Chớp mắt bị đau là do đâu? Cẩn thận bị mất thị lực vĩnh viễn!

Chớp mắt bị đau là tình trạng không hiếm gặp, có nhiều mức độ từ nhẹ tới nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Một số tình trạng chớp mắt bị đau có thể giảm dần và biến mất sau khi được chăm sóc tại nhà nhưng một vài người cần phải được chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện hoặc sử dụng thuốc kê đơn hay thăm khám bác sĩ ngay lập tức.

1. Nguyên nhân chớp mắt bị đau

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến khiến một người chớp mắt bị đau:

- Viêm kết mạc dị ứng

Hay còn gọi là đau mắt đỏ do dị ứng khiến biểu mô giác mạc ngay dưới mí mắt bị viêm. Mắt bạn có thể bị ngứa, đỏ và đau rát, thậm chí là cộm mắt khi chớp. Viêm kết mạc dị ứng thường xảy ra ở cả hai bên mắt. Ngoài ra, việc chớp mắt liên tục có thể là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm loại bỏ kích thích hoặc dị vật gây ra cảm giác cộm, nhưng nếu kết mạc đã bị viêm, hành động này có thể gây ra cảm giác đau đớn thêm.

Viêm kết mạc dị ứng khiến một người bị đau khi chớp mắt (Ảnh: Internet)

Việc tránh nguồn gây dị ứng, đặc biệt là người bị dị ứng theo mùa, chẳng hạn như phấn hoa, lông thú cưng, mạt bụi sẽ giúp giảm nguy cơ bị viêm kết mạc dị ứng. Bạn có thể giảm đau bằng cách chườm mắt và nhỏ thuốc giảm dị ứng mắt đồng thời tránh đeo kính áp tròng hoặc dụi mắt vì có thể gây kích ứng thêm.

- Viêm bờ mi gây đau khi chớp mắt

Một người bị viêm bờ mi sẽ đặc trưng bởi việc bị sưng và viêm mí mắt cấp tính hoặc mạn tính. Khi chớp mắt sẽ cảm thấy đau do vùng bị viêm ở ngay tại chân mi mắt. Viêm bờ mi đôi khi còn kèm theo cảm giác ngứa, bỏng rát, cộm mắt và có dịch tiết. Ngay cả việc cộm mắt cũng sẽ khiến bạn chớp mắt nhiều hơn và cơn đau khi chớp mắt cũng tăng lên.

Tùy vào thể viêm bờ mi là gì mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau, thông thường thuốc nhỏ mắt/thuốc mỡ mắt kháng sinh, thuốc chống viêm, chườm ấm... sẽ có tác dụng giúp giảm đau và giảm tình trạng viêm nhiễm do vi khuẩn gây ra.

- Loét giác mạc

Loét giác mạc là một vết loét hở trên biểu mô giác mạc bởi tình trạng viêm nhiễm nền thường do sự xâm nhập của vi khuẩn, nấm, vi rus, bao gồm cả Acanthamoeba.

Các triệu chứng loét giác mạc ngoài cảm giác chớp mắt bị đau thì còn bao gồm đỏ, ngứa mắt kèm tiết dịch, nhạy cảm với ánh sáng, mắt bị mờ, có lớp màng màu trắng trên giác mạc và chảy nước mắt. Thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm có thể được chỉ định tùy theo tác nhân gây loét giác mạc là gì.

Loét giác mạc có thể dẫn tới nguy hiểm nếu không được điều trị sớm (Ảnh: Internet)

- Khô mắt

Thông thường mắt bị khô do tình trạng nước mắt bị mất cân bằng dẫn tới khả năng bảo vệ mắt bị suy giảm, dẫn tới việc nước mắt bay hơi nhanh hơn, không bôi trơn bề mặt nhãn cầu được như bình thường. Do vậy mà việc chớp mắt sẽ khiến bạn có cảm giác bị cộm, ngứa, nóng rát hoặc châm chích và nhạy cảm hơn hơn với ánh sáng.

Nước mắt nhân tạo (kê đơn và không kê đơn); thuốc theo đơn như cyclosporine, lifitegrastcũng có thể giúp kích thích sản xuất nhiều nước mắt hơn; sử dụng máy tạo độ ẩm; giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử... là một vài biện pháp bác sĩ có thể chỉ định tùy thuộc vào mức độ khô mắt của bạn.

- Bệnh tăng nhãn áp góc đóng (glocom tăng nhãn áp góc đóng)

Bệnh tăng nhãn áp góc đóng có thể khiến áp lực mắt tăng đột ngột do sự tắc nghẽn đột ngột của hệ thống thoát dịch nội nhãn dẫn tới dòng chảy của dịch nhãn không thể lưu thông tự do thông qua góc giữa giác mạc và mống mắt do góc này bị hẹp hoặc đóng lại.

Áp lực nội nhãn tăng lên có thể gây đau mắt nghiêm trọng và có thể nhận thấy cơn đau khi chớp mắt.

Tùy theo nguyên nhân và điều trị đau mắt khi chớp cũng khác nhau (Ảnh: Internet)

- Đau mắt đỏ

Ngoài do dị ứng thì virus và vi khuẩn cũng có thể gây ra đau mắt đỏ dẫn tới sưng mí mắt và đỏ lên. Sau mỗi lần chớp mắt cảm giác cộm và đau mắt sẽ được nhận thấy rõ ràng hơn. Nếu đau mắt đỏ là do virus, bệnh sẽ tự lành nhưng nếu đau mắt đỏ do vi khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng kháng sinh.

- Viêm dây thần kinh thị giác

Viêm dây thần kinh thị giác là tình trạng dây thần kinh thị giác có chức năng gửi hình ảnh từ võng mạc đến não đột nhiên sưng lên, dẫn đến giảm hoặc thậm chí mất hoàn toàn thị lực. Viêm có thể xảy ra trên một phần hoặc toàn bộ chiều dài sợi dây thần kinh; thường gặp ở một mắt, nhưng đôi khi xuất hiện ở cả hai bên.

Viêm dây thần kinh thị giác có thể gây đau đột ngột ở phía sau hốc mắt khi bạn cử động hoặc chớp mắt.

- Lẹo mắt

Lẹo mắt là tình trạng sưng bờ mi mắt cấp tính, có thể ở bên ngoài hoặc trong mí mắt dưới hình dạng cục u hoặc mụn mủ. Lẹo mắt do nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng gây ra dẫn đến sưng đỏ, đau nhức khi chớp mắt.

Thông thường, bạn có thể giảm sưng tấy và điều trị lẹo mắt tại nhà bằng cách lấy một miếng vải ngâm trong nước ấm và ấn nhẹ vào mí mắt trong tối đa 1 phút, lặp lại thao tác này 3 hoặc 4 lần mỗi ngày.

- Đau đầu từng cơn

Đau đầu từng cơn hay còn gọi là đau đầu theo chu kỳ phổ biến ở nhóm từ 20 - 40 tuổi với các cơn đau đặc trưng theo từng giai đoạn, sau đó dừng hẳn rồi lại đau trở lại. Nhiều người bị đau đầu từng cơn cũng báo cáo các triệu chứng tại mắt bao gồm: cảm giác đau nhói sau mắt; sưng mí mắt và sụp mắt (một chút); đỏ mắt; chảy nước mắt.

Các loại thuốc giảm đau như ibuprofen hay acetaminophen có thể có tác dụng giảm bớt cơn đau liên quan tới đau đầu từng cơn.

Đau đầu từng cơn hay còn gọi là đau đầu theo chu kì phổ biến ở nhóm từ 20 - 40 tuổi (Ảnh: Internet)

- Trầy xước giác mạc, bỏng giác mạc

Các tổn thương nhỏ (như trầy giác mạc) hoặc nghiêm trọng (như bỏng giác mạc) đều có thể gây ra cơn đau khi chớp mắt. Trong đó bỏng giác mạc có thể gây tổn thương mắt nghiêm trọng, thậm chí là mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời và cần được cấp cứu y tế khẩn cấp. Trong khi chờ đợi, bạn cần rửa mắt ngay lập tức với nước muối sinh lý trong khoảng 30 phút.

Với các vết trầy giác mạc, bất cứ thứ gì cũng có thể gây ra một vết xước nhỏ trên biểu mô giác mạc như móng tay, cọ trang điểm... Sử dụng thuốc nhỏ mắt có tác dụng làm dịu mắt và bạn cần hạn chế chớp mắt, tránh cho vết xước rộng hơn.

Ngoài hai tình trạng trên thì các chấn thương mắt hoặc bị dị vật bay vào mắt cũng có thể khiến bạn có cảm giác chớp mắt bị đau. Với các vết thương nhẹ bạn có thể chườm đá để giảm sưng nhưng nếu vết xước nghiêm trọng hơn dẫn tới chảy máu hay đau nghiêm trọng, bạn cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Dị vật mắt nhỏ có thể được rửa trôi bằng nước muối sinh lý sau vài lần, tuy vậy không phải ai cũng có kỹ thuật rửa mắt tốt, nếu không cẩn thận dị vật có thể gây hỏng giác mạc.

Bên cạnh các nguyên nhân phổ biến có thể khiến một người chớp mắt bị đau kể trên thì có một số tình trạng khác cũng có thể là nguyên nhân như viêm xoang, bệnh graves... Tùy từng nguyên nhân gây ra là gì mà bác sĩ sẽ có các chỉ định điều trị khác nhau. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc kê đơn hoặc sử dụng đơn thuốc cũ (với trường hợp tái phát)... khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Thăm khám bác sĩ sớm khi đau mắt kèm theo các triệu chứng bất thường khác (Ảnh: Internet)

2. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Mặc dù một số tình trạng gây cảm giác chớp mắt bị đau có thể được điều trị tại nhà, tuy nhiên nếu bạn có các cơn đau kéo dài hơn một vài ngày; mắt trở nên vô cùng đau nhức; tầm nhìn bị suy giảm và đang có các tình trạng sức khỏe mãn tính như bệnh tự miễn thì bạn cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Chăm sóc y tế khẩn cấp được khuyến nghị trong những trường hợp đau nhức dữ dội ở mắt đột ngột; nhìn thấy quầng sáng mờ; tầm nhìn giảm nhanh và đục hơn; buồn non; sưng mắt không rõ nguyên nhân hoặc mất thị lực đột ngột.

Nhìn chung, các cơn đau ở mắt ít khi nguy hiểm nhưng việc thăm khám bác sĩ sẽ giúp bạn nhận được chẩn đoán chính xác cũng như có biện pháp chữa trị phù hợp cũng như rút ngắn thời gian điều trị hơn.

Nguồn: Medical News Today

Châu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chop-mat-bi-dau-la-do-dau-can-than-bi-mat-thi-luc-vinh-vien-20240410112359733.htm