Chọn việc để học và làm theo gương Bác

Bình Thuận là một trong những tỉnh có nhiều việc làm cụ thể thiết thực trong việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò truyện với Bí Thư tỉnh ủy Bình Thuận Huỳnh Văn Tí về những bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt Chỉ thị này.

Ông Huỳnh Văn Tí

PV: Ông đã từng khẳng định, học tập và làm theo gương Bác không thể học một cách chung chung, phải chọn việc để làm. Vậy Bình Thuận đã học và làm theo gương Bác như thế nào?

Ông Huỳnh Văn Tí: Nhìn từ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chúng ta đã thực hiện nhiều năm qua ở nhiều địa phương trong cả nước, cũng như tỉnh Bình Thuận, tôi đã rút ra một điều: Dù chúng ta phát động học và làm theo Bác, nhưng rất nhiều nơi vẫn học một cách hình thức, học và làm theo không phải tự nguyện khiến địa phương không có nhiều chuyển biến. Khi bước vào triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã họp bàn rất nhiều để làm sao thực hiện Chỉ thị một cách có hiệu quả. Hiệu quả không phải ở những lời nói mà sự chuyển biến về ý thức, việc làm của cán bộ, nhân dân của một đơn vị cụ thể.

Việc làm đầu tiên của cả chuỗi những việc làm để thực hiện tốt Chỉ thị là biên soạn tài liệu. Đừng bắt cán bộ, nhân dân phải đọc để rồi nhớ quá nhiều điều ghi trong tài liệu. Việc biên soạn tài liệu phải được chuẩn bị kĩ lưỡng sao cho phù hợp với từng đối tượng, từng vùng để học tập. Sau khi có những định hướng cụ thể cho từng đơn vị, các đơn vị này sẽ phải tự lựa chọn việc để làm sao cho thiết thực với tình hình thực tế của địa phương. Không thể đặt ra những mục tiêu chung chung, không đặt ra nhiều việc. Thà chọn ít việc làm cho tốt còn hơn dày đặc những mục tiêu nhưng rút cục chẳng việc làm nào trọn vẹn. Tôi đã nói với rất nhiều cấp ủy, hãy chọn những việc dễ rồi đến khó, ít rồi mới nhiều. Đã đề ra phải làm cho được rồi mới làm những việc khác cao hơn. Nếu không làm được nhân dân sẽ đánh giá rằng mình nói suông.

Vậy những việc "ít” và "dễ” mà các đơn vị ở Bình Thuận đã làm là việc gì. Nếu chọn những công việc quá dễ không trúng vào nhiệm vụ cần nhanh chóng giải quyết có phải việc học tập và làm theo gương Bác đã chệch hướng, thưa ông?

- Chọn việc để làm nhưng dù đó là việc dễ hay khó cũng phải liên quan đến những vấn đề bức xúc, kéo dài, làm người dân than phiền ở địa phương. Có rất nhiều việc mà nhân dân than phiền chẳng hạn, cán bộ tiếp dân không đến nơi đến chốn, thái độ đối xử không đúng mực với người dân, đơn thư tồn đọng kéo dài... Trong những nguyên nhân gây bức xúc kia, mỗi địa phương phải chọn việc để làm. Có thể chọn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với nhân dân, tận tụy với việc được giao. Cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt phát ngôn phải đi vào kỷ luật, giờ giấc làm việc phải nghiêm, phong cách phải gần dân. Đã là cán bộ địa bàn phải nắm chắc tình hình ở đó, đừng để người dân kiện vượt cấp mà mình chưa hề biết chuyện gì đã xảy ra.

Nói dễ làm không dễ. Nếu cán bộ, đảng viên trên địa bàn dù đã đăng ký sẽ học tập và làm theo gương Bác một cách tích cực thông qua việc giải quyết những việc cụ thể, nhưng làm thế nào để kiểm soát cán bộ có học và làm thật, thưa ông?

- Không sợ cán bộ không học thật và không làm thật vì luôn có sự kiểm tra chéo lẫn nhau giữa các đơn vị. Chẳng hạn, sau khi lựa chọn nội dung công việc mình sẽ triển khai trong thời gian tới sẽ ban hành một nghị quyết. Nếu trong nghị quyết nói là tới ngày này anh phải hoàn thành việc a thì đúng ngày đó anh phải hoàn thành. Nếu đến ngày đó chưa hoàn thành sẽ ngay lập tức thông báo toàn hệ thống. 3 lần thông báo như vậy sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi đua của anh trong năm đó. Hiện Bình Thuận không còn đánh giá thi đua theo kiểu ai cũng "hoàn thành nhiệm vụ” như trước đây vẫn xét. Có người hoàn thành xuất sắc, có người hoàn thành nhiệm vụ nhưng cũng có người không hoàn thành nhiệm vụ. Cán bộ mà không hoàn thành nhiệm vụ chắc chắn mức xử lý không hề nhỏ. Trong năm 2012, xét theo các tiêu chí tôi nói ở trên đã có 5 ông thủ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ.

Thưa ông, cần làm gì và làm thế nào để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không hình thức và trở thành nề nếp thường xuyên trong mỗi cán bộ đảng viên?

Đã là công bộc hưởng lương từ sự đóng góp của nhân dân phải tận tụy với nhân dân. Cán bộ lúc nào cũng phải hỏi muốn tận tụy phục vụ nhân dân thì phải làm gì? Không cần làm những việc cao siêu, chỉ cần là việc nhỏ nhưng thiết thực và phải quyết tâm làm bằng được. Thực tế qua 1 năm quyết tâm đẩy mạnh việc học tập và làm theo gương Bác theo Chỉ thị 03 đã có nhiều việc làm thiết thực tại địa phương xuất hiện. Đã có không ít đơn vị trong tỉnh cải tiến lề lối làm việc. Hiện ở một số đơn vị trên địa bàn người dân sau khi làm xong chứng minh nhân dân không cần đến cơ quan công quyền mà được trả về tận nhà. Hay việc ở nhiều địa phương HĐND đã lập tổ giám sát việc giải quyết hồ sơ của người dân. Qua thanh kiểm tra cho thấy, không có hồ sơ nào trễ hẹn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lục Bình (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=65068&menu=1371&style=1