Chủ động phòng, chống dịch COVID-19 trong bệnh viện

Thời gian gần đây, số ca mắc COVID-19 xuất hiện trở lại với sự gia tăng nhiều bệnh nhân mắc trong cộng đồng, các bệnh viện có đông bệnh nhân đã rà soát lại quy trình, đẩy mạnh tuyên truyền, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo môi trường khám, chữa bệnh an toàn, hiệu quả, phòng ngừa lây nhiễm rộng trong cơ sở y tế và cộng đồng.

Kiểm tra máy móc, thiết bị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh để chủ động điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.

Kiểm tra máy móc, thiết bị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh để chủ động điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.

Những ngày đầu tháng 4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận số ca bệnh mắc COVID-19 nhiều hơn so với thời gian trước đó. Hiện tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện luôn có khoảng 10 bệnh nhân mắc COVID-19 trên nền các bệnh khác, trong đó phần lớn là người cao tuổi. Đây đều là những người có bệnh nền, mới tiêm 2-3 mũi vắc xin, thậm chí có người chưa tiêm mũi vắc xin nào.

Bác sỹ Phạm Trung Mạnh, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Thời gian gần đây, số bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, khi đến bệnh viện thăm khám, làm các xét nghiệm, với những trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ, chúng tôi khuyên về nhà điều trị nội trú. Còn hơn chục bệnh nhân đang điều trị tại Khoa đều có bệnh nền, có người đang mang thai nhưng hầu hết sức khỏe ổn định, không có bệnh nhân nặng phải thở máy.

Tại Bệnh viện Phổi Ninh Bình, trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân đến khám, điều trị các loại bệnh liên quan đến phổi. Cùng với đó, có hàng trăm bệnh nhân đang điều trị nội trú, với lượng đến người chăm sóc, thăm hỏi khá đông. Lo ngại dịch bệnh lây lan trong bệnh viện, Bệnh viện Phổi chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát, sàng lọc người ra, vào và phân luồng, cách ly người nghi nhiễm COVID-19. Đặc biệt, Bệnh viện quy định tuyệt đối không cho bất cứ người nào không đeo khẩu trang vào Bệnh viện.

Ông Trần Văn Toán, xã Kim Mỹ (huyện Kim Sơn) cho biết: Tôi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, thường xuyên phải đi viện, rất lo ngại nếu bị mắc COVID-19. Vào Bệnh viện, tôi thường xuyên đeo khẩu trang, thực hiện sát khuẩn tay, với suy nghĩ chắc chắn sẽ hạn chế, giảm sự lây nhiễm bệnh nếu có ca bệnh xung quanh...

Bác sỹ Bùi Thị Thùy Linh, Bệnh viện Phổi Ninh Bình cho biết: Đặc thù của bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Phổi là mắc các bệnh về đường hô hấp, đường phổi, như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh thuyên tắc phổi mãn tính, bệnh xơ nang, tăng huyết áp phổi... Khi mắc COVID-19, vi rút rất dễ di chuyển sâu vào phổi, đến phế nang, gây ra các hội chứng suy hô hấp cấp tính nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. Do đó, những người mắc bệnh phổi mạn tính luôn có nguy cơ cao mắc COVID-19 và thường nguy hiểm hơn các đối tượng khác.

Người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện Phổi thực hiện nghiêm quy định đeo khẩu trang.

Theo nhận định của các bác sỹ, việc tăng các ca mắc COVID-19 không phải là điều bất thường. Một trong những nguyên nhân là do miễn dịch từ tiêm vắc xin và do nhiễm COVID-19 trước đó dần suy giảm. Cùng với đó là việc người dân đi lại nhiều, giao lưu rộng rãi đã tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn. Thêm vào đó, nhiều người chủ quan, lơ là, không thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh, không đeo khẩu trang nơi công cộng, không vệ sinh tay, khử khuẩn thường xuyên.

Hàng chục ngày nay, mỗi ngày tại Ninh Bình ghi nhận vài chục ca bệnh mắc COVID-19 trở lên, ngày cao nhất đã gần 100 ca. Tính riêng ngày 24/4, số ca bệnh mới được phát hiện là 80 ca, nâng tổng số ca bệnh xác định đang cách ly, điều trị toàn tỉnh là 337 ca. Trong đó, đang điều trị tại các phòng khám đa khoa khu vực và các bệnh viện, trung tâm y tế huyện là 68 ca, tại nhà 269 ca. Mặc dù hiện không có ca bệnh COVID-19 nào nặng, nhưng số bệnh nhân phải nhập viện điều trị đang có chiều hướng gia tăng.

Theo bác sĩ Phạm Trung Mạnh, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện đang là thời điểm giao mùa, có nhiều bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, trong đó có cúm mùa, sắp tới là sốt xuất huyết, đòi hỏi người dân phải chủ động, nâng cao ý thức phòng chống bệnh cho bản thân và gia đình. Các biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm cần thiết vẫn là thực hiện theo Thông điệp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác.

Mỗi người dân nên ghi nhớ việc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, phương tiện giao thông, tại không gian kín và các địa điểm bắt buộc, đặc biệt là các cơ sở y tế. Quan tâm đến việc khử khuẩn, nhất là vệ sinh tay và tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Cùng với đó nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng cách bổ sung dinh dưỡng hợp lý, sử dụng nhiều thực phẩm chứa vitamin A, E, C, D có trong các loại rau xanh, trái cây, củ quả, các loại hạt..., giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, chống lại các bệnh truyền nhiễm nói chung, COVID-19 nói riêng.

"Đặc biệt, qua theo dõi số ca bệnh mắc COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện, cần tuyên truyền, khuyến cáo một số đối tượng cần tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 cho tất cả người từ 65 tuổi trở lên. Cùng với đó là nhóm người từ 18-64 tuổi mắc các bệnh lý y tế đi kèm làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng hoặc người có các vấn đề về sức khỏe phức tạp. Các nhóm đối tượng trên nên cân nhắc tiêm liều nhắc lại nếu đã đủ thời gian cách 6 tháng trở lên hoặc lần nhiễm bệnh đã được xác nhận cuối cùng, từ đó sẽ hạn chế tối đa ca bệnh tiến triển nặng, giảm sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng…" - bác sĩ Phạm Trung Mạnh chia sẻ.

Theo dự báo của ngành Y tế, số ca mắc COVID-19 mới trong thời gian tới có thể sẽ gia tăng. Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, không lơ là, chủ quan và tuyệt đối không để dịch bệnh lây nhiễm bùng phát thành dịch tại bệnh viện, các bệnh viện đã và đang chủ động phòng dịch, chuẩn bị các điều kiện dự phòng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế..., đề phòng khi dịch bệnh có thể bùng phát mạnh trở lại. Nhưng trên hết, cần ý thức, trách nhiệm của người dân, người bệnh trong phòng dịch, góp phần đảm bảo an toàn trong các cơ sở khám chữa bệnh.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chu-dong-phong-chong-dich-covid-19-trong-benh-vien/d20230424222419971.htm