Chông chênh đường đến giảng đường của nam sinh nhà nghèo học giỏi

Em Nguyễn Ngọc Phước (2005) là một học sinh chăm ngoan, vượt khó học giỏi có tiếng của làng Tân Lộc Ngọc, xã biển Tam Tiến ( Núi Thành, Quảng Nam). Em đã đạt kết quả cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 và trúng tuyển vào trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng ngành Kỹ thuật Cơ điện tử theo phương thức xét tuyển học bạ với tổ hợp điểm: Toán: 9,33, Lý: 9,37, Hóa: 9,10. Tuy nhiên, giấc mơ vào giảng đường đại học của em hiện đang trở nên chông chênh vì gia cảnh có quá nhiều khó khăn.

Em Nguyễn Ngọc Phước bên góc học tập.

Em Nguyễn Ngọc Phước bên góc học tập.

Gia đình em Phước có 4 người thì có đến 3 người bị khiếm thị (trừ em). Trong đó, ba em và bà nội gần như mù hoàn toàn, ông nội thì chỉ nhìn thấy được khoảng 40%. Đáng nói hơn, cô hai, chú bốn, chú út (không ở chung nhà - P.V) cũng đều bị khiếm thị, mù lòa. Căn nhà cấp 4 mà gia đình em đang ở là nhà dưới của nhà tự đường từ ông cố để lại. Ông cố em là ông Nguyễn Sanh, nguyên là dân công hỏa tuyến…

Tìm hiểu sâu về hoàn cảnh của em, lại càng thấy thương em nhiều hơn. Khi Phước lên 6 tuổi thì mẹ bỏ nhà đi biệt vô âm tín. Hai cha con em ở chung với ông bà nội già yếu trên 70 tuổi. Bà nội mù lòa không lao động, ông nội ở nhà nuôi gà, heo; còn cha em thì mù lòa hoàn toàn, hằng ngày chống gậy đi bán vé số. Sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn đó, Phước sớm xác định chỉ có con đường học vấn mới giúp em có tương lai tươi sáng, lập thân, lập nghiệp để có cơ hội chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha sau này. Vì vậy, bên cạnh việc phụ giúp ông bà, cha việc nhà, em luôn kiên trì, bền chí, nỗ lực trong học tập. Kết quả của quá trình nỗ lực không mệt mỏi ấy là trong suốt 12 năm học, em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi…

Nhận xét về em, cô Trần Thị Bích Anh, giáo viên chủ nhiệm (trường THPT Phan Bội Châu) xúc động, dành nhiều lời khen tặng: “Em Phước là một học sinh rất ngoan, hiền, có ý chí vượt khó; có ý thức tự giác và kỷ luật cao. Em luôn thân thiện, đoàn kết và hợp tác tốt với bạn bè. Đặc biệt, em có năng lực tự học, tự chủ bản thân, biết chia sẻ kết quả học tập với bạn. Điều tôi quý nhất ở em là sự nỗ lực không mệt mỏi, vượt lên hoàn cảnh gia đình để có kết quả tốt trong học tập”.

Cùng với niềm vui khi nhận giấy báo trúng tuyển vào trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng ngành Kỹ thuật Cơ điện tử, những ngày này, tâm trạng Phước ngổn ngang nhiều nỗi lo âu. Phần lo cho việc lên đường ra Đà Nẵng nhập học, bắt đầu đời sống sinh viên xa nhà; phần lo cho ông bà và cha ở quê nhà sẽ ra sao khi không có mình ở bên cạnh. Trò chuyện cùng tôi, em ngại ngùng khi bày tỏ mong ước rất mong được những tấm lòng nhân đạo, hảo tâm giúp em trong lúc ngặt nghèo này để em có điều kiện tiếp tục trên con đường học vấn để lập thân, lập nghiệp sau này. Em hứa rằng, nếu được hỗ trợ, em sẽ phấn đấu học tập thật tốt, trở thành người công dân tốt để không phụ lòng những người đã cưu mang, giúp đỡ mình…

Rời khỏi căn nhà cấp 4 nơi ông bà, cha và em đã sống bao lâu nay trong cái nắng gắt của buổi trưa một ngày đầu thu, tôi nghe lòng mình mặn chát. Ước nguyện sao cho con đường đến giảng đường của Phước bớt chông chênh, để em viết tiếp những trang đời tươi sáng hơn, để em là nguồn sáng của gia đình trong tương lai cứ theo mãi trong tôi.

Lê Văn Huân

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/chong-chenh-duong-den-giang-duong-cua-nam-sinh-nha-ngheo-hoc-gioi-post282209.html