi--i722175/