Chủ động phòng, chống thiên tai trước thời tiết bất thường

Hiện nay, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, đòi hỏi các cấp, các ngành và người dân phải chủ động phòng, chống thiên tai từ sớm, từ xa, không được chủ quan, lơ là, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của mọi người.

Người dân còn lơ là, chủ quan

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, toàn tỉnh đã thu hoạch trên 187.770ha lúa Hè Thu 2023, năng suất ước đạt 54,5 tạ/ha, sản lượng trên 1 triệu tấn. Hiện nay, giá lúa tăng cao, giống IR4625 từ 7.500-7.800 đồng/kg, IR50404 từ 7.900-8.100 đồng/kg, OM5451 từ 7.900-8.100 đồng/kg, Đài thơm 8 từ 8.300-8.500 đồng/kg,... Nhiều thương lái đến tận nhà đặt cọc khi nông dân vừa gieo sạ, trung bình cọc 5 triệu đồng/ha. Trước tình hình giá lúa tăng, nhiều nông dân tranh thủ xuống giống sớm mặc dù không nằm trong khung thời vụ gieo sạ của địa phương.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền (thứ 2, trái qua) kiểm tra, thăm hỏi tình hình người dân bị thiệt hại do lốc xoáy ở huyện Châu Thành

Toàn tỉnh có trên 1.420 tuyến đê bao, bờ bao lửng chống lũ thời vụ phân cấp huyện quản lý với tổng chiều dài khoảng 6.231.659m, bảo vệ an toàn cho khoảng 229.775ha diện tích sản xuất nông nghiệp và 122.439 người dân.

Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường - Võ Thanh Tòng cho biết: “Vụ lúa Hè Thu 2023, nông dân đã thu hoạch xong. Hiện thị xã có khoảng 60% diện tích lúa có đê bao khép kín. Những năm qua, thị xã khuyến cáo nông dân không được sạ lúa vụ Thu Đông, nhất là những diện tích không có đê bao khép kín. Thay vào đó, cần cày xới đất, ngâm lũ để cắt hết tất cả mầm bệnh, lấy phù sa cho vụ mùa tiếp theo. Tuy nhiên, giá lúa tăng và lũ về trễ nên nhiều nông dân sau khi thu hoạch lúa Hè Thu lại tiếp tục gieo sạ không theo khuyến cáo của các ngành chuyên môn. Điều này làm cho đất bị bạc màu, sâu, bệnh phát triển, năng suất thấp, nhất là khi lũ về đột ngột, mực nước đầu nguồn tăng, những diện tích lúa không có đê bao khép kín có thể bị mất trắng”.

Gia đình anh Nguyễn Lê Cầu (xã Thạnh Hưng) canh tác 4ha lúa. Vụ Hè Thu 2023, anh thu lợi nhuận gần 30 triệu đồng/ha. Những năm trước, gia đình anh luôn gieo sạ đúng lịch thời vụ của địa phương, nhất là không gieo sạ vụ Thu Đông. Riêng năm nay, anh quyết định gieo sạ vụ Thu Đông với mong muốn có thêm thu nhập. Anh Cầu nói: “Thấy nước lũ chưa về, cộng với giá lúa cao, gia đình tôi quyết định sạ lúa vụ Thu Đông. Năm trước, cũng thời điểm này, nước lũ lên gần cả mét, còn nay chưa thấy gì nên tôi nghĩ vụ lúa Thu Đông này nông dân thắng chắc”.

Người dân cày, xới đất, gieo sạ ngoài khung lịch thời vụ của địa phương

Tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, UBND xã cũng khuyến cáo nông dân không được gieo sạ ngoài lịch thời vụ khi thời tiết đang diễn biến bất thường, không theo quy luật. Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa Lập - Huỳnh Thanh Phong chia sẻ: “Nhận thấy nông dân chuẩn bị gieo sạ ngoài lịch thời vụ, UBND xã tổ chức đoàn đến vận động và họp dân. Trong cuộc họp, UBND xã khuyến cáo không được sạ ngoài lịch thời vụ nhưng nông dân không đồng ý. Trước tình hình này, xã lập biên bản đối với một số hộ sạ lúa ngoài lịch thời vụ, trường hợp thiệt hại do thiên tai thì không được yêu cầu địa phương hỗ trợ. Sau khi lập biên bản, nông dân đều đồng ý ký tên”.

Chiều ngày 08/9/2023, tại huyện Châu Thành xuất hiện lốc xoáy làm hàng trăm căn nhà, trường học, cơ sở thờ tự bị tốc mái, 11 trụ điện bị gãy, nhiều cây xanh bị đổ ngã,... Vụ lốc xoáy này làm người dân hoang mang, lo lắng. Anh Bùi Văn Xuân (xã Bình Quới, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Sống hơn nửa đời người, tôi chưa bao giờ nhìn thấy lốc xoáy lớn như vậy. May mắn gia đình tôi vừa chạy ra khỏi nhà trước khi mấy tấm tole rơi xuống. Giờ nghĩ lại mà còn thấy sợ. Đó giờ không thấy lốc xoáy, nhà cũng không xây cặp mé sông nên chủ quan, không chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây xung quanh nhà”.

Lốc xoáy làm hàng trăm căn nhà, trường học, cơ sở thờ tựtại huyện Châu Thành bị tốc mái

Chủ động phòng, chống

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, trong 3 tháng tới, mực nước tại các trạm vùng đầu nguồn sông Cửu Long và vùng nội đồng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên có xu thế tăng nhanh và có khả năng đạt đỉnh vào tháng 10. Mực nước cao nhất tại trạm Tân Châu có thể ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn báo động 1 khoảng 30-40cm, thấp hơn so cùng kỳ năm 2022 và trung bình nhiều năm. Còn đỉnh lũ cao nhất năm tại các huyện đầu nguồn phía Bắc của tỉnh vào khoảng thời gian từ đầu đến giữa tháng 10/2023, ở mức xấp xỉ báo động 1 tại những vùng trũng thấp.

Huyện Thủ Thừa gia cố đê bao, chuẩn bị cho vụ sản xuất mới

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủ Thừa - Lê Anh Tuấn thông tin, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp các ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nạo vét kênh, mương, trục vớt lục bình, khai thông dòng chảy nhằm phục vụ việc cấp, thoát nước, bảo đảm sản xuất vụ lúa Hè Thu 2023 và chuẩn bị cho vụ Thu Đông cũng như vụ Đông Xuân 2023-2024 sắp tới.

Ông Phạm Văn Út (xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa) đang tập trung gia cố các bờ bao quanh ruộng để sản xuất vụ Thu Đông 2023. Ông Út bộc bạch: “Vụ này, tôi sẽ gieo sạ 5ha lúa OM5451 vì đây là giống lúa ngắn ngày, ít sâu, bệnh và chịu được thời tiết khắc nghiệt. Hiện tôi tập trung gia cố các bờ bao và đặt sẵn các máy bơm để tránh ngập úng do mưa, lũ”.

Anh Trần Đăng Khoa (xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) trồng 6ha sầu riêng được 5 năm. Tỉnh đang bước vào mùa mưa, anh chủ động gia cố đê bao xung quanh vườn, đặt các máy bơm rút nước chống ngập úng. Anh Khoa chia sẻ: “Hàng ngày, tôi đều theo dõi dự báo thời tiết để có biện pháp phòng, chống thiên tai kịp thời. Trường hợp mưa nhiều, tôi phủ bạt ở các gốc để cây sầu riêng không bị ngập úng, chống xói mòn”.

Anh Trần Đăng Khoa (xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) chuẩn bị các phương án để bảo vệ vườn sầu riêng đã trồng được 5 năm

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Để đề phòng nước lũ gây hại cho lúa, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân chỉ nên sản xuất lúa Thu Đông 2023 ở những nơi có đê bao khép kín, tuyệt đối không sản xuất tràn lan ngoài quy hoạch. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động kiểm tra và di dời những hộ dân ở khu vực có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn; cắm biển cảnh báo sạt lở, tổ chức lực lượng trực đề phòng sạt lở diễn biến khó lường trong mùa mưa, lũ.

Do ảnh hưởng của El Nino nên lượng mưa thiếu hụt ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, mực nước trên sông Mêkông đang xuống dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm; mức độ sử dụng nước trên khu vực thượng nguồn cũng gia tăng nên khả năng thiếu hụt nguồn nước ngọt trong mùa khô 2023-2024 tại các huyện phía Nam của tỉnh là rất lớn. Vì vậy, các địa phương, nhất là các huyện khu vực phía Nam cần chủ động các phương án để ứng phó kịp thời, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, đánh giá hệ thống đê bao ngăn lũ và triều cường trên địa bàn tỉnh; khẩn trương nâng cấp và sửa chữa, khắc phục những chỗ hư hỏng, bảo đảm chống tràn, chống ngập úng cho các vùng sản xuất. Đặc biệt là xây dựng, bổ sung, rà soát phương án bảo vệ đê điều trong tình huống thiên tai. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm bảo đảm sản xuất và dân sinh” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết thêm./.

Từ ngày 12 đến 27/9/2023, Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh đi kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống, ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2023. Nội dung kiểm tra gồm các giải pháp phòng, chống, ứng phó với thiên tai, công tác quản lý đê điều,...

Minh Thư - Minh Tuệ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chu-dong-phong-chong-thien-tai-truoc-thoi-tiet-bat-thuong-a162814.html