Chống ngập cho TPHCM: Trung Nam Group kiến nghị được cấp tín dụng vượt vốn tự có

Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) vừa kiến nghị được BIDV cấp tín dụng vượt giới hạn vốn tự có nhằm hoàn thành đúng tiến độ Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Theo báo cáo của Trung Nam Group tại buổi kiểm tra của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ngày 4/10, Dự án sẽ xây dựng 6 cống kiểm soát triều nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM...

Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 6/2016 và tiến độ thực hiện dự kiến trong 36 tháng (từ năm 2016 - 2018). Đến nay, chủ đầu tư cho biết đã sử dụng hơn 500 tỷ đồng vốn tự có để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Sau 3 tháng triển khai, hiện đã đồng loạt triển khai thi công toàn bộ 6 cống kiểm soát triều, 2 cống nhỏ và 7,8 km đê kè thuộc huyện Nhà Bè. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, chủ đầu tư đã huy động hơn 700 công nhân làm việc liên tục 3 ca/ngày.

Để đảm bảo tiến độ thi công dự án như đã cam kết với UBND TP.HCM, Trung Nam Group kiến nghị UBND TP có văn bản báo cáo tình hình thực hiện dự án gửi Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng Nhà nước có cơ sở xem xét cho phép BIDV cấp tín dụng đối với nhà đầu tư vượt giới hạn vốn tự có theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 285/TB-VPCP ngày 20/8/2015.

Đề nghị BIDV tiến hành giải ngân tạm ứng cho chủ đầu tư ngay khi Ngân hàng Nhà nước có quyết định tái cấp vốn theo đúng điều khoản hợp đồng BT và hợp đồng tín dụng để đáp ứng kịp thời tiến độ dự án. Chỉ đạo các đơn vị có công trình ngầm và nổi ảnh hưởng trong phạm vi dự án cần di dời khẩn trương gồm điện, cáp quang, cấp nước, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng…

Trong một văn bản gởi Thường trực HĐND TP.HCM, UBND TP cho biết lý do thực hiện Dự án trên là do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, dân số tăng nhanh (sau 40 năm giải phóng, dân số của TP đã tăng hơn 10 triệu người, chưa tính dân vãng lai, gấp 5 lần so với trước). Điều này dẫn đến sự quá tải cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống thoát nước, kèm theo điều kiện tự nhiên không thuận lợi (địa hình trũng thấp, giáp các cửa sông lớn, nền đất yếu,…).

Cùng với đó, diễn biến thời tiết ngày càng bất lợi, dẫn đến tình trạng ngập úng ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.

“Mặc dù trong những năm qua UBND TP.HCM đã rất nỗ lực triển khai thực hiện các quy hoạch, từng bước khắc phục tình trạng ngập úng nhưng do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan như thiếu nguồn vốn đầu tư, vướng mắc trong giải tỏa mặt bằng,... nên công tác chống ngập vẫn chưa được giải quyết triệt để”, văn bản cho biết.

Trước thực trạng này, UBND TP.HCM kiến nghị Thường trực HĐND TP chấp thuận chủ trương thực hiện Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) theo hình thức PPP. Tổng vốn đầu tư sơ bộ (đã bao gồm lãi vay) của dự án khoảng 9.850 tỷ đồng. Trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.790 tỷ đồng.

Phương án thanh toán Hợp đồng BT theo hướng thanh toán bằng quỹ đất, trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán nhỏ hơn giá trị dự án BT, UBND TP.HCM được thanh toán bằng ngân sách TP đối với phần chênh lệch.

Phần giá trị thanh toán bằng quỹ đất chiếm 15% tổng giá trị quyết toán (tương đương 1.477,5 tỷ đồng). Phần giá trị thanh toán bằng tiền (phần chênh lệch) chiếm 85% tổng giá trị quyết toán (tương đương 8.372,5 tỷ đồng). Thời gian thanh toán 8 năm.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ về mức lãi suất cho vay tái cấp vốn đối với BIDV để cho vay thực hiện dự án (dự kiến tối đa 3%/năm).

Nguồn NDH: http://ndh.vn/chong-ngap-cho-tphcm-trung-nam-group-kien-nghi-duoc-cap-tin-dung-vuot-von-tu-co-20161005085050740p4c148.news