Chủ đầu tư 'bó tay' trước ngôi nhà có móng vững nhất đứng giữa đường suốt 14 năm không lay chuyển và cái kết bất ngờ chỉ từ chi tiết nhỏ

Sau 14 năm, 'ngôi nhà đinh' cứng đầu nằm giữa đại lộ của quận Tùng Giang đã bị phá dỡ nhờ sự mềm mỏng thuyết phục của cán bộ văn phòng tái định cư.

Chuyện lạ về căn biệt thự nằm giữa đường giao thông

Ngôi nhà nằm giữa đường giao thông ở Thượng Hải

Câu chuyện về những căn nhà ngoan cố bám trụ ở các dự án trọng điểm là một trong những chủ đề nhiều người quan tâm. Không ít người thắc mắc, tại sao chủ nhà lại ngoan cố dù đã được bồi thường số tiền cực lớn.

Vào tháng 7.2003, người dân quanh con đường Hỗ Đình Bắc thuộc Tùng Giang, Thượng Hải, Trung Quốc đang tập trung thỏa thuận di chuyển để mở rộng con đường cao tốc qua nhà họ đang sinh sống. Trong khi hầu hết người dân ở đây đều vui vẻ đồng ý thỏa thuận di chuyển và nhận tiền bồi thường thì chỉ duy nhất có một hộ không đồng ý rời đi.

Chủ căn nhà muốn thương lượng được đền bù một khoản lớn hơn so với nhà nước đặt ra. Do không thể thỏa thuận được nên gia đình này đã không chịu rời đi và không nhận bất kỳ khoản bồi thường nào. Sau đó, đường cao tốc vẫn được tiến hành mở rộng và phát triển.

Ngôi nhà nằm giữa đường nhận được sự chú ý. Ảnh: Sohu

Để biết được tại sao gia đình này nhất quyết không chịu thỏa thuận di chuyển thì phải nhắc đến ngôi nhà nhỏ kiểu phương Tây của gia đình này. Chủ căn nhà là Trương Tân Quốc, khi còn trẻ ông là một nhân viên của một công ty xây dựng ở Thượng Hải. Lúc đó, công việc này giúp ông có một khoản lương rất cao và giúp ông có một cuộc sống sung túc. Sau nhiều năm chật vật, hai vợ chồng đã có một số tiền tiết kiệm lớn.

Tuy nhiên, thời gian trôi qua, vợ chồng ông sinh được một trai, một gái. Khi con cái lớn lên và lập gia đình thì căn nhà khang trang của họ trước đây trở nên chật chội.

Sau đó, Trương Tân Quốc quyết định mua đất của nhà hàng xóm bên cạnh, sau đó xây thêm một tòa nhà phía tây, cao ba tầng trên cơ sở hai nền đất. Mặt ngoài của tòa nhà được lát gạch men theo phong cách phương Tây, hai tòa nhà được nối với nhau bởi một chiếc cầu thang, bên trong được trang trí theo phong cách châu Âu, có diện tích hơn 300 mét vuông.

Sau khi tòa nhà của gia đình ông được xây dựng, nó bỗng chốc trở thành một dinh thự thu hút sự chú ý của cả làng.

Ngoài ra, ngôi nhà còn có một vài căn phòng trống vì vậy Trương Tân Quốc đã cho thuê những phòng trống này và ông đã kiếm được ít nhất 60.000 nhân dân tệ một năm từ việc cho thuê nhà.

Ngôi nhà nằm giữa đường. Ảnh: 163

Tuy nhiên, thời gian tốt đẹp chẳng kéo dài được bao lâu, vào tháng 1 năm 2003, ngôi nhà này nằm trong ngôi làng được đưa vào danh sách quy hoạch đô thị của Thượng Hải lúc bấy giờ.

Vốn dĩ Trương Tân Quốc rất vui mừng khi biết chuyện, ông cảm thấy nhà mình rộng như vậy thì sẽ nhận được nhiều tiền bồi thường nhưng kết quả đền bù đã làm ông ngã ngửa!

Bởi, việc đền bù căn cứ vào diện tích nhà đã đăng ký trên giấy tờ. Như vậy, Trương Tân Quốc chỉ có thể nhận được khoảng 2,3 triệu nhân dân tệ trong khi ông sở hữu một tòa nhà ba tầng lớn. Hiện tại ông cũng kiếm được một khoản không nhỏ từ việc cho thuê nhà.

Chính sách bồi thường này khiến cho ông Trương không hài lòng và cực kỳ tức giận. Ông quyết định không rời đi trừ khi chính phủ đền bù cho ông 100 triệu nhân dân tệ và 6 căn nhà.

Chủ đầu tư bất lực

Mặc dù hai bên đã ngồi lại bàn bạc nhiều lần nhưng không bên nào chịu nhượng bộ. Ông Quốc thậm chí còn mất bình tĩnh nói rằng: Tôi thà không nhận bồi thường và nhất định không đồng ý phá dỡ". Từ năm 2003 khi có thông báo phá dỡ, đến năm 2008 khi con đường được xác nhận sẽ mở rộng, gia đình ông Quốc vẫn kiên quyết sống ở đây.

Khi không thỏa thuận được với ông, chính quyền không còn cách nào khác mà tiến hành xây dựng đường theo kế hoạch mặc cho gia đình ông vẫn cắm móng tại đó.

Sau khi hệ thống đường được xây dựng lên, căn nhà của ông đã chắn giữa đường. Điều này cũng khiến cho giao thông đoạn đường này hay xảy ra ùn tắc và hay xảy ra tai nạn, không chỉ gây bất lợi lớn cho gia đình ông mà còn gây cản trở giao thông nơi này.

Giữa con đường tấp nập vẫn tọa lạc một tòa nhà ba tầng, du khách từ nơi khác đến Thượng Hải đều không khỏi thở dài ngao ngán khi nhìn thấy ngôi nhà cứng đầu 'cắm rễ' giữa con đường lớn.

Thời gian sau đó, căn nhà của ông Trương Tân Quốc không có ai thuê nữa vì nằm giữa đường, khá bất tiện. Thậm chí, căn nhà bị xuống cấp một cách nhanh chóng, bức tường trắng của căn nhà đã bị ố vàng theo thời gian. Ngày ngày, gia đình phải sống trong tiếng còi xe và khói bụi. Thậm chí, mẹ vợ ông còn bị lên cơn đau tim phải nhập viện bởi tiếng còi xe lúc nửa đêm.

Vì ở vị trí dễ quan sát được các sự cố nên gia đình ông Trương thường xuyên bị triệu tập để làm nhân chứng trong việc giải quyết các va chạm giao thông trong giờ cao điểm. Trung bình mỗi tháng ông phải làm nhân chứng tới 5 lần. Tuy vậy, gia đình ông vẫn kiên quyết không chịu nhượng bộ.

"Nhiều người chê cười chúng tôi, nhưng tôi khẳng định rằng không phải vì chúng tôi cứng đầu, mà chỉ muốn bảo vệ lợi ích chính đáng của mình", ông Trương từng chia sẻ.

Trải qua 14 năm từ năm 2003 đến 2017, gia đình ông phải sống chật vật giữa đường phố tấp nập xe cộ, khói bụi trong khi những người dân trong làng trước đây đều đang sống trong những ngôi nhà rộng rãi, khang trang được chính phủ trợ cấp.

Cái kết bất ngờ

Bước ngoặt xảy ra vào tháng 9/2016, khi chính quyền quận Tùng Giang thành lập Văn phòng tái định cư. Trách nhiệm chính của bộ phận này là liên lạc và giải quyết vấn đề của các hộ "nhà đinh". Sau khi thành lập, đối tượng đầu tiên cần thuyết phục chính là gia đình ông Trương..

Lôi Hòa, lúc đó là giám đốc văn phòng tái định cư, cứ hai ngày lại đến nhà ông Trương. để tìm hiểu tình hình và các thói quen hàng ngày. Lần đầu tiên liên lạc với gia đình, Lôi Hòa gần như liên tục bị từ chối.

Tuy nhiên anh vẫn thường xuyên lui tới. Đôi khi anh ấy sẽ giúp đỡ những khó khăn trong cuộc sống của gia đình ông Trương. Anh Lôi thậm chí chưa bao giờ yêu cầu gia đình ông Giang phải chuyển chỗ ở một cách cưỡng bức.

Anh cũng đích thân tìm người giúp họ dựng hàng rào quanh nhà, gia đình Trương Tân Quốc đã nhìn thấy những hành động này và ghi nhớ. Sự thân thiện của anh ấy khiến áp lực tâm lý của ông Trương dần tiêu tan, dần dần ông đã mở lòng để thương lượng.

Ông nói rằng: "Chúng tôi thực sự cũng muốn rời đi, gia đình chúng tôi thường coi trọng danh tiếng và không muốn làm quá. Nhưng họ đối xử lạnh nhạt với gia đình chúng tôi nên tôi cứ nhất quyết không buông, để xem ai cần hơn ai, lần này tôi đồng ý ra ở riêng vì thấy được sự thành tâm của chính quyền".

Lôi Hòa chia sẻ, anh và ban dự án rất hiểu hoàn cảnh của gia đình ông. Mặc dù gia đình ông ngoan cố sống trong ngôi nhà giữa đại lộ 14 năm nhưng chưa một ngày nào họ bị cắt điện nước. Thời điểm đó, văn phòng di dời cũng đã xem xét vấn đề an toàn của gia đình ông Trương. Họ cho dựng hàng rào bảo hiểm để giảm sự nguy hiểm đối với các thành viên.

Cuối cùng, gia đình ông Trương đã đồng ý phá dỡ nhà sau 14 năm. Về phần bồi thường, gia đình ông nhận được 4 căn nhà và 2,3 triệu NDT (tương đường 7,6 tỷ đồng). Mức bồi thường này thấp hơn nhiều so với mức ông từng yêu cầu 14 năm trước, nhưng tính ra thì cũng gia đình ông cũng không bị thiệt.

Ông Trương nói: "Bây giờ gia đình chúng tôi hiện đang sống trong một ngôi nhà tái định cư cách nhà cũ 3km, cuộc sống ổn định, thoải mái".

Cuối cùng, sau 14 năm, "ngôi nhà đinh" cứng đầu nằm giữa đại lộ của quận Tùng Giang đã bị phá dỡ nhờ sự mềm mỏng thuyết phục của cán bộ văn phòng tái định cư. Rút cuộc, việc giao tiếp có vai trò rất quan trọng trong những cuộc thương lượng. Sự mềm mỏng, kiên trì luôn phát huy hiệu quả tốt hơn.

6 công dụng ‘thần kỳ’ của gừng không nên bỏ qua

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/chu-dau-tu-bo-tay-truoc-ngoi-nha-co-mong-vung-nhat-dung-giua-duong-suot-14-nam-khong-lay-chuyen-va-cai-ket-bat-ngo-chi-tu-chi-tiet-nho-172230605064009257.htm