Chống hàng giả, hàng lậu trên các mạng xã hội

Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh kiểm tra tổng cộng 861 vụ thì phát hiện có đến 836 vụ vi phạm (hơn 97%) về hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Điều đó cho thấy, mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực trong việc chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại, nhưng do lợi nhuận 'khủng' nên hoạt động này không những không giảm, mà biến tướng rất tinh vi để qua mắt các lực lượng kiểm tra...

Mới đây nhất, ngày 16/2, Đội QLTT số 2 (thuộc Cục QLTT TP Hồ Chí Minh) đồng loạt kiểm tra các địa điểm chứa trữ, kinh doanh nước hoa, mỹ phẩm trên địa bàn quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Tại điểm kinh doanh ở đường Nguyễn Tư Giản, phường 12, quận Gò Vấp, lực lượng QLTT thu giữ hơn 6.000 sản phẩm gồm: dầu gió xanh Singapore, sản phẩm tẩy tế bào chết spa, dầu xả bưởi, kem body Bạch Ngọc Liên, kem face Pháp, kem body Pháp, bông tẩy trang.

Theo giá trị đang được niêm yết trên thị trườngmạng, lô hàng trên có tổng trị giá gần 1,2 tỷ đồng. Cùng thời điểm, một tổ công tác khác kiểm tra điểm kinh doanh trên đường Phạm Văn Chiêu, phường 9, quận Gò Vấp, thu giữ gần 340 thùng hàng hóa với tổng số lượng trên 30.000 tuýp/chai các sản phẩm gồm: khử mùi Coast, gel lột mụn 24k Gold mask, nước hoa OUD AL SUNTAN, nước hoa Karri, xịt chống nắng MAYCREATE. Lô hàng có tổng trị giá trên 738 triệu đồng.

Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra, thu giữ mỹ phẩm giả.

Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra, thu giữ mỹ phẩm giả.

Theo lãnh đạo Đội QLTT số 2, phải mất rất nhiều thời gian lực lượng chức năng mới tiếp cận và xử lý được vụ việc, bởi đối tượng thường xuyên đóng cửa gây khó khăn cho công tác xác minh. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng QLTT xác định chủ lô hàng là ông Ngô Thái H., (SN 1994, trú tại Tân Hưng, Long An) toàn bộ hàng hóa tại 2 địa điểm kiểm tra đều thuộc sở hữu của ông H. Bước đầu cơ quan chức năng nhận định, số hàng hóa phát hiện tại 2 địa điểm kinh doanh trên đều có dấu hiệu nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Với mặt hàng thực phẩm, ngày 1/2 Đội QLTT số 18 (Cục QLTT TP Hồ Chí Minh) kiểm tra Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Trang Dương, địa chỉ ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Trùng Dương làm Giám đốc, đã tạm giữ 9.950kg đường cát do Thái Lan sản xuất, có dấu hiệu nhập lậu. Cùng thời điểm, tiến hành kiểm tra một hộ kinh doanh không có đăng ký tên hộ kinh doanh tại địa chỉ ở ấp 4, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, do bà Thái Thị Lan làm đại diện, tổ công tác khác thuộc Đội QLTT số 18 cũng đã tạm giữ 1.650kg đường cát do Thái Lan sản xuất nhập lậu. Tổng số đường cát nhập lậu tại 2 địa điểm trên là 11.600kg với tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 220 triệu đồng. Đội QLTTsố 18 đã tiến hành các thủ tục tạm giữ, niêm phong toàn bộ số đường cát nhập lậu nêu trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, trong đợt cao điểm kiểm tra trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023, tính đến ngày 15/2 lực lượng QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra tổng cộng 861 vụ, trong đó phát hiện đến 836 vụ vi phạm. Nhiều nhất là hàng nhập lậu, cơ quan QLTT đã xử lý 227 vụ, phạt hơn 4,1 tỷ đồng, tạm giữ 374.096 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, với trị giá ước tính khoảng 9 tỷ đồng. Đối với hàng giả, 182 vụ vi phạm đã bị xử lý về các hành vi: kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu; sản xuất hàng giả. Hàng hóa bị tạm giữ 205.934 đơn vị sản phẩm với trị giá hơn 43 tỷ đồng. Với nhóm mặt hàng thuốc lá, Cục QLTT kiểm tra các điểm kinh doanh truyền thống và cả thương mại điện tử phát hiện 14 vụ vi phạm, đã xử phạt số tiền là 200 triệu đồng, buộc tiêu hủy 1.198 bao thuốc lá điếu và 1.878 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử và tinh dầu, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 300 triệu đồng.

Đặc biệt, QLTT TP Hồ Chí Minh đã phát hiện nhiều vụ việc lớn, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 4 vụ có dấu hiệu phạm tội về các hành vi buôn lậu, buôn bán, sản xuất hàng giả. Trong đó, có vụ QLTT kiểm tra 5 điểm (gồm 1 điểm sản xuất và 4 điểm chứa trữ) tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, phát hiện tại các điểm này đang chứa 274.987 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm các loại có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu CLEAR, TRESEMME, SUNSILKABUTINE, OLAY và nhiều nhãn hiệu khác. Toàn bộ tang vật là hàng hóa, phương tiện máy móc để sản xuất ước tính hơn 41 tỷ đồng.

Ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết, trong đợt cao điểm kiểm tra dịp Tết 2023, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã xác định rõ các địa bàn trọng điểm, mặt hàng trọng tâm nên việc triển khai kiểm tra, kiểm soát hiệu quả, đúng trọng tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong thời gian tới, Cục QLTT thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường nắm tình hình địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu trong thương mại điện tử.

Thúy Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/chong-hang-gia-hang-lau-tren-cac-mang-xa-hoi-i684509/