Chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân

Cán bộ Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế sử dụng thiết bị kiểm tra thân nhiệt cho người xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị

– Những năm gần đây, các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát tại nhiều quốc gia. Là một tỉnh biên giới, ngành y tế tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo chăm lo sức khỏe cho người dân.

Hiện nay, COVID-19 đã không còn diễn biến phức tạp và đưa vào nhóm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Nhưng dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt với sự xuất hiện các biến chủng mới; rồi bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ xâm nhập và các dịch bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, viêm phổi trắng… đang có nguy cơ quay trở lại, do đó hoàn toàn có thể xảy ra nguy cơ xuất hiện dịch chồng dịch. Chính vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh được các cấp, ngành chức năng đặc biệt quan tâm.

Ngăn dịch bệnh xâm nhập

Ông Lý Kim Soi, Phó Giám đốc Sở Y tế nhận định: Là một tỉnh biên giới, cùng với giám sát, phòng chống dịch bệnh nội địa, ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chuyên môn và các đơn vị trực thuộc vừa tiếp tục thực hiện tốt vai trò tham mưu, chỉ đạo phòng chống COVID-19, vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh qua biên giới, đảm bảo phục vụ tốt cho các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Theo đó, Sở Y tế thường xuyên phối hợp với nước bạn theo dõi chặt chẽ, nắm bắt tình hình dịch bệnh, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nội địa. Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Y tế đã tổ chức 3 cuộc Hội đàm hợp tác kiểm dịch y tế trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ “Hai nước, Bốn bên” giữa Sở Y tế Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng (Việt Nam) và Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh qua biên giới; nhận hỗ trợ từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam lô hàng vật tư y tế với số tiền 145.700 Nhân dân tệ; tham gia phối hợp công tác giám sát liên hợp sinh vật, vector bệnh truyền nhiễm ở cửa khẩu Việt – Trung năm 2023 tại cửa khẩu Ga đường sắt Bằng Tường và cửa khẩu Hữu Nghị Quan, Quảng Tây, Trung Quốc

Ông Hà Anh Phấn, Tổ Phó Tổ kiểm dịch y tế Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) cho hay: Từ đầu năm đến nay, Tổ kiểm dịch y tế Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đã chủ động tham mưu cho Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Sở Y tế Lạng Sơn các giải pháp thực hiện hiệu quả những nội dung liên quan công tác phòng chống dịch tại cửa khẩu để đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo an toàn xuất nhập cảnh cho người và phương tiện. Đặc biệt, đơn vị đã thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành phù hợp với đặc thù của cửa khẩu, tăng cường giám sát phòng chống COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ… Tất cả các trường hợp người xuất nhập cảnh tăng thân nhiệt đều được kiểm tra y tế theo quy định.

Không riêng Tổ Kiểm dịch y tế Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, 6/6 tổ kiểm dịch y tế ở các cửa khẩu đã làm tốt công tác phối hợp liên ngành, triển khai các giải pháp vừa thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch vừa đảm bảo thông quan hàng hóa, phát triển kinh tế.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã kiểm dịch y tế cho trên 859.000 lượt người nhập cảnh, 881.200 người xuất cảnh, 247.000 phương tiện hàng hóa nhập và trên 151.700 phương tiện hàng hóa xuất; xử lý y tế 132.181 phương tiện. Hằng tháng, tại cửa khẩu Tân Thanh và Hữu Nghị, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Lạng Sơn phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức thực hiện hoạt động giám sát và phòng chống chủ động bệnh dịch hạch. Cụ thể, đã giám sát dịch hạch ở người được tổng số 765.489 lượt, giám sát chuột 110 mẫu (kết quả các mẫu đều âm tính). Từ đó, không để dịch bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam qua con đường xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh và góp phần đảm bảo an ninh Y tế quốc gia.

Phòng dịch bùng phát

Song song với phòng chống dịch xâm nhập vào nội địa, ngành y tế tỉnh đã quan tâm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Thông qua hệ thống phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm từ tỉnh đến cơ sở, hằng năm, Sở Y tế đã chủ động nắm bắt tình hình dịch bệnh, thực hiện tốt vai trò tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm phù hợp với thực tế. Đồng thời, bố trí kinh phí, chuẩn bị sẵn cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, nhân lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác phòng, chống, điều trị, kiểm soát dịch từ các ca bệnh, ổ dịch nhỏ, hạn chế tối đa tỉ lệ tử vong.

Cán bộ Trung tâm kiểm soát bênh tật tỉnh phun thuốc diệt côn trùng và hóa chất chống vi-rút tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh

Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ngành y tế tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch bệnh như: COVID-19, cúm, tả, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não nhật bản… Trong đó, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe được xem là biện pháp hữu hiệu để người dân hiểu và chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình. Hằng năm, các cơ sở y tế trên địa bàn đã cung cấp tài liệu tranh, ảnh, tờ rơi, pano, áp phích, băng rôn, đồng thời triển khai các hoạt động truyền thông trực tiếp và gián tiếp qua các phương tiện thông tin đại chúng từ huyện đến xã và cộng đồng dân cư. Đồng thời phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, trường học tuyên truyền vận động nhân dân vệ sinh môi trường, chế độ dinh dưỡng hợp lý, hoạt động thể lực thường xuyên.

Từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ sở y tế đã tổ chức truyền thông lồng ghép tại các cuộc họp cộng đồng được hơn 10.400 cuộc; truyền thông thông qua các hoạt động tư vấn khám sức khỏe, thăm hộ gia đình cho hơn 908.700 lượt người; treo hơn 1.870 băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền giáo dục sức khỏe… Nội dung tuyên truyền tập trung vào yếu tố nguy cơ, biện pháp phòng chống dịch, tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng phòng COVID-19. Nhờ đó, nhận thức của Nhân dân ngày càng nâng lên, thay đổi hành vi có hại cho sức khỏe, từ đó nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Đi đôi với truyền thông, công tác tiêm chủng được đẩy mạnh, đặc biệt tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 và tiêm chủng mở rộng. Đến nay, toàn tỉnh có 216.517 người được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4), đạt tỷ lệ 125,46%; 55.631 trẻ từ 12 đến 17 tuổi được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 3, đạt tỷ lệ 77,5%; 94.760 trẻ từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 2, đạt 92,8%; 7.534 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ 8 loại vắc – xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đạt tỷ lệ 84,1%…

Bác sĩ Hà Thị Đỗ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đình Lập cho biết: Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện có hơn 80 cán bộ, nhân viên làm việc tại 9 khoa, phòng lâm sàng; 70 cán bộ tại 12 trạm y tế xã, thị trấn. Để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, đơn vị luôn quan tâm làm tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, đồng thời củng cố hệ thống giám sát dịch, chủ động triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và các chương trình y tế quốc gia. Đặc biệt, sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, đơn vị đã xây dựng kế hoạch và triển khai đưa nhân lực, vật lực xuống các trạm y tế, khám bệnh, tư vấn sức khỏe sau nhiễm COVID-19 cho người dân.

Cùng với Trung tâm Y tế huyện Đình Lập, công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai thực hiện tốt ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, nhận thức của người dân về phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe ngày càng được nâng cao.

Chị Nguyễn Thị Hoài, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình kể: Được cán bộ trạm y tế thị trấn tuyên truyền và qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi nhận thức được ý nghĩa tầm quan trọng của công tác tiêm chủng. Tôi có con nhỏ dưới 5 tuổi nên thường xuyên để ý lịch tiêm chủng để đưa con đi tiêm đầy đủ, đúng lịch, gần đây nhất, tôi vừa đưa 2 con đi tiêm vắc – xin phòng bệnh thủy đậu, phòng cúm mùa. Cùng đó nhắc nhở người nhà vệ sinh nhà cửa, diệt bọ gậy, phụn hóa chất diệt muỗi… để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Như vậy, với những nỗ lực của ngành y tế, dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát tốt. Hệ thống giám sát phát hiện dịch từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, tăng cường, thực hiện tốt công tác giám sát dịch tễ, giám sát véc tơ, yếu tố nguy cơ, phát hiện sớm các ca mắc tại cộng đồng và cơ sở y tế. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 9.762 trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm như: tay chân miệng, viêm gan virut, thủy đậu, tiêu chảy, cúm… Trong đó một số bệnh có số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2022: viêm gan virut khác 22 ca (giảm 51 ca); sởi 0 ca (giảm 1 ca); sốt rét 0 ca (giảm 2 ca)…Điều đáng ghi nhận là các bệnh truyền nhiễm đều được xử lý, khống chế kịp thời, không để bùng phát lây lan ra cộng đồng và không có trường hợp nào tử vong do dịch bệnh.

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/633481-chu-dong-phong-chong-dich-benh-bao-ve-suc-khoe-nhan-dan.html