Chọn trường mầm non cho con: Công nhân trăn trở đủ đường

Không có hộ khẩu Hà Nội, con chưa đủ 36 tháng tuổi hay nhà không có ông bà ở cùng… là nguyên nhân chính khiến nhiều phụ huynh làm công nhân, nhân viên văn phòng thu nhập thấp phải chấp nhận gửi con ở trường tư, khi tiền học của con chiếm phần khá lớn khoản thu của bố mẹ.

Nỗi lo “hợp lý và an toàn”

Câu chuyện chọn trường học công lập hay tư thục cho trẻ mầm non đã không còn quá mới mẻ với những phụ huynh sinh sống và làm việc ở các thành phố lớn như Hà Nội. Nhiều năm qua, đến hẹn lại lên, đầu năm học mới khi các con tới trường cũng là lúc các ông bố, bà mẹ có mức thu nhập thấpmới hoàn tất cuộc đua tìm kiếm một địa chỉgửi con đảm bảo “gần nhà, giá cả hợp lý và an toàn”.

Nhiều phụ huynh có 2 con học mầm non, thu nhập không đủ chi cho con đi học.

Vợ chồng chị Nguyễn Hồng Minh (27 tuổi, quê Nam Định) hiện cùng làm việc tại KCN vừa và nhỏ Từ Liêm thở phào nhẹ nhõm khi cậu con trai 17 tháng tuổi đã hòa nhập được với bạn bè trong lớp. Kể về quá trình trước khi cho con đi học, chị Minh tâm sự: “Sau khi sinh, tôi đã phải nghỉ việc để hai mẹ con ở nhà trông nhau, thu nhập trong gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào đồng lương văn phòng của chồng, nhiều lúc rất túng thiếu”.

Do hai vợ chồng phải tự lực về kinh tế nên chị Minh đã không thể kéo dài hơn quá trình ngồi ở nhà trông con. Khi con trai tròn 15 tháng tuổi, chị đã quyết định gửi con đi trẻđể mẹ còn phải đi kiếm tiền. “Thời gian đầu chúng tôi phải nhờ ông ngoại ở dưới quê lên, sáng đưa đi chiều đón cháu về sớm. Nhà cửa thuê khá chật chội, lúc ông ngoại còn ở trên này gia đình cứ phải thay nhau người nằm trên giường, người nằm dưới đất”- chị Minh nhớ lại quãng thời gian con mới đi học.

Ngoài nỗi lo về tiền bạc, chị Minh cũng như nhiều bà mẹ khác luôn sợ hãi việc chọn nhầm trường cho con, nhất là khi dư luận đã nhiều lần chứng kiến những câu chuyện bạo hành trẻ mầm non xảy ra ở trường tư hoặc nhóm nhà trẻ tư.

Nói về vấn đề này, chị Minh chia sẻ: “Thời gian đầu mới đi học, gần 20 bé thì con mình nhỏ nhất lớp, bé khóc rền khản cả tiếng đến mức không nói được khiến tôi sốt ruột lắm, ăn không ngon ngủ không yên. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, đi thuê trọ nên biết làm sao được, phải chấp nhận và khắc phục dần dần thôi”.

Để có được chỗ học đúng ý cho con, vị phụ huynh này đã phải tìm hiểu kỹ càng thông tin từ những hàng xóm xung quanh có con theo học tại trường mầm non tư thục. Hiện tại, con trai chị Minh học trường mầm non tư gần nhà với giá 1,4 triệu đồng/tháng, trong đó học phí 700.000 đồng, tiền ăn 20.000 đồng/bữa, tiền giữ thêm ngoài giờ là 10.000 đồng/1 giờ.

Chị Nguyễn Thị Thúy Đào (phường Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) có 2 con nhỏ, đứa lớn 6 tuổi và đứa nhỏ hơn 2 tuổi. Mặc dù có hộ khẩu thành phố, song chỉ đứa lớn được học trường công còn đứa nhỏ do chưa đủ 36 tháng tuổi nên vẫn phải gửi trường tư. “Mọi năm, trường công có lớp cho trẻ 2,5 tuổi nhưng năm nay tôi nghe mọi người nói vì Đề án phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh ở các trường tư dồn hết về đây dẫn đến quá tải, nhà trường không thể mở thêm lớp cho các bé nhóm tuổi thấp hơn”, chị Đào tiếc nuối cho biết.

Bà mẹ 2 con cũng tâm sự thêm, trước đây học phí của đứa lớn ở trường tư xấp xỉ 1,5 triệu đồng, còn hiện tại đứa nhỏ là 2 triệu đồng, bao gồm cả tiền ăn đã khiến gia đình thỉnh thoảng gặp khó khăn về tài chính. Ông bà lại không sống cùng nên một thời gian dài chị Đào phải ở nhà chăm con, gần đây mới đi làm lại nên thu nhập của mẹ không đủ chi tiền học cho con.

Do đó, về lâu dài chị Đào vẫn xác định: “Cũng như chị gái, khi nào bé thứ hai đủ tuổi vào trường công tôi sẽ đăng ký cho cháu học”. Lý do chị Đào đưa ra là môi trường công lập dễ chịu hơn về mọi thứ hơn, ngoài vấn đề học phí phù hợp thì trường công mang lại cho phụ huynh cảm giác an toàn hơn. Học sinh có phần bạo dạn hơn, được giao tiếp và được hoạt động nhiều so với môi trường chật hẹp của trường tư, đặc biệt các bé phải tự lập nên nhiều tiến bộ hơn.

Bàn thêm cảm giác an toàn ở môi trường học, chị Đào kể: “Trước khi cho con đi học, tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghe ngóng xem môi trường nào ổn hơn. Thời gian đầu, buổi sáng đưa con lên muộn hơn một chút, buổi chiều đón sớm hơn để con thích nghi từ từ và quan sát các cô.Cũng may, những trường hợp bạo hành như trên mạng tại trường con tôi chưa có, Sau một thời gian tiếp xúc, cảm thấy tin tưởng với các cô, đồng thời thấy con mình về nhà không có vấn đề gì tôi mới yên tâm được”.

Gỡ rối cùng phụ huynh

Đánh giá về tình trạng trên, bà Nguyễn Thị Hiếu- Phó Vụ trưởng (Vụ Giáo dục Mầm non- Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển nhanh, nhất là ở các thành phố, thị xã, khu đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) đã góp phần làm giảm tình trạng quá tải trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Tuy nhiên, do tình trạng tăng dân số cơ học ở các địa phương có nhiều KCN, KCX, khu đô thị nên nhu cầu gửi trẻ ở độ tuổi mầm non, nhất là độ tuổi nhà trẻ (dưới 36 tháng tuổi) ngày càng tăng. Trong khi điều kiện của các trường mầm non công lập không đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ dưới 36 tháng tuổi, vì yêu cầu cao về định biên giáo viên/lớp, số trẻ trên lớp. Do đó, việc gửi trẻ tại các nhóm trẻ tư thục là lựa chọn thích hợp đối với phụ huynh. Các nhóm lớp này nằm trong các khu dân cư, thời gian giữ trẻ linh hoạt phù hợp bố mẹ làm theo ca, tiện đưa đón...".

Bà Nguyễn Thị Hiếu thông tin thêm, thời gian qua để giải quyết tình trạng trên ngành giáo dục và đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu KCN, KCX đến 2020” theo Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cũng như đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/5/2015 về việc thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các KCN, KCX.

Cụ thể, ngành giáo dục đã tích cực bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về chăm sóc, giáo dục trẻ cho người chăm sóc trẻ ở các nhóm lớp mầm non tư thục ở khu vực KCN, KCX. Đồng thời yêu cầu các địa phương cần quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng nhu cầu tới trường của trẻ, phù hợp với điều kiện của địa phương; tích cực tham mưu ban hành các chính sách đặc thù của địa phương, để phát triển mạng lưới trường lớp, đặc biệt là ở các khu đông dân cư, KCN; khuyến khích phát triển giáo dục mầm non theo hướng xã hội hóa đáp ứng nhu cầu tới trường của trẻ, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Tính đến nay, nhiều địa phương đã có chính sách, giải pháp riêng, có các mô hình phối hợp hỗ trợ, quản lý giáo dục mầm non ngoài công lập tốt như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Long An, Bình Phước...

“Riêng trong năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp các ban ngành chức năng kiểm tra nắm tình hình tại một số tỉnh và sơ kết 2 năm thực hiện chỉ thị của Thủ Tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các KCN, KCX để từ đó có các giải pháp hiệu quả hơn”, bà Hiếu cho biết.

Mai Phương

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chon-truong-mam-non-cho-con-cong-nhan-tran-tro-du-duong-59708.html