Chủ động phòng, chống bệnh dại trên người

BBK -Từ đầu năm đến nay, tại huyện Chợ Đồn và Ngân Sơn xuất hiện ổ dịch dại trên đàn chó, khiến nguy cơ xuất hiện dịch dại trên người. Do đó, người dân cần chủ động tiêm phòng và thực hiện theo khuyến cáo của ngành Y tế để phòng, chống bệnh dại, tránh tử vong.

Người dân huyện Ngân Sơn tiêm phòng dại cho vật nuôi.

Theo thông báo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, tại thôn Bản Mới, xã Bằng Phúc (Chợ Đồn) phát hiện 01 con chó không xác định được chủ nuôi có biểu hiện bất thường. Trong ngày 03-04/9/2023 đã cắn 03 con chó khác trong thôn và một số gia cầm, đến ngày 04/9/2023 con chó này được phát hiện đã chết. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Đồn đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi ngành chức năng xét nghiệm, đến ngày 05/9/2023 có kết quả dương tính với vi rút dại.

BsCKI Hoàng Văn Chuyền, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn) cho biết: Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính chung cho nhiều loại động vật máu nóng, có vú. Trong đó, chó, mèo chiếm tỷ lệ cao. Hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc đặc trị, chỉ có thể phòng hoặc điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Do vậy, khi bị chó, mèo cắn, người dân cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, xử lý vết thương ban đầu và điều trị kịp thời...

Để chủ động trong công tác phòng, chống bệnh dại trên người, nhằm hạn chế ca mắc và tử vong do bệnh dại trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã gửi công văn đề nghị trung tâm y tế các huyện, thành phố triển khai ngay một số nội dung, gồm: Đối với Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn, triển khai ngay các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo Quyết định số 1622/QĐ-BYT, ngày 08/5/2014 của Bộ Y tế về hướng dẫn giám sát, phòng, chống bệnh dại trên người. Khẩn trương điều tra, giám sát phát hiện các trường hợp phơi nhiễm để tư vấn tiêm phòng vắc xin, huyết thanh phòng dại. Tuyên truyền tới từng hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống trước và sau phơi nhiễm để người dân chủ động phòng bệnh.

Đối với trung tâm y tế các huyện, thành phố, cùng với tiếp tục tuyên truyền tới từng hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống bệnh dại cần tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển kinh doanh chó, mèo trong từng thôn, xóm, xã, phường thực hiện các biện pháp quản lý và phòng bệnh trên đàn chó nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

Đồng thời, tổ chức ký cam kết thực hiện 5 không: “không nuôi chó mèo không tiêm phòng dại”, “không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương”, “không nuôi chó thả rông”, “không để chó cắn người”, “không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường”.

Tập trung tuyên truyền cho những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút dại thực hiện tiêm phòng trước phơi nhiễm và những người bị phơi nhiễm với động vật bị bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại thực hiện điều trị dự phòng bằng vắc xin, huyết thanh kháng dại theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Tham mưu và phối hợp với cơ quan thú y, chính quyền địa phương giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch dại hoặc nghi dại trên động vật để có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để hạn chế lây nhiễm bệnh dại sang người. Đồng thời, tham mưu cho UBND huyện, thành phố ban hành văn bản về tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động phòng, chống bệnh dại.../.

Bệnh dại do vi rút dại Lyssa và Vesiculo thuộc họ Rhabdoviridae lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó và mèo. Vi rút xâm nhập vào cơ thể qua các vết cắn, vết liếm, vết cào, da, niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở. Thời gian ủ bệnh ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn tùy thuộc vào vị trí vết cắn và số lượng vi rút xâm nhập cơ thể qua vết cắn.

Bệnh khởi phát sẽ xuất hiện các triệu chứng ban đầu, như: Sốt, sợ hãi, đau đầu, mệt mỏi, khó chịu… Giai đoạn phát bệnh dại xuất hiện với các biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, tiếng động và gió. Ngoài ra, bệnh nhân có thể kèm theo các rối loạn, như: Giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp…

Lý Dũng

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/chu-dong-phong-chong-benh-dai-tren-nguoi-post55585.html