Chủ động ngăn chặn vi phạm, bảo vệ an toàn lưới điện

Từ đầu năm đến nay, sự cố lưới điện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xảy ra nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có hàng chục sự cố do người dân thả diều gây ra. Số vụ mất trộm thiết bị lưới điện cũng tăng đột biến, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp và việc vận hành an toàn lưới điện.

Gia tăng vi phạm

Từ đầu năm đến nay, toàn huyện Tân Yên xảy ra 63 sự cố lưới điện, tổng thời gian mất điện là 39 giờ 32 phút. Trong đó có 22 sự cố do diều gây ra (nhiều nhất tỉnh), tổng thời gian mất điện 20 giờ 19 phút. Điển hình như vụ diều mắc vào đường dây cao thế 22 kV (từ xã Phúc Sơn đi thị trấn Nhã Nam), hồi 6 giờ ngày 18/4, gây mất điện trong 5 giờ, ảnh hưởng đến 4.864 khách hàng thuộc các xã: Quang Tiến, Lan Giới và một phần thị trấn Nhã Nam.

Diều mắc vào đường dây cao thế 22 kV, từ xã Phúc Sơn đi thị trấn Nhã Nam (Tân Yên), hồi 6 giờ, ngày 18/4/2023.

Vào hồi 19 giờ 59 phút ngày 25/5, cọc và dây diều mắc vào đường dây 22 kV (từ xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên đi xã Tân Sỏi, huyện Yên Thế), đoạn qua địa phận thôn Vối, xã Phúc Hòa, gây mất điện trong 3 giờ.

Tại huyện Hiệp Hòa, 3 lần mất điện do diều gây ra (vào các ngày 11/3, 21/4 và 28/4) làm ảnh hưởng đến sản xuất tại Cụm công nghiệp (CCN) Thanh Vân. Hồi 18 giờ 48 phút, ngày 3/5, diều mắc tại cột 3 và 4 nhánh Dinh Hương làm mất điện toàn bộ thị trấn Thắng và CCN Đức Thắng.

Theo PCBG, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 527 sự cố lưới điện, tăng 50 vụ so cùng kỳ năm 2022. Trong đó có 75 sự cố do diều gây ra. Mặc dù số sự cố do diều gây ra giảm 7 vụ nhưng số sự cố gây mất điện kéo dài có xu hướng tăng.

Làm mất an toàn hệ thống điện không chỉ có những chiếc diều, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 54 vụ trộm cắp thiết bị lưới điện (bằng 65% cả năm 2022). Tại huyện Lục Ngạn xảy ra 42 vụ (riêng tháng 6 là 31 vụ), TP Bắc Giang và Việt Yên mỗi địa phương xảy ra 6 vụ. Trong những vụ trộm tại Lục Ngạn, kẻ gian chủ yếu cắt dây tiếp địa vỏ máy biến áp, dây trung tính làm việc, dây chống sét, thanh trèo và cánh cổng buồng phân phối.

Đặc biệt, tại xã Quang Châu (Việt Yên) xảy ra 2 vụ trộm cắp trên lưới điện cao thế gây phóng điện làm 1 đối tượng tử vong và 1 đối tượng bỏng nặng. Các sự cố mất điện làm đình trệ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp thiệt hại chưa thể tính toán được, ảnh hưởng đến an toàn vận hành, cung ứng điện.

Thu hạ diều tại xã Cao Xá (Tân Yên).

Nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm an toàn hành lang lưới điện do diều gây ra là bởi một bộ phận người dân vẫn coi thả diều là thú chơi khó bỏ. Chính quyền nhiều địa phương và các ngành liên quan chưa tìm ra biện pháp xử lý triệt để. Các vụ trộm cắp thiết bị điện tăng là do từ đầu tháng 6 đến nay, nhiều nơi trên địa bàn Lục Ngạn bị gián đoạn cung ứng điện luân phiên. Vì thế, kẻ xấu đã lợi dụng việc các trạm biến áp, cột đường dây bị ngắt điện để trộm cắp tài sản. Tài sản của ngành điện trải dài trên toàn tỉnh, nhiều vị trí nằm xa khu dân cư nên khó bảo quản.

Nghiêm cấm thả diều, tăng cường bảo vệ lưới điện

Điều đáng nói là số vụ vi phạm hành lang lưới điện do diều gây ra nhiều nhưng chưa có vụ nào được xử lý. Đối với các vụ trộm cắp, hiện lực lượng chức năng mới tìm ra 3 vụ (1 vụ tại Việt Yên và 2 vụ tại Lục Ngạn). Theo ông Đinh Thế Dũng, Giám đốc Điện lực Tân Yên, nguyên nhân tỷ lệ xử lý các vụ vi phạm thấp là vì không bắt được quả tang các đối tượng thả diều vi phạm. Đại diện Công an huyện Lục Ngạn cho biết, hiện trường các vụ mất trộm thiết bị điện xa khu dân cư, vắng người qua lại là nguyên nhân chính khó tìm ra thủ phạm…

Công nhân Điện lực Lục Ngạn thực hiện phương án xử lý điểm nguy cơ mất an toàn, tại đường dây 35 kV, lộ 371E7.8, thôn Chính, xã Hồng Giang.

Nhằm ngăn chặn các vụ vi phạm an toàn lưới điện, nhất là do diều gây ra, ông Bạch Hồng Quân, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Giang (PCBG) cho biết, cùng với tuyên truyền, yêu cầu học sinh các huyện, TP ký cam kết không vi phạm, đơn vị sẽ chỉ đạo các điện lực thành viên chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ lưới điện cao áp các huyện, TP, các tổ công tác thu hạ diều của địa phương lập kế hoạch tuần tra, kịp thời ngăn chặn.

Việc tuần tra, tháo hạ diều phải được làm thường xuyên, liên tục và nghiêm túc. Các điện lực thành viên phối hợp với lực lượng công an cơ sở kiên quyết thu nhằm chấm dứt tình trạng thả diều gây sự cố; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi trộm cắp và phối hợp điều tra, truy tìm thủ phạm, bảo vệ hệ thống lưới điện.

Ngoài ra, PCBG đề nghị các huyện, TP thành lập BCĐ phát triển điện lực cấp huyện; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 5/CT-UBND ngày 29/4/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác bảo vệ hành lang lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh; xây dựng quy định xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm quy định cấm thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp (trong phạm vi nhỏ hơn 5 km) đã ban hành…

Trước thực trạng các vụ vi phạm hành lang lưới điện do diều gây ra không giảm trong nhiều năm qua, ông Nguyễn Thế Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho rằng tỉnh cần có biện pháp mạnh, đó là cấm tuyệt đối việc thả diều tại các địa phương có khu, CCN. Bởi việc thường xuyên xảy ra sự cố lưới điện sẽ dẫn tới nguy cơ gây mất an ninh trật tự địa phương, an ninh năng lượng và thu hút đầu tư.

Vừa qua, do thiếu nguồn cung nên ngành điện phải thực hiện tiết giảm phụ tải luân phiên ở các địa phương để ưu tiên điện cho sản xuất công nghiệp. Do đó, việc kiểm soát an toàn lưới điện vừa bảo vệ tài sản của ngành điện và Nhà nước, vừa bảo đảm cung ứng điện an toàn, liên tục. Để việc cung cấp điện được tốt hơn trong thời gian tới, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và người dân tiếp tục sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả.

Bài, ảnh: Thế Đại

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/407561/chu-dong-ngan-chan-vi-pham-bao-ve-an-toan-luoi-dien.html