Chủ động cắt giảm thủ tục hành chính

Cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, thực tế nhiều thủ tục không phải do cơ quan ban hành chủ động cắt giảm mà chủ yếu khi có sức ép mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp, phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc chỉ đạo trực tiếp của cấp trên mới được quan tâm thực hiện. Đây là một trong những tồn tại, hạn chế được Chính phủ chỉ rõ trong Báo cáo về kết quả rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về TTHC gửi tới Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV.

Thời gian qua, chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục nhằm giảm chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được Chính phủ triển khai trên diện rộng, với số lượng lớn các quy định tại nhiều văn bản thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh đã được đơn giản, cắt giảm mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Nhờ đó, đã cải thiện môi trường kinh doanh, nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng, xếp hạng môi trường kinh doanh của nước ta tăng 12 bậc.

Theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2021 đến hết tháng 3.2024, có 2.866 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa. Đây là một con số rất ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong quyết tâm cắt giảm, đơn giản các TTHC nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc lượng hóa số TTHC được cắt giảm, đơn giản hóa là cần thiết. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp và người dân đã cắt giảm được những chi phí tuân thủ không đáng có.

Tuy vậy, bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính vẫn còn không ít tồn tại. TTHC nội bộ trong từng bộ, cơ quan, địa phương và giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau còn phức tạp, rườm rà. Một số quy định, TTHC tại một số văn bản pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn. Chính điều này gây khó khăn cho cơ quan thực thi.

Theo phản ánh của người dân và doanh nghiệp, việc giải quyết một số TTHC còn qua nhiều tầng nấc, khâu trung gian. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC chủ yếu theo phương thức truyền thống hồ sơ giấy. Một số dịch vụ công trực tuyến thực hiện còn chưa thuận lợi. Việc số hóa, tái sử dụng kết quả số hóa ở một số bộ, cơ quan, địa phương chưa đạt yêu cầu. Đáng nói là, dù đã có quy định một số TTHC được thực hiện trên môi trường mạng, nhưng song song với đó, người dân, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện TTHC bằng hồ sơ giấy tờ. Điều này dẫn đến công việc của người dân, của cán bộ công chức lại tăng lên gấp đôi.

Số lượng TTHC đã được cắt giảm, đơn giản hóa là một điều đáng mừng. Nhưng thực chất công việc trong nội bộ còn qua nhiều tầng nấc, thì người dân và doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu những chi phí tuân thủ phi chính thức này.

Trong khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong việc cắt bỏ, đơn giản hóa các TTHC, cộng đồng doanh nghiệp, người dân mong muốn các rào cản về TTHC không cần thiết được cắt bỏ thì vẫn xảy ra tình trạng đủng đỉnh của một số bộ, ngành trong thực thi nhiệm vụ này. Thậm chí chỉ khi có sức ép mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp hoặc chỉ đạo trực tiếp của cấp trên mới được quan tâm thực hiện. Điều đó cho thấy, một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong thực thi công vụ. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ, kịp thời trong việc thực hiện cải cách TTHC.

Để người dân, doanh nghiệp không phải gánh chi phí tuân thủ không đáng có, phải thực hiện nghiêm việc cải cách TTHC ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhất là tập trung thực hiện tốt việc đánh giá tác động TTHC. Các bộ, ngành, cần chủ động nghiên cứu đề xuất việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, TTHC làm khó cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC. Đặc biệt với bộ, ngành, địa phương cố tình không cắt giảm, đơn giản hóa TTHC và giải quyết vướng mắc của người dân, doanh nghiệp chỉ khi có chỉ đạo mới bắt tay thực hiện thì cần xử lý nghiêm minh.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/chu-dong-cat-giam-thu-tuc-hanh-chinh-i372116/