Chủ động các phương án ứng phó với thiên tai

Từ đầu năm đến nay, các đợt thiên tai xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh đã làm thiệt hại 916 ngôi nhà, 6.500 ha các loại cây trồng, hơn 25 ha rừng, 82 công trình cấp nước, 56 con gia súc, hơn 2.000 con gia cầm, tổng thiệt hại hơn 73 tỷ đồng. Theo dự báo, thời gian tới, tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, nhất là mưa lũ, sạt lở, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Xã Tạ Bú, huyện Mường La huy động lực lượng di dời khẩn cấp hộ dân có nguy cơ bị sạt lở do mưa lũ ngày 5-6/8/2023. Ảnh: Thủy Ngân

Ông Cầm Bun Păn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho hay: Chi cục đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, chỉ đạo các địa phương triển khai mua sắm các trang, thiết bị phục vụ ứng phó với bão lũ; rà soát, cắm biển cảnh báo các điểm sạt lở, các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét.

Hiện nay, toàn tỉnh có 2.697 công trình thủy lợi; gồm 110 hồ chứa, 1.149 đập xây, 94 công trình phai rọ thép, 1.035 phai, đập; 5 công trình tưới cây trồng cạn, 190 công trình cửa lấy nước, 3 công trình tiêu thoát lũ, 3.022 km mương dẫn nước. Ngành NN và PTNT đã phối hợp với các địa phương chủ động kiểm tra, đánh giá khả năng thoát lũ của các công trình thủy lợi cùng với khả năng điều tiết lũ của các hồ chứa nước. Từ đó, giảm thiểu tối đa nguy cơ vỡ đập, hồ chứa nước.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tổ chức các đoàn công tác tiến hành việc kiểm tra, rà soát, thống kê các điểm có nguy cơ sạt lở. Trong đó, chú ý đến các điểm dân cư nằm bên sườn đồi, bờ sông có các vết nứt lớn để cảnh báo và xây dựng phương án bố trí các điểm an toàn cho nhân dân trong trường hợp cần di dời khẩn cấp. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La đã xây dựng danh mục 49 dự án sắp xếp ổn định dân cư cấp bách giai đoạn 2021-2025. Theo đó, toàn tỉnh có 1.938 hộ sẽ được bố trí, ổn định đời sống mới sau khi di dời khỏi khu vực nguy hiểm, tổng kinh phí dự toán trên 880 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 13 dự án có quyết định phê duyệt và phân bổ với kinh phí trên 256 tỷ đồng.

Ngoài ra, toàn tỉnh đã thực hiện cắm 342 biển cảnh báo tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ cao bị ngập lụt, xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực sụt lún, sạt lở bờ sông, suối. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng hoàn thành và đã có kế hoạch đầu tư xây dựng 18,4 km kè chống sạt lở bờ sông, suối, với tổng kinh phí đầu tư 731 tỷ đồng.

Thường xuyên chịu những tác động của thiên tai, huyện Phù Yên chủ động xây dựng kịch bản ứng phó. Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Yên, cho biết: UBND huyện chỉ đạo 27 xã, thị trấn triển khai các phương án phòng, chống thiên tai với phương châm “4 tại chỗ”. Nhất là các xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình tăng cường rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu, chủ động di chuyển nhân dân ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đề phòng nguy cơ gió lốc.

Hiện nay, đã bắt đầu cao điểm mùa mưa lũ, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ, nâng cao năng lực cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy cấp tỉnh, huyện, xã. Xây dựng hệ thống kết nối trực tuyến giao ban với Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ huy các cấp; đánh giá công tác phòng chống thiên tai cấp tỉnh theo Bộ chỉ số; huy động và triển khai nguồn lực sẵn sàng khắc phục hậu quả thiên tai.

Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/ban-can-biet/chu-dong-cac-phuong-an-ung-pho-voi-thien-tai-jhnn0veVR.html