Chông chênh đường đến giảng đường

Đỗ vào trường đại học, cao đẳng mà mình mơ ước nhưng vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên hành trình chinh phục giảng đường của các tân sinh viên còn lắm chông chênh. Hơn bao giờ hết, các em rất cần được tiếp sức đến trường để sớm vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên trong học tập...

Nỗi niềm cô sinh viên nghèo

Hồ Thị Liệu (SN 2004), ở thôn Ta Cu, xã Húc, huyện Hướng Hóa trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, ngành Thương mại điện tử. Để có tiền cho Liệu nhập học, mua sắm dụng cụ học tập, sinh hoạt, cả gia đình phải gom góp, vay mượn mới đủ. Ngày Liệu vào trường nhập học mà lòng nặng trĩu lo âu bởi ở nhà vẫn còn hai đứa em đang độ tuổi đi học, bố hay đau ốm, mẹ già yếu.

Hồ Thị Liệu say mê học tập - Ảnh: NVCC

Gia đình Liệu có đến 10 anh, chị, em và phần lớn các anh, chị đã lập gia đình, ra ở riêng, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Nhà còn bố, mẹ và ba chị em Liệu sinh sống cùng nhau. Bố của Liệu bị bệnh không làm lụng gì được nên kinh tế gia đình chủ yếu nhờ vào sự tần tảo của mẹ.

“Bây giờ em đi học vừa không giúp được mẹ làm nương rẫy vừa phải tốn nhiều khoản chi phí, ngoài ra nhà còn hai đứa em đang học lớp 6 và lớp 12 nên mẹ sẽ vất vả hơn. Khi nhận được giấy báo nhập học em vui mừng lắm nhưng nhiều hôm vẫn cứ phân vân có nên đi học tiếp hay không?

Thế nhưng được gia đình động viên nên em quyết định vào thành phố Huế nhập học. Hiện nay, em đang ở tại ký túc xá của nhà trường thuận tiện cho việc học và tiết kiệm được nhiều khoản chi phí. Em dự định trong thời gian tới sẽ kiếm việc làm thêm để có thu nhập nhằm trang trải cho việc học, sinh hoạt”, Liệu chia sẻ.

Ước mơ trở thành kiến trúc sư

Trần Trung Kiên (SN 2005), ở thôn Quật Xá, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, chuyên ngành Kiến trúc khiến gia đình rất vui mừng nhưng cũng đầy lo âu. Hoàn cảnh của Kiên khá éo le, khi em vừa tròn 1 tuổi thì bố mất, 4 anh chị em phải nương tựa vào người mẹ bị mù một mắt.

Trung Kiên chăm chỉ học tập - Ảnh: NVCC

Bà Trần Thị Bích Thọ, mẹ của Kiên năm nay đã 54 tuổi, sức khỏe yếu nhưng vẫn gắng gượng mưu sinh bằng nghề làm tăm tre cùng các hội viên Hội Người mù huyện Cam Lộ. Để nuôi các con ăn học, bà Thọ đã vay mượn nhiều nơi chỉ mong sao các con có tương lai tươi sáng hơn.

Hiện nay, kinh tế chủ yếu của gia đình Kiên đều nhờ vào mẹ và người chị gái nhưng chẳng dư giả gì. “Khi nhận được giấy báo nhập học, em đã chia sẻ ngay cùng mẹ những vất vả, lo âu trong thời gian học đại học. Mẹ cũng vui mừng lắm nhưng thoáng đượm buồn bởi khả năng lo cho em ăn học sẽ rất khó bởi cuộc sống gia đình vốn đã chật vật nhiều năm qua.

Dẫu thế, nhưng mẹ vẫn quyết cho em nhập học, các anh, chị cũng động viên khiến em vui lắm. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ lâu em đã xác định khi vào đại học sẽ vừa làm, vừa học để mẹ đỡ vất vả hơn. Chỉ mong sao việc học của em không bị gián đoạn giữa chừng vì khó khăn để em có thể theo đuổi ước mơ trở thành một kiến trúc sư trong tương lai”, Kiên tâm sự.

Theo đuổi niềm đam mê công nghệ thông tin

Mấy hôm nay, bà Dương Thị Phương, mẹ của tân sinh viên Lê Thị Diệu Mai (SN 2005), ở Khu phố 1, Phường 4, TP. Đông Hà vẫn luôn trông chờ các giấy tờ để làm thủ tục vay vốn ưu đãi dành cho sinh viên. “Tôi dự định dùng khoản vay đó để trang trải thêm cho con ăn học nếu khi tôi đau ốm dài ngày không đi làm được. Trước đây, vợ chồng tôi có cuộc sống ở mức trung bình nhưng từ khi chồng mắc chứng bệnh suy thận thì kinh tế gia đình cứ suy sụp dần.

Hơn 4 năm chạy thận cho chồng, tôi đã vay mượn nhiều nơi với số tiền khá lớn, đến nay vẫn chưa trả hết. Năm 2020, chồng mất, tôi gắng gượng làm công nhân ở một nhà máy gạch với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/ tháng. Mới đây, căn bệnh rối loạn tiền đình trở nên nghiêm trọng hơn nhưng tôi vẫn gắng gượng đi làm để con không dở dang việc học”, bà Phương cho hay.

Diệu Mai tranh thủ học bài sau những giờ làm thêm - Ảnh: NVCC

Ngày Diệu Mai nhận giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Đà Nẵng, ngành Công nghệ thông tin cả gia đình đều vui mừng khôn xiết. Bà Phương tuy khó khăn vẫn động viên con cố gắng theo đuổi ước mơ của mình để sau này có thể lập thân, lập nghiệp.

“Em vẫn còn một đứa em trai đang học lớp 12 và dự định theo học đại học vào năm sau. Ban đầu em định không đi học nữa để đi làm lo cho em ăn học, sau này mẹ có nơi nương tựa. Bây giờ, hễ nghe tin mẹ ốm đau, em lại lo lắng vô cùng. Nhưng rồi em cũng tự an ủi, động viên mình phải luôn cố gắng học tập để không phụ lại tình yêu thương và cả niềm tin, hy vọng của mẹ về tương lai tươi sáng hơn”, Diệu Mai tâm sự.

Sợ việc học đứt quãng

Nguyễn Khắc Phương Oanh (SN 2005), ở thôn Lễ Môn, xã Phong Bình, huyện Gio Linh vừa đỗ vào Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, chuyên ngành Marketing. Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng Oanh vẫn được gia đình động viên, tạo điều kiện để nhập học.

Phương Oanh rất mong được tiếp sức đến trường - Ảnh: NVCC

Oanh mồ côi bố, chỉ còn mẹ là trụ cột gia đình, vừa chăm sóc bà nội già yếu, vừa lo cho 3 chị em. Nhà chỉ có 5 sào ruộng nên mẹ Oanh phải làm thuê đủ nghề mưu sinh mới lo đủ cho cả gia đình. Kinh tế gia đình chẳng có gì dư giả nên ngày Oanh nhập học, mẹ vay mượn mãi mới đủ 20 triệu đồng để em đóng các khoản học phí, tiền trọ, dự phòng cho sinh hoạt, mua sắm dụng cụ học tập.

“Khi còn học THPT, em đã biết phụ giúp việc nhà nên mẹ đỡ vất vả hơn. Những ngày còn ở nhà, thấy mẹ lo lắng, ngược xuôi vay mượn tiền cho em nhập học mà lòng em quặn thắt. Em còn có bà nội già yếu và hai đứa em trai đang học lớp 10 và lớp 4 nên một mình mẹ mưu sinh sẽ khó lo được cho cả gia đình. Em vào nhập học nhưng lòng vẫn nặng nỗi lo, chỉ sợ việc học đứt quãng giữa chừng”, Oanh tâm sự.

Hiện nay, Phương Oanh đang có ý định xin việc làm thêm để dành dụm tiền mua chiếc máy tính cũ phục vụ cho việc học và trang trải sinh hoạt. “Em sẽ cố gắng để vừa học thật tốt, vừa làm thêm công việc phù hợp với bản thân nhằm giảm bớt gánh nặng cho mẹ. Có như vậy em mới có thể chinh phục được giảng đường còn lắm chông gai phía trước”, Oanh chia sẻ.

Phú Hải

(Còn nữa)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/chong-chenh-duong-den-giang-duong/180118.htm