Chông chênh giảng đường

Thi đỗ vào trường đại học, cao đẳng mà mình mơ ước nhưng vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên hành trình chinh phục giảng đường của các tân sinh viên còn lắm chông chênh...

Cậu sinh viên nghèo ước mơ trở thành luật sư

Ngày Hồ Hoài Bảo Linh (SN 2004), ở Khối 2, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa nhận tin báo trúng tuyển vào Trường Đại học Luật Huế, cả gia đình em rất mừng nhưng lòng ai cũng nặng trĩu lo âu. “Cách đây 6 năm, mẹ cháu bỏ nhà đi để lại khoản nợ gần 430 triệu đồng. Tôi phải bán đi một phần đất ở để trả nợ nhưng vẫn chưa đủ. Khó khăn trăm bề nhưng vì thương con, ước mong con được học hành sau này có nghề nghiệp nên tôi gắng gượng vay mượn cho con có tiền nhập học”, ông Hồ Thanh Tùng, bố em Bảo Linh tâm sự.

Hồ Hoài Bảo Linh làm thêm để kiếm tiền trang trải việc học, sinh hoạt - Ảnh: NVCC

Nhiều năm qua, ông Tùng làm thuê đủ nghề và sau những buổi làm việc còn lặn lội vào các bản thu mua nông sản bán lại kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. Cuộc sống của gia đình ông Tùng quá khó khăn nên mẹ ông là cụ Hoàng Thị Bé đã 80 tuổi vẫn phải đi hái lá, gói bánh chưng, thức khuya, dậy sớm nấu bánh mang ra chợ bán.

“Tôi gắng gượng làm bánh mang ra chợ bán được ngày nào hay ngày đó chứ nhìn con cháu khổ cực, thiếu thốn, loay hoay mưu sinh sao cầm lòng được. Các cháu tôi tuy nghèo nhưng hiếu học, chỉ mong sao tôi có sức khỏe để phụ giúp các cháu đến ngày tốt nghiệp đại học”, cụ Hoàng Thị Bé nói trong nghẹn ngào.

Hiện nay, Bảo Linh đã nhập học và làm thêm tại một nhà hàng sau giờ đến trường nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình và có thêm điều kiện để học tập. “Em sẽ gắng học tập tốt để sau này có thể phụ giúp gia đình”, Bảo Linh bộc bạch.

Nỗi niềm cô sinh viên nghèo

Phan Thị Minh (SN 2003), ở thôn Lại An, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh xuất thân trong một gia đình nghèo nhưng luôn có thành tích học tập khá ấn tượng. Minh đã thi đỗ vào Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh với số điểm cao. “Gia đình tôi chỉ có 3 mẹ con, biết tin Minh đậu đại học, tôi rất vui mừng và động viên con lên đường nhập học nhưng trong lòng vẫn rối như tơ vò. Tôi mắc bệnh suy tim đã hơn 3 năm nay, người có lúc mệt, lúc khỏe và không làm được việc nặng nên chỉ quanh quẩn trong nhà, nuôi con gà, đàn lợn, làm 2 sào ruộng.

Nguồn thu nhập hạn hẹp lại hay ốm đau nên chăm lo cho con chưa được đủ đầy. Ngày Minh nhập học, tôi phải mượn người thân 17 triệu đồng để cháu vào trường. Số tiền nợ ấy tôi sẽ tích cóp trả dần, chỉ mong sao việc học của con không bị gián đoạn”, bà Võ Thị Bích (mẹ của Minh) cho biết.

Phan Thị Minh luôn đam mê học tập - Ảnh: NVCC

Những ngày chưa nhập học, Minh cùng em trai phụ giúp mẹ việc đồng áng, chăm sóc lợn sinh sản nên mẹ em đỡ vất vả phần nào. Từ khi Minh đi học, chỉ còn em trai phụ mẹ nên không thể trôi tròn. “Mẹ em sức khỏe ngày càng yếu đi, phải dùng thuốc quanh năm, chi phí đi lại, thuốc thang cũng khá tốn kém. Giá như có em bên cạnh, mẹ sẽ đỡ vất vả đi phần nào”, Phan Thị Minh tâm sự.

Chia sẻ về kế hoạch học tập, sinh sống của mình trong thời gian tới, Minh cho biết em sẽ nhận làm gia sư cho học sinh tiểu học để kiếm thêm thu nhập. “Năm tới, em trai sẽ vào đại học, lúc đó mẹ sẽ vất vả hơn nhiều. Nên từ bây giờ, em phải tự lập để mẹ vơi đi phần nào khó khăn, lo âu”, Minh cho biết.

Khát khao học để thay đổi số phận

“Lúc vừa tròn 5 tuổi, bố mẹ em ly hôn. Từ đó đến nay em sống cùng bố và em gái bị bệnh não úng thủy trong căn nhà nhỏ ở thôn Cam Phú 3, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ. Bố em không biết chữ lại hay ốm đau. Mấy năm nay, một mình bố làm thuê đủ nghề để lo cho em ăn học, chữa bệnh cho em gái. Nay em đi học xa nhà, vì thế em gái thiếu người chăm sóc, bố sẽ lại chật vật khi vừa chăm em vừa mưu sinh”, em Trần Hữu Cường (SN 2004), sinh viên năm thứ Nhất, ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế tâm sự.

Trần Hữu Cường tranh thủ học bài sau những giờ làm thêm - Ảnh: NVCC

Ngày cầm giấy báo nhập học trên tay, Cường cứ phân vân giữa đi học hay ở nhà cùng bố làm thuê kiếm tiền chữa bệnh cho em gái. Biết con ham học nên ông Trần Hữu Thành (bố của Cường) đã tiếp tục vay mượn tiền từ người thân để con vào Huế nhập học với ước mong thay đổi phận nghèo. Nhiều năm làm thuê đủ nghề, đặc biệt là công việc bốc vác keo, tràm nặng nhọc nên sức khỏe của ông Thành ngày càng yếu đi. Nhiều lúc không thể đi làm, ông Thành lại phải chạy đôn chạy đáo vay mượn lo thuốc thang, ăn uống cho con.

Hiện nay, Cường đã kiếm được việc làm thêm để trang trải việc ăn học nhưng em vẫn luôn lo về sức khỏe, đời sống hằng ngày của bố và em gái. “Em chỉ mong sao việc học không bị đứt quãng giữa chừng để sau khi ra trường có thể chăm lo cho bố cùng em gái có cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Nhiều đêm làm về khuya, nằm nghĩ đến bố và em gái bệnh tật là nước mắt em lại rơi. Nhưng rồi em cũng tự an ủi, động viên mình phải luôn cố gắng từng ngày để không phụ lại tình yêu thương và cả niềm tin, hy vọng của bố về tương lai tươi sáng hơn”, Cường chia sẻ.

Quyết tâm trở thành kỹ sư xây dựng

Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng ông Nguyễn Ngọc Hân, ở Khu phố 4, Phường Đông Thanh, TP. Đông Hà vẫn động viên, tạo điều kiện để cậu con trai Nguyễn Ngọc Công Minh (SN 2004) theo đuổi giấc mơ trở thành kỹ sư xây dựng.

Công Minh thi đỗ vào ngành kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Xây dựng miền Trung - Phân hiệu Đà Nẵng cả gia đình rất vui. Dẫu nghèo nhưng trong nhiều năm qua, ông Hân luôn dành những gì tốt nhất cho việc học của các con.

Nguyễn Ngọc Công Minh làm thêm sau giờ học - Ảnh: NVCC

Hoàn cảnh của Công Minh khá éo le. Bố mẹ em đã ly hôn cách đây 6 năm nên anh em Minh sống nương tựa vào bố và bà nội già yếu trong căn nhà cũ. Bố của Minh làm thợ xây, công việc vất vả lại khá bấp bênh nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.

Mới đây, để có tiền cho Minh vào Đà Nẵng nhập học, ông Nguyễn Ngọc Hân đã vay mượn người thân trong gia đình. “Trong nhà chỉ mình tôi là lao động chính, thu nhập hằng tháng không nhiều bởi nghề thợ xây khá bấp bênh. Tôi chỉ mong có sức khỏe để kiếm tiền lo cho gia đình, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn”, ông Hân tâm sự.

Những năm tháng làm thợ xây nặng nhọc khiến sức khỏe ông Hân sa sút dần, thường xuyên đau ốm; bà nội của Minh già cả nên cuộc sống của gia đình em luôn chìm ngập trong khó khăn. Vì thế nên ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng của Nguyễn Ngọc Công Minh còn lắm chông chênh...

(còn nữa)

Phú Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=171825&title=chong-chenh-giang-duong-