Chủ căn nhà bị sông Cầu 'nuốt chửng' ở Bắc Ninh có được bồi thường?

Vụ sạt lở bờ sông khiến một ngôi nhà sụt hoàn toàn xuống sông Cầu, tại phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh. Vậy chủ căn nhà này có được bồi thường không?

Liên quan đến vụ sạt lở bờ sông khiến một ngôi nhà sụt hoàn toàn xuống sông Cầu, tại khu Vạn Phúc, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) vào chiều ngày 14/3, theo ngành chức năng tỉnh Bắc Ninh, nguyên nhân sơ bộ là do dòng chủ lưu khu vực này có sự biến đổi, áp sát bờ hữu (phía đối diện bờ tả là khu dân cư thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) kết hợp với lòng sông hẹp tạo thành các hố xói sâu áp sát bờ hữu gây ra sạt trượt.

Khoảnh khắc căn nhà bị sông Cầu "nuốt chửng". Ảnh cắt từ clip

Tình trạng sạt lở sông Cầu bắt đầu diễn ra nghiêm trọng từ tháng 11/2023. Thời điểm đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp sự cố về đê điều và Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông trên đê hữu Cầu.

Dự án xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở đê hữu Cầu, phường Vạn An (thành phố Bắc Ninh) tại vị trí Km49+300 có chiều dài 180 mét, kinh phí dự kiến 55 tỉ đồng do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các dự án Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư; Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Ninh thi công đang được gấp rút triển khai.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, các cơ quan chức năng cần phải xác định, làm rõ nguyên nhân dẫn tới việc sạt lở đất, nhà của hộ dân là do hiện tượng tự nhiên, quy luật của dòng chảy hay việc sạt lở bờ sông do nguyên nhân trực tiếp từ việc dòng chảy sông có sự biến đổi, do phía đối diện bờ tả là khu dân cư thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang lấn chiếm xây dựng công trình trái phép kết hợp với lòng sông hẹp tạo thành các hố xói sâu áp sát bờ hữu gây ra sạt trượt.

Xuất phát từ nguyên nhân nào thì xem xét để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đảm bảo người dân có chỗ ở, sinh hoạt trên cơ sở Quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp sự cố về đê điều.

Chính quyền địa phương cần phải ban hành Quyết định thu hồi đất với lý do đất có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai đe dọa tính mạng con người theo quy định tại điểm e khoản 1 điều 65 Luật Đất đai 2013.

Đồng thời, theo quy định tại điểm c khoản 2 điều 65 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đất đai, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện việc bố trí nơi ở tạm và thực hiện tái định cư đối với người phải cưỡng chế di dời đối với trường hợp thu hồi đất do bị sạt lở, sụt lún.

Nếu trường hợp, cơ quan có thẩm quyền của UBND tỉnh Bắc Ninh chưa ban hành Quyết định thu hồi đất đối với các hộ dân thì các hộ dân không được hỗ trợ về nhà ở, tái định cư và có thể đối mặt với nguy cơ "màn trời, chiếu đất".

Ngoài ra, trường hợp người dân hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng minh được việc sạt lở, sụt lún đất xuất phát từ nguyên nhân trực tiếp do việc các hộ dân tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang lấn, chiếm, đất, xây dựng công trình trái phép ở bờ sông Cầu thì những hộ dân bị sạt lở, sụt lún đất, công trình xây dựng ở tổ dân cư Vạn Phúc có quyền khởi kiện yêu cầu những người này bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do bị thiệt hại về tài sản theo các quy định tại chương XX Bộ luật dân sự 2015.

Phúc Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chu-can-nha-bi-song-cau-nuot-chung-o-bac-ninh-co-duoc-boi-thuong-169240315161031711.htm