Chống ngập ở các đô thị lớn - Bài 4: Tăng cường liên kết và chia sẻ

Các địa phương có thể liên kết, cùng chia sẻ kinh nghiệm cũng như có sự phối hợp để thực hiện khai đồng bộ, có hiệu quả.

Cần thực hiện hiệu quả các giải pháp trong công tác phòng chống ngập tại đô thị. Ảnh: TTXVN

Nhận thức được thực tế cùng cảnh ngộ, bên cạnh những dự án, chương trình riêng của từng địa phương, theo nhiều chuyên gia để giải quyết triệt để vấn đề này, các địa phương có thể liên kết, cùng chia sẻ kinh nghiệm cũng như có sự phối hợp để thực hiện khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp trong công tác phòng chống ngập đô thị đang diễn biến ngày càng phức tạp hiện nay.

Theo ông Nguyễn Vũ Huy, Trưởng phòng Quy hoạch Thủy lợi Đông Nam bộ và phụ cận (Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam) , việc chống ngập ở Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai nói riêng, nhiều tỉnh thanh trên cả nước nói chung, thậm chí xét rộng trên phạm vi thế giới phải được nhận thức là quản lý rủi ro, kiểm soát thiệt hại, từ đó có giải pháp phù hợp, có thể chấp nhận tần suất ảnh hưởng ngập 10 năm/lần, qua đó cảnh bảo người dân, bố trí dân cư ở những khu vực ít rủi ro.

Về lâu dài, cần xây dựng hệ thống thoát nước có tiết diện lớn, kết hợp xây dựng đê dọc sông Sài Gòn; tiến hành nạo vét thường xuyên hệ thống cống rãnh và tiến hành xây dựng hồ điều hòa.

Tại Tp.Hồ Chí Minh, Đảng bộ Thanh phố vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020; trong đó xác định vấn đề liên kết vùng trong giải quyết ngập nước.

Cụ thể, thành phố tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch và hiệu quả quản lý quy hoạch, xây dựng; triển khai quy chế giải pháp liên kết giữa các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong Vùng để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các công trình đê bao, cống kiểm soát triều, xây dựng phương án hành lang thoát lũ, triển khai quy chế phối hợp việc vận hành liên hồ chứa nước Trị An, Dầu Tiếng, Phước Hòa trên lưu vực sông Đồng Nai – Sài Gòn.

Đồng thời thực hiện các giải pháp phi công trình như bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ, tăng cường mảng xanh đô thị, tạo mặt bằng thẩm thấu nước mưa, giải pháp thu gom nước mưa tạm thời đối với những trận mưa lớn trong thời gian ngắn.

Tại hội nghị thẩm định điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức tại Hà Nội vừa qua, ông Ngô Quang Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam cho rằng giữ hành lang không gian mở sẽ giúp khu vực này giảm bớt úng ngập trước biến đổi khí hậu.

Đồng thời, nhìn nhận vấn đề biến đổi khí hậu và ngập lụt trên cả không gian rộng lớn chứ không thể nhìn riêng ra từng tỉnh và muốn khắc phục tình trạng này cần đồng bộ nhiều giải pháp.

Với khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, ông Ngô Quang Hùng cho rằng, cần phát triển phía Bắc và phía Đông, hạn chế phát triển khu vực Nam và Tây Nam bởi đây là những vùng đất thấp, trũng.

Đặc biệt, quy hoạch không gian mở dọc các tuyến sông trọng yếu của khu vực như sông Sài Gòn, Đồng Nai và Vàm Cỏ. Đây chính là những không gian chứa nước quan trọng.

Ông Ngô Quang Hùng phân tích thêm, việc đô thị hóa bám dọc và sát sông như tại sông Sài Gòn và Biên Hòa (Đồng Nai) hiện nay thì sẽ rất khó cải tạo.

Nếu thực hiện được hành lang không gian mở này thì mới có cơ hội giảm bớt úng ngập. Mặt khác, ứng phó với biến đổi khí hậu cần “giải pháp mềm” chứ “giải pháp cứng” là không thích hợp với xu thế của thế giới và thiếu nguồn lực để thực hiện.

Mặc dù có nhiều biện pháp nhưng “giải pháp mềm” vẫn là phù hợp nhất với điệu kiện của Việt Nam hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc trả lại không gian tự nhiên, dừng quy hoạch tràn lan.

Để ngăn ngừa, khắc phục tình trạng ngập lụt cho cả vùng Đông Nam Bộ nói chung và của các tỉnh nói riêng, theo ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, vấn đề liên kết vùng trong việc cùng chia sẻ về các giải pháp, nguồn vốn và các công trình, chương trình chung chống ngập cho cả khu vực là hết sức cần thiết .

Nước ngập bủa vây nhiều hộ dân tại ấp Chánh (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) khiến cuộc sống, sinh hoạt và làm ăn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Ngoài ra, để thực hiện một cách toàn diện và hiệu quả chống ngập cho khu vực, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần ban hành Quy hoạch phòng lũ cụ thể, chi tiết thống nhất cho cả lưu vực sông Đồng Nai làm cơ sở cho các tỉnh đầu tư xây dựng các dự án chống ngập, tiêu thoát nước.

Ô ng Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương , nhấn mạnh: Việc đầu tư xây dựng các công trình chống ngập, tiêu thoát nước của các tỉnh cần phải thực hiện thống nhất, đồng bộ theo đúng Quy hoạch phòng lũ lưu vực sông Đồng Nai.

Tránh tình trạng đầu tư không đồng bộ dẫn đến tình trạng cùng bị ảnh hưởng của xả lũ, triều cường tỉnh có điều kiện kinh tế đầu tư xây dựng công trình chống lũ nước không bị ảnh hưởng, nước dồn về tỉnh chưa có điều kiện đầu tư gây ngập úng, thiệt hại.

Mặt khác, việc quản lý công tác vận hành, điều tiết nước các hồ thủy điện, thủy lợi trên sông Sài Gòn, sông Bé, sông Đồng Nai cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đảm bảo an toàn cho các công trình hồ chứa cũng như vùng hạ du theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 24/3/2016 về việc ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai.

Theo Tiến sỹ Vũ Văn Kiên (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Quy hoạch vùng Tp. Hồ Chí Minh cần nghiên cứu xây dựng quy chế và hệ thống tích hợp cơ sở dữ liệu nói chung (đất đai, xây dựng, quy hoạch, không gian, nguồn tài nguyên ...; trong đó có tài nguyên nước, bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng), đảm bảo sự đồng bộ trên nền dữ liệu địa chính, trên cơ sở đó chia sẻ thông tin giữa các ngành, tỉnh, thành phố.

Cụ thể hơn, theo các chuyên gia môi trường, các lĩnh vực liên kết trong nội dung của hoạt động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu ở các địa phương thuộc vùng Đông Nam bộ, cần tập trung liên kết trong quan trắc và xử lý thông tin về biến đổi khí hậu ; tiếp theo liên kết trong xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu; nguồn lực tài chính; khoa học công nghệ; nguồn nhân lực; phát triển các mạng lưới an sinh xã hội; lợi ích và chia sẻ rủi ro./.

Bài cuối: Cần người dân chung sức tham gia

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/chong-ngap-o-cac-do-thi-lon-bai-4-tang-cuong-lien-ket-va-chia-se/28566.html