Chủ động các giải pháp ứng phó mưa lũ

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương cũng đã chủ động, tích cực ứng phó kịp thời trước diễn biến bất thường của thời tiết trong những ngày qua để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Dưới đây là ghi nhận của Báo Công Thương về tình hình ứng phó của các địa phương.

Khẩn trương khắc phục điểm tắc tại chân đèo Ban huyện Phù Yên (Sơn La) - nơi đang bị cô lập

Sơn La

Bảo đảm an toàn hồ đập và cung ứng hàng hóa

Nhằm bảo đảm an toàn cho vùng hạ du trong mùa mưa lũ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN - UBND tỉnh Sơn La đã có công văn số 257/PCTT&TKCN gửi các huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La về việc điều tiết hồ chứa Thủy điện Sơn La phục vụ cắt lũ cho hồ chứa Thủy điện Hòa Bình. Theo đó, để giảm lưu lượng về hồ Hòa Bình, giảm áp lực về lũ lụt, Nhà máy Thủy điện Sơn La đã dừng phát điện, không xả nước về hạ du từ ngày 11/10.

Vào lúc 7h ngày 11/10, mực nước hồ Thủy điện Sơn La ở mức 214,86m. Đến ngày 16/10, lưu lượng nước về hồ trung bình khoảng 1.570m3/s, mực nước dự báo cao hơn mực nước dâng bình thường (cao trình 215m).

Để giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa lũ, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng đã đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La chỉ đạo các xã ven hồ Thủy điện Sơn La thông báo cho nhân dân sống và canh tác trên khu vực bán ngập chủ động phương án sơ tán ra khỏi phạm vi hành lang bảo vệ công trình. Đồng thời tổ chức kiểm tra, tuần tra, ứng trực để kiểm soát sự an toàn khu dân cư vùng ven hồ; lồng, bè nuôi trồng thủy sản; các khu vực bị ngập lụt để hướng dẫn người, phương tiện phòng tránh an toàn tuyên truyền, vận động nhân dân cư trú ven hồ cảnh giác trong các hoạt động sinh hoạt và sản xuất.

Về bảo đảm cung ứng hàng hóa trên địa bàn trong mùa mưa lũ, Sở Công Thương Sơn La đã đề nghị các cơ sở bán lẻ trên địa bàn tỉnh bảo đảm cung ứng hàng hóa tại chỗ, không tăng giá.

Hà Nội

Triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó mưa lũ

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã ký ban hành Công điện số 06/CĐ-UBND về triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó mưa lũ và bảo đảm an toàn hồ đập.

Công điện nêu rõ, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, các tỉnh Bắc Trung bộ và Hòa Bình đã có mưa to đến rất to, từ 200-300mm gây lũ lớn trên hệ thống sông Cả, sông Đà, sông Hồng đã và đang xảy ra sự cố đối với hồ chứa thủy lợi nhỏ.

Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hạn chế tối đa thiệt hại ở hạ du, UBND TP.Hà Nội yêu cầu: Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các quận, huyện, thị xã thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân… thông tin xả lũ hồ thủy điện để chủ động biện pháp phòng tránh. Các cấp, ngành, đơn vị theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến thời tiết, tình hình mưa lũ, mức nước dâng trên các tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Đuống để chủ động kiểm tra các trọng điểm xung yếu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị; chủ động chỉ đạo đối phó kịp thời mọi diễn biến mưa lũ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra... Riêng Tổng công ty Điện lực Hà Nội rà soát, kiểm tra hệ thống đường dây và trạm biến áp ở các khu vực ngoài đê và các bãi để bảo đảm an toàn về điện.

Về sự cố vỡ đê Bùi 2 tại huyện Chương Mỹ, lãnh đạo thành phố đã đi kiểm tra, trực tiếp nắm tình hình và thăm hỏi đời sống, tặng quà một số hộ dân bị ảnh hưởng ở thị trấn Xuân Mai. Chính quyền cơ sở cũng đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an kịp thời di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Hiện nay, các lực lượng ứng trực tại hiện trường vẫn duy trì quân số 100%, bảo đảm an ninh trật tự, tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn.

Nghệ An

Ngành Công Thương bảo đảm đủ hàng hóa cho nhân dân

Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mưa lớn, mực nước ở một số sông suối dâng cao gây ngập nhiều địa phương. Thậm chí có một số xã đã bị cô lập. Trước tình hình này, Sở Công Thương Nghệ An đã cùng các ban, ngành khác tập trung tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm đủ hàng hóa cho nhân dân.

Ông Bùi Trầm - Phó giám đốc Sở Công Thương Nghệ An - cho biết: Ngành Công Thương luôn chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng hóa nhu yếu phẩm cần thiết để khi có sự điều động sẽ cung ứng hàng hóa đầy đủ, kịp thời. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cũng tăng cường nắm bắt tình hình thị trường, không để thương nhân lợi dụng hiện tượng thiên tai, bão lụt để nâng giá, găm hàng, đưa hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng để phục vụ bà con vùng bão, lũ. Các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai năm 2017 bảo đảm đủ cơ số dự trữ, đáp ứng hàng hóa phòng chống bão lụt theo yêu cầu của UBND tỉnh và ngành Công Thương giao.

Trên thực tế, ngay từ đầu năm, ngành Công Thương Nghệ An đã triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai năm 2017. Theo đó, đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, phòng chuyên môn; các doanh nghiệp, công ty thương mại cân đối sản xuất và dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ khi có thiên tai, bão lụt xảy ra.

Các doanh nghiệp đã được hỗ trợ lãi suất để mua 5 mặt hàng dự trữ phục vụ phòng, chống bão lũ và thiên tai bao gồm: Gạo tẻ 850 tấn, trị giá 10.250 triệu đồng; muối i-ốt 230 tấn, trị giá 1.035 triệu đồng; xăng dầu các loại 620.000 lít trị giá 10. 521 triệu đồng; mỳ ăn liền 1.350.000 gói trị giá 4.357,5 triệu đồng; hơn 1.000 thùng nước đóng chai 500ml, trị giá 82,5 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thương mại, siêu thị trên địa bàn đã chủ động dự trữ hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống bão lụt, bảo đảm đủ nguồn hàng phân phối cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đối với các địa bàn thường bị chia cắt, cô lập, UBND huyện chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn chủ động nguồn hàng. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị các phương tiện (thuyền, ca nô...) để tiếp cận và cung ứng kịp thời cho người dân vùng bị chia cắt, cô lập.

Hòa Bình

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Trước ảnh hưởng của đợt mưa lũ (9-12/10), UBND tỉnh Hòa Bình đã và đang chỉ đạo các ban ngành khẩn trương khắc phục hậu quả, tiếp tục sản xuất trở lại.

Theo UBND tỉnh Hòa Bình, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ sau 13h ngày 9 - 11/10, trên phạm vi toàn tỉnh đồng loạt có mưa to đến rất to và giông, mức nước hồ đã vượt cao trình mực nước dâng bình thường. Mưa lớn nên lưu lượng về hồ tiếp tục dâng cao so với dự báo, để đảm bảo an toàn công trình, thủy điện Hòa Bình đã phải chủ động liên tục mở 8 cửa xả đáy. Tuy nhiên đến thời điểm này, thủy điện đã đóng dần các cửa xả lũ.

Thống kê sơ bộ trên địa bàn có trên 1.000 hộ bị sạt lở, ngập lụt, hư hỏng; 100% diện tích lúa và hoa màu đều bị ảnh hưởng trong đó trên 4.000 ha bị ngập hoàn toàn. Đặc biệt đã có 32 người chết và mất tích, 2 người bị thương.

Ngày 12/10, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đã họp khẩn với các ban, ngành trên địa bàn nhằm sớm khắc phục hậu quả thiên tai, giúp nhân dân ổn định đời sống, phục hồi sản xuất, UBND tỉnh giao các sở, ban ngành, chủ tịch UBND các huyện thành phố tập trung huy động mọi nguồn lực hỗ trợ và giúp đỡ các gia đình có người bị chết, mất tính; bố trí cho các hộ dân bị mất nhà, sớm ổn định cuộc sống; thu dọn lúa, hoa màu, vệ sinh đồng ruộng tiếp tục sản xuất trở lại. Khắc phục, thông tuyến giao thông; khắc phục các công trình thủy lợi; Sở Công Thương chuẩn bị hàng để hỗ trợ ngay cho nhân dân; Sở Y tế thực hiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, phòng dịch bệnh tại vùng thiệt hại; hỗ trợ các hộ gia đình có người chết hoặc mất tích số tiền là 5 triệu đồng/hộ.

Ninh Bình

Ngành diện nỗ lực khắc phục sự cố

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh những ngày qua đã có mưa vừa đến rất to, gây ra ngập lụt tại nhiều địa phương.

Tại sông Hoàng Long đoạn qua huyện Gia Viễn mực nước đo được lúc 16h ngày 11/10 trên mức báo động 3 khiến phà khu vực bến Đế không hoạt động được. Mưa lớn cũng làm cho hơn 530 ha lúa của huyện Gia Viễn bị ngập úng, gần 154 ha cây màu và 30 ha nuôi trồng thủy sản cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại các huyện Nho Quan, thành phố Ninh Bình, Thành phố Tam Điệp, mưa lớn cũng khiến nhiều tuyến đường bị ngập lụt, có nơi nước tràn cả vào nhà dân gây hư hỏng đồ đạc, cản trở việc đi lại, sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Trước tình hình đó, Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Bình chỉ đạo các điện lực sẵn sàng khắc phục sự cố, cung ứng điện phục vụ nhân dân. Các phòng chức năng và đơn vị phụ trợ sẵn sàng phối hợp khi có chỉ đạo điều hành. Theo dự báo, tình hình mưa lớn có thể tiếp tục xảy ra, kết hợp với lũ trên thượng nguồn về, đề nghị các đơn vị cần nêu cao tinh thần cảnh giác, bố trí lực lượng trực 24/24 để xử lý mọi tình huống có thể xảy ra; phối hợp với các đơn vị thủy nông cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng hoạt động tối đa để bảo đảm sản xuất và đời sống nhân dân.

TIN LIÊN QUAN

Ngành Công Thương: Khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt, sạt lở

Nhóm PV

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/chu-dong-cac-giai-phap-ung-pho-mua-lu.html