Chủ động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang conTin khácSẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10Người đi tìm hình của nước

Những năm qua, ngành y tế tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, góp phần giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ, đảm bảo những đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh vẫn còn có trường hợp phụ nữ mang thai (PNMT) do thiếu hiểu biết hoặc hoàn cảnh khách quan mà chưa quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản đúng cách, không thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, dẫn đến tình trạng còn có những đứa trẻ ra đời bị nhiễm HIV từ mẹ. Trường hợp chị N.T.T (huyện Đình Lập) là một ví dụ. Chị T phát hiện và điều trị HIV từ năm 2015. Do chị thường xuyên đi lao động xa nhà nên việc điều trị bị gián đoạn. Năm 2019, chị T sinh con nhưng càng lớn con càng yếu ớt, xanh xao. Đầu tháng 2/2022, chị đưa con đi xét nghiệm, phát hiện bé dương tính với HIV, phải điều trị ARV.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc hướng dẫn phụ nữ mang thai làm xét nghiệm, điều trị dự phòng HIV

Để khắc phục triệt để tình trạng đáng tiếc nêu trên, Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, PNMT và chủ động các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như: tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, vận động PNMT làm xét nghiệm sàng lọc HIV, hướng dẫn điều trị dự phòng bằng thuốc kháng vi rút…

Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, việc truyền thông được các cơ sở y tế từ tỉnh đến huyện, xã thực hiện bằng nhiều hình thức như: truyền thông trực tiếp qua các buổi sinh hoạt nhóm, câu lạc bộ, họp thôn, sinh hoạt các hội đoàn thể; phát tờ rơi tuyên truyền; phối hợp đăng tải tin, bài trên Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh… Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức truyền thông phòng, chống HIV được hơn 1.400 cuộc với hơn 54.500 lượt người tham gia. Qua đó, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, PNMT được nâng cao nhận thức về dự phòng lây nhiễm, chủ động khám thai định kỳ, thực hiện các xét nghiệm sớm…

Bác sĩ Triệu Thị Nhâm, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn cho biết: Để thực hiện tốt công tác dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các tổ chức hội đoàn thể tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt định kỳ. Đối với những PNMT trên địa bàn, chúng tôi đã tư vấn, vận động họ làm xét nghiệm sàng lọc HIV. Từ năm 2021 đến nay, xã có 93/93 PNMT đều được tư vấn và làm xét nghiệm sàng lọc HIV, may mắn là không có trường hợp nào dương tính.

Đặc biệt, cán bộ trạm y tế cấp xã đã tích cực tư vấn xét nghiệm HIV cho PNMT khi đến khám thai lần đầu. Kết quả, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 14.061 PNMT được tư vấn xét nghiệm HIV sớm, đạt 100%. Qua xét nghiệm đã phát hiện 2 trường hợp PNMT có HIV. Ngay sau khi trả kết quả khẳng định HIV sớm cho PNMT có test nhanh dương tính, cán bộ y tế đã tư vấn và xây dựng phác đồ điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trong quá trình điều trị, PNMT nhiễm HIV được theo dõi để đảm bảo tải lượng virus HIV đạt dưới ngưỡng ức chế. Nhờ đó đến nay, 2/2 trường hợp PNMT có HIV đều sinh ra con khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV.

Với những biện pháp thiết thực đó, tỷ lệ trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ ngày càng giảm. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 11 trẻ được sinh ra từ những bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng, 11 bé đều khỏe mạnh, không nhiễm HIV từ mẹ. Chị H.P.H (huyện Chi Lăng) cho biết: Trong quá trình khám thai tại trạm y tế xã, tôi mới biết mình bị nhiễm HIV và tôi đã rất hoang mang, lo lắng. Được cán bộ trạm y tế tư vấn, hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều trị phòng lây truyền HIV sang con nên tôi đã tuân thủ đúng phác đồ. Nay con tôi đã được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh và không nhiễm HIV.

Ông Lý Kim Soi, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Việc điều trị dự phòng, sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong suốt thai kỳ, quá trình chuyển dạ và nuôi con của một người mẹ nhiễm HIV. Vì thế, PNMT cần chủ động xét nghiệm và điều trị dự phòng sớm, nhằm hạn chế khả năng lây truyền, đảm bảo cho con có một cuộc sống khỏe mạnh như những đứa trẻ đồng trang lứa. Thời gian tới, sở tiếp tục tập trung triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (tháng 6/2022), tăng cường xét nghiệm, điều trị dự phòng, phấn đấu đạt mục tiêu “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”.

NGỌC HIẾU

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/505260-chu-dong-du-phong-lay-nhiem-hiv-tu-me-sang-con.html