Chống nạng, rong ống truyền dịch đi nghe nhạc

“Có ca sĩ tới bệnh viện hát, em vào đây coi đi…”, qua điện thoại, chị Huệ thông báo với người nhà về sự xuất hiện của Lê Cát Trọng Lý ở bệnh viện trung ương Huế. Buổi sáng sau ngày khai mạc Festival Huế (từ 7 đến 15/4/2012), bệnh nhân và người thăm nuôi đứng, ngồi kín sân bệnh viện để xem show diễn “lạ”.

Ca sỹ người Mỹ hát Lý chiều chiều

Sự xuất hiện của ca sĩ người Mỹ Mary McBride và cô ca sĩ nhỏ nhắn Lê Cát Trọng Lý ở bệnh viện trung ương Huế trở nên bất ngở với nhiều người. Bởi, theo lịch các chương trình biểu diễn cộng đồng được BTC Festival Huế phát ra, thì chương trình diễn ra vào buổi chiều ngày 8/4, thay vì buổi sáng. Vậy mà khi Mary McBride cất lên tiếng hát cùng ban nhạc của mình, khoảng sân bệnh viên đã vòng trong vòng ngoài, quay kín ban nhạc. Và khán giả ở đây rất đặc biệt, đa phần là những người đang điều trị bệnh, người nhà bệnh nhân và chỉ một phần rất nhỏ là người bên ngoài, vì hâm mộ ca sĩ mà tìm đến.

Ca sĩ Mary McBride thể hiện sự thân thiện, gần gũi khi giao tiếp bằng âm nhạc với khán giả ở bệnh viện.

“Sân khấu” cũng “lạ”, chỉ có bộ loa công suất vừa phải, truyền âm thanh từ giọng hát, nhạc cụ được chơi “live” đến khán giả, tạo nên sự giao tiếp mặt đối mặt. Chị Huệ bảo, phần biểu diễn của ban nhạc đồng quê Mary McBride đến từ Mỹ, “nghe không hiểu chi mô, nhưng mà thích lắm”. Ca sĩ được chị Huệ nhận xét là “có giọng hát hay, xịnh đẹp, các bài hát có giai điệu tươi vui, nhẹ nhàng” chính là đại sứ văn hóa của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã lưu diễn qua nhiều nơi trên thế giới. “Sân khấu bệnh viện’, hẳn không có nhiều khán giả từng nghe Mary McBride hát ca khúc nổi tiếng của cô là “No one’s gonna love you like me” trong bộ phim từng đoạt giải Oscar ‘Brokeback mountain” của đạo diễn Lý An hay các album nhạc của cô ca sĩ này; nhưng chứng kiến lối trình diễn hết sức gần gũi, giản dị của ca sĩ, ban nhạc và nhìn vào ánh mắt, tiếng vỗ tay, niềm vui thể hiện trên gương mặt của bệnh nhân, người xem không còn thấy khoảng cách lớn của sự “bất đồng ngôn ngữ”. Khán giả - bệnh nhân nghe Mary McBride hát nhạc Mỹ cũng giống như khi nữ ca sĩ cầm giấy hát bài dân ca Nam bộ “Lý chiều chiều” với tiếng phát âm lơ lớ: “Chiều chiều, ra đứng tây lầu tây…”.

Trong một tiếng, Lê Cát Trọng Lý không chỉ hát mà còn tâm sự về niềm vui và tinh thần lạc quan trong cuộc sống cùng các bệnh nhân.

Khi Lê Cát Trọng Lý xuất hiện, khuôn viên bệnh viện đã lên tới vài trăm khán giả. Vẫn với phong cách quen thuộc, Lý cùng ban nhạc của mình chỉ việc đem tới bệnh viện những ca khúc như những lời thủ thỉ tâm sự nhẹ nhàng đến với khán giả, giống như những tác phẩm du ca cô gái nhỏ trình bày trong chuỗi chương trình “Vui” đình đám trước đó.

Không nghe thật rõ lời ca giữa không gian loãng ngoài trời, nhưng nhiều bệnh nhân vẫn chống nạng gỗ, quay xe lăn, nhờ người nhà dìu đến nghe Lê Cát Trọng Lý vừa chơi guitar vừa hát, trò chuyện, các thành viên trong ban nhạc giới thiệu về từng loại nhạc cụ. Liên tục trong một tiếng đồng hồ, bà Trần Thị Duyên không quản mỏi tay, nâng cao trai dịch truyền đến tay chồng, một bệnh nhân chạy thận, để ông có thêm chút thư thái với âm nhạc trong những ngày điều trị bệnh. Còn với chị Huệ, cũng có người nhà đang điều trị thận, vì thích phong cách của cô gái du ca Lê Cát Trọng Lý, chị sẽ bỏ tiền mua vé, đi xem chương trình riêng của Lý ở Festival lần này.

Nghệ sĩ hành quân về vùng ven

Trong những ngày diễn ra Festival, bệnh nhân ở bệnh viện Trung ương Huế còn đón tiếp nhóm nhạc Cỏ Lạ vừa hát vừa chơi những nhạc cụ truyền thống Việt Nam và nhóm nhạc Raduga mang đến những ca khúc và điệu nhảy tươi vui của nước Nga. Trước khi hát phục vụ người bệnh, 7 cô gái nhóm Cỏ Lạ đã cùng đoàn nghệ thuật Liceo của Philippines trình diễn tặng các chiến sĩ công an ở hội trường công an tỉnh. Hay như ca sĩ Mary McBride, ngoài trình diễn trước bệnh nhân, cô cùng ban nhạc còn đến hát ở trung tâm bảo trợ trẻ em. Rất nhiều đoàn nghệ thuật cả trong nước và nước ngoài cũng đã hành quân về các huyện vùng ven để thực sự đem không khí Festival đi xa hơn, đem nghệ thuật đến gần hơn với công chúng. Ngoài các chương trình diễn ra dày đặc ở công viên Tứ Tượng, công viên 3/2 hay các chương trình nghệ thuật đường phố diễn ra trên nhiều tuyến phố, thì các đoàn nghệ thuật còn đến sân trường Kim Long và 8 huyện ven đô, vùng xa như Quảng Điền, Phong Điền, Nam Đông, A Lưới… Ca sĩ Thanh Loan của Nhà hát Quân đội kể, ngoài tham gia trình diễn đêm khai mạc, các diễn viên Nhà hát Quân đội có 3 buổi biểu diễn khác “ra khỏi Đại nội”. Ca sĩ như chị không nắm rõ lịch diễn cụ thể từng ngày của mình, chỉ biết giữ tư thế sẵn sàng và “hành quân” đến các điểm diễn khác nhau theo điều động, từ công viên Tứ Tượng qua cung An Định hay đến huyện Phú Vang… Ngoài 450 nghệ sĩ đến từ 27 nước, 800 nghệ sĩ chuyên nghiệp trong nước, các chương trình lễ hội của Huế năm nay còn thu hút hơn 2.000 người trình diễn không chuyên, từ bộ đội, công nhân, sinh viên, thiếu nhi… để trở thành diễn viên quần chúng.

Bước ra khỏi những sân khấu trình diễn thông thường, nghệ sĩ đến với nhiều không gian khác nhau, phục vụ nhiều đối tượng khán giả khác nhau, đó chính là một điểm mới đáng khuyến khích của Festival Huế 2012.

Bài và ảnh: Danh Anh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/67665/chong-nang--rong-ong-truyen-dich-di-nghe-nhac.html