Chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

ĐBP - Trên địa bàn tỉnh, dịch tả lợn châu Phi đã và đang được kiểm soát, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát cao trong thời gian tới do vi rút dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường. Trong khi đó, hình thức chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ (chiếm 95%), khó áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Để tránh dịch bệnh bùng phát, gây thiệt hại cho các hộ chăn nuôi, cơ quan chuyên môn đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể.

Người dân bản Tát Hẹ, xã Hẹ Muông (huyện Điện Biên) vệ sinh khu vực chăn nuôi lợn.

Theo đó, đảm bảo an toàn môi trường, tăng cường công tác vệ sinh chuồng trại đang là biện pháp được cơ quan chuyên môn huyện Điện Biên khuyến cáo, hướng dẫn các hộ chăn nuôi trên địa bàn để hạn chế mầm bệnh lây nhiễm vào đàn gia súc.

Ông Quàng Văn Thanh, người dân bản Tát Hẹ, xã Hẹ Muông (huyện Điện Biên) cho biết: Để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi thì gia đình tôi đã sử dụng các biện pháp tổng vệ sinh khu vực chuồng trại chăn nuôi, không dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc để tránh nhiễm bệnh vào đàn lợn. Ngoài ra, các biện pháp phun thuốc khử khuẩn được thực hiện định kỳ.

Với số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn, để phòng ngừa dịch bệnh tái phát và lây lan, UBND huyện Điện Biên chỉ đạo cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con thận trọng tái đàn lợn, khuyến khích áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên thực hiện vệ sinh khu vực chăn nuôi. Khi phát hiện gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh cần thông báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: Huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc. Chỉ đạo UBND các xã thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, phát hiện sớm các ổ dịch. Khuyến cáo người dân khi tái đàn lợn cần thực hiện đăng ký với chính quyền và truy xuất nguồn gốc con giống, không để con giống có mầm bệnh xâm nhập địa bàn; thực hiện vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng môi trường.

Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 325 hộ chăn nuôi ở 144 thôn, bản của 34 xã thuộc 5 huyện: Điện Biên, Mường Ảng, Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà và TP. Điện Biên Phủ; tổng số lợn tiêu hủy gần 1.400 con, trọng lượng trên 81 tấn. Đến nay, có 33/34 xã có dịch qua 21 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh, tiêu hủy; 9 xã công bố hết dịch. Mặc dù bệnh dịch đang được kiểm soát, song nguy cơ bệnh tái phát trong thời gian tới là rất cao. Vì vậy, Chi cục Thú y đang triển khai các biện pháp nhằm hạn chế dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi.

Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Một trong những ưu tiên trong giai đoạn vừa qua, cũng như sắp tới của cơ quan chuyên môn là tăng cường khâu giám sát để chủ động phát hiện sớm các ca bệnh cũng như ổ dịch tả lợn châu Phi tái phát để xử lý. Trong đó, biện pháp cơ bản nhất là tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt giai đoạn trước, trong và sau tết Nguyên đán sắp tới, chúng tôi đã khuyến cáo rất nhiều trong các văn bản, chỉ đạo của các cấp chính quyền tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Bệnh tả lợn châu Phi hiện vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy, phương pháp phòng, chống hiện nay là áp dụng phương thức chăn nuôi an toàn sinh học. Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn, kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi, hạn chế rủi ro.

Bài, ảnh: Lan Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/202130/chu-dong-phong-chong-dich-ta-lon-chau-phi