Chốt thời điểm tính nợ xấu để xử lý

Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua sáng 21-6 với tỷ lệ 86,35% và thời điểm tính nợ xấu để xử lý cũng đã được quyết định.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh TL.

Nghị quyết này được thực hiện trong thời hạn 5 năm kể từ ngày 15-8-2017.

Theo báo cáo giải trình và tiếp thu ý kiến của đại biểu do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày, phạm vi nợ xấu được Ủy ban Thường vụ quyết định là nợ xấu phát sinh do nghiệp vụ tín dụng thực hiện trước thời điểm Nghị quyết có hiệu lực được xác định là ngày 15-8-2017.

Còn sau thời điểm này, ông Thanh nói, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), ban hành và áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro cao hơn, hợp lý theo thông lệ quốc tế để giảm thiểu phát sinh nợ xấu mới.

Phạm vi nợ xấu là điểm gây tranh cãi tại Quốc hội. Một số ý kiến đề nghị Nghị quyết chỉ xử lý đối với khoản nợ xấu tính đến 31-12-2016. Có ý kiến đề xuất Nghị quyết áp dụng đối với khoản nợ xấu đến thời điểm ngày 31-12-2017.

Ông Thanh cho biết, Nghị quyết yêu cầu phấn đấu đến năm 2020 nợ xấu của các tổ chức tín dụng xuống dưới 3%.

Khoản 3 Điều 3 của Nghị quyết yêu cầu: “Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu tại khoản 4 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”.

Khoản 1, Điều 7 về Quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong nghị quyết ghi như sau: Bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều này.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội, tính đến 31-12-2016, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng là trên 150.000 tỉ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu mà công ty mua bán nợ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua, nhưng chưa xử lý được, là trên 195.000 tỉ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ.

Như vậy, nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được hiện nay là trên 345.000 tỉ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ.

Còn nếu tính tổng cả nợ xấu nội bảng, nợ có nguy cơ tiềm ẩn và nợ bán cho VAMC chưa được xử lý thì tổng nợ xấu trong toàn hệ thống là 10,08%, tương đương khoảng 600.000 tỉ đồng.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/161684/chot-thoi-diem-tinh-no-xau-de-xu-ly.html/