Chủ động, quyết liệt phòng chống bão lụt và TKCN

Đây là kết luận của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại Hội nghị tổng kết công tác PCLB và TKCN năm 2011 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2012 của Bộ GTVT diễn ra tại Hà Nội ngày 12/4/201.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì Hội nghị, cùng dự có các Thứ trưởng Trương Tấn Viên, Phạm Quý Tiêu, Nguyễn Ngọc Đông, đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ, Ban QLDA, Tổng Công ty XDCTGT và Sở GTVT.

Chưa năm nào, bão đi vào nước ta sớm như năm nay và cũng trái quy luật. Bão số 1 vừa qua đi vào các tỉnh phía Nam mà xưa nay vùng này ít xảy ra bão. Tuy không gây thiệt hại lớn nhưng bão số 1 cũng báo hiệu diễn biến thất thường của thời tiết năm nay do biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Trương Tấn Viên cho biết, công tác PCLB và TKCN của Bộ GTVT là công việc thường xuyên liên tục, trước khi mùa mưa bão đến, các đơn vị trong ngành đã triển khai công tác phòng chống với phương châm "chủ động phòng, tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả" nên trong mùa mưa bão năm 2011, thiệt hại do bão lũ đối với ngành đã giảm nhẹ hơn các năm trước. Công tác đảm bảo giao thông khắc phục hậu quả do mưa bão gây ách tắc giao thông đã được thực hiện quyết liệt, nhanh chóng. Khối lượng sụt lở trên một số tuyến quốc lộ rất lớn nhưng đã có sự phối hợp giữa ngành GTVT và các địa phương nên đã khắc phục kịp thời.

Hội nghị triển khai công tác PCLB và TKCN 2012

Theo thống kê, năm 2011, có 6 cơn bão và 5 áp thấp nhiệt đới hoạt động ở Biển Đông, trong đó có 5 cơn bão ảnh hưởng đến nước ta gây thiệt hại về người, tài sản, trong đó gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng trong toàn ngành GTVT khoảng 768,8 tỷ đồng. (Quốc lộ thiệt hại 425 tỷ đồng, Đường sắt: 80 tỷ đồng, Đường thủy nội địa: 3,8 tỷ đồng, các công trình xây dựng cơ bản 260 tỷ đồng). Trung tâm cứu nạn Hàng hải đã tổ chức hoạt động phối hợp tìm kiếm trên biển 136 lần, cứu và hỗ trợ 461 người, trong đó có 28 người nước ngoài và hỗ trợ 62 phương tiện trong nước và 2 phương tiện nước ngoài.

Tuy nhiên, trong năm 2011, công tác PCLB và TKCN còn nhiều hạn chế như: phương tiện, vật tư, thiết bị còn thiếu nhiều, phần lớn đã cũ nên khi xảy ra sự cố trôi cầu, đứt đường chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo giao thông trong các tình huống có bão, lũ lớn nhất là vật tư dự phòng. Các công trình giao thông khi được nghiên cứu thiết kế, chưa lồng ghép phương án giảm nhẹ thiên tai vào thiết kế công trình để có tính bền vững cao hơn. Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở nhiều đơn vị chưa đầy đủ, phù hợp, có nơi chưa thực sự quan tâm dẫn đến khi có thiên tai lớn xảy ra còn bị động, lúng túng; thông tin liên lạc, trang thiết bị cho Ban chỉ đạo PCLB Bộ, các đơn vị còn sơ sài, hạn chế hiệu quả trong chỉ đạo điều hành, đặc biệt là các tình huống khẩn cấp.

Để chủ động phòng, tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả công tác PCLB và TKCN năm 2012, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu các đơn vị cần chủ động và quyết liệt hơn nữa. Phải chuẩn bị phương tiện, lực lượng đảm bảo giao thông trên các tuyến giao thông chính trong mọi tình huống khi xảy ra thiên tai, lũ, bão; Bố trí vật tư dự phòng ở những vùng trọng điểm để ứng cứu và thay thế kịp thời khi công trình cầu, đường, bến cảng bị hư hỏng.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, không đâu ứng cứu kịp thời bằng lực lượng địa phương, do đó các đơn vị cần nghiên cứu phương án phân cấp cho địa phương, như QL 6 phân cấp cho tỉnh Hòa Bình, Sơn La; QL 91 cho An Giang để khi xảy ra sự cố cần huy động, lực lượng tổng hợp như công an, bộ đội, dân quân thì địa phương làm nhanh và hiệu quả hơn. Bộ và các cơ quan thuộc Bộ chỉ làm công tác kiểm tra, giám sát. Bộ trưởng cũng nêu rõ, theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, khi đầu tư các dự án giao thông phải gắn kết giữa công tác tìm kiếm cứu nạn, phải kết hợp xử lý điểm đen và khắc phục cầu yếu trên các QL để chúng ta có một hệ thống giao thông đồng bộ.

Bộ trưởng cũng nhắc nhở các đơn vị, trong thời điểm thực hiện Nghị quyết 11 về cắt giảm đầu tư công thì công tác tuần đường, trực ban, báo cáo phải đặt lên hàng đầu để phát hiện và xử lý ngay khi sự cố có nguy cơ xảy ra, không để đến khi mưa lũ về phá hỏng kết cấu hạ tầng giao thông thì kinh phí khắc phục sẽ tốn kém rất nhiều. Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan tham mưu cần tháo gỡ những khó khăn về cơ chế chính sách trong công tác PCLB và TKCN cho phù hôp với tình hình mới và bố trí kinh phí để các đơn vị địa phương chủ động triển khai cũng như mua sắm trang thiết bị dự phòng cho mùa mưa bão 2012.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN.
Cần sớm sửa đổi thủ tục thanh quyết toán

Thủ tục thanh quyết toán hiện nay chưa phù hợp với đặc thù của công tác PCLB, cho nên gây khó khăn trong công tác huy động nhân lực, vật tư, máy móc. Khi sự cố xảy ra, không phải đơn vị nào cũng có máy móc theo yêu cầu, khi đi thuê ở ngoài nhiều chủ xe, chủ máy ngần ngại không muốn tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn vì các thủ tục quá rườm rà. Năm 2011 kinh phí khắc phục bảo đảm giao thông bước 1 là 425 tỷ đồng, đến nay Tổng cục Đường bộ VN mới bố trí được 154 tỷ đồng, còn thiếu 266 tỷ đồng để trả cho các đơn vị đã tham gia thực hiện công tác này.

Ông Nguyễn Thành Tâm - Giám đốc Sở GTVT An Giang.
Nên phân cấp cho địa phương

3 năm liên tiếp 2010 -1012, QL 91 đều bị sạt lở. Năm 2010 thiệt hại 31 tỷ đồng, năm 2011 do lũ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về làm ngập lụt, vỡ đê, QL 91 bị ngập thiệt hại 115 tỷ đồng và ngày 4/3/2012, QL 91 lại bị sạt lở nghiêm trọng, tại phường Bình Đức, TP Long Xuyên, chính quyền địa phương đã phải di dời khẩn cấp 82 hộ dân, thống kê ban đầu thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng.

Qua công tác PCLB tại địa phương nảy sinh nhiều vấn đề, vì khi đơn vị quản lý đường không đủ kinh phí để bảo đảm giao thông cần báo cáo cấp trên xem xét giải quyết, trong khi nhu cầu cấp thiết của người dân là phải có đường đi ngay.

Qua nhiều tháng không có kinh phí, chính quyền địa phương đã chủ động ứng tiền, huy động công an, bộ đội, dân phòng tham gia đắp đường, làm lộ cùng với đơn vị quản lý, mặc dù đến nay Sở GTVT chưa được hoàn vốn, nhưng ai cũng mừng vì có đường để đi. Do đó, kiến nghị Bộ nghiên cứu phân cấp cho những địa phương đủ khả năng quản lý và khai thác vì khi có sự cố xảy ra, không đâu huy động lực lượng nhanh bằng chính quyền địa phương.

Khánh Hà

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/kinh-te/201204/Chu-dong-phong-tranh-va-quyet-liet-hon-35904/