Chọn phương án ưu thế về môi trường

Tiếp nhận xưởng phát điện đầu tiên tại Cửa Cấm (Hải Phòng) với công suất đặt 5,5MW sử dụng than Hòn Gai được xây dựng từ năm 1894, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong giai đoạn 1956-1958, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng thêm 3 nhà máy nhiệt điện than tại Vinh (8MW), Thanh Hóa (6MW) và Lào Cai (8MW) và theo sự phát triển không ngừng của hệ thống điện Việt Nam, hàng chục nhà máy nhiệt điện than được EVN xây dựng và quản lý vận hành an toàn, hiệu quả với trình độ khoa học và công nghệ không ngừng được nâng lên, đặc biệt, đảm bảo các tiêu chí về môi trường trong quá trình thực hiện dự án và vận hành sản xuất điện. Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 cũng là một trong các Dự án được triển khai thể hiện sự nỗ lực của EVN.

Màn hình hiển thị thông số kiểm soát khí thải tại nhà máy nhiệt điện Duyên Hải.

Tuân thủ nghiêm ngặt

Quan sát tại Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 cho thấy, nước mưa chảy tràn tại các khu vực trong nhà máy được thiết kế hệ thống thu gom, từ khu vực bãi than, cảng nhập than; xử lý nước thải công nghiệp của nhà máy được qua các công đoạn: Nước thải - Bể chứa - Bể trung hòa - Bể điều chỉnh pH - Bể khuấy trộn - Bể keo tụ - Bể lắng - Bể lọc - Bể chứa - Tái sử dụng cho các mục đích phục vụ bãi xỉ/tưới ẩm kho than… với công suất dây chuyền xử lý đạt 200m 3 /h, trong đó, 1 dây chuyền vận hành, 1 dây chuyền dự phòng; nước thải sinh hoạt của nhà máy được thiết kế, lắp đặt dây chuyền xử lý 240m 3 /ngày-đêm cũng với 1 dây chuyền vận hành, 1 dây chuyền dự phòng.

Tại khu vực cửa xả nước làm mát trước khi thải ra biển có vị trí thuận lợi để giám sát trực quan và có thể tiến hành lấy mẫu, phân tích chất lượng nước một cách khách quan. Nước biển sau khi làm mát bình ngưng của tuabin hơi được dẫn trong kênh tuần hoàn có chiều dài phù hợp để hạ nhiệt độ nước, đảm bảo khi đưa trở lại biển có nhiệt độ dưới 40 độ C theo quy định (theo số liệu đo đạc, giám sát liên tục, tự động và định kỳ về nhiệt độ nước làm mát tại một số vị trí của kênh xả thì giá trị nhiệt độ thực tế dao động từ 31,8 độ C đến 37 độ C). Nước biển sau quá trình khử SO 2 của khí thải lò hơi được xử lý đảm bảo các chỉ tiêu theo quy định khi đưa trở lại biển.

Theo kết quả phân tích của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (QUATEST 3) thì tro, xỉ của NMNĐ Duyên Hải 1 chỉ là chất thải rắn công nghiệp thông thường. Vì vậy, hệ thống thải tro, xỉ của NMNĐ Duyên Hải 1 được thiết kế theo công nghệ thải tro, xỉ khô. Tro bay được thu gom trong nhà máy, đưa ra 3 silo tro bay bằng hệ thống đường ống khí nén; chiều dài đường ống từ nhà máy đến bãi xỉ dài khoảng 1,7 km. Sau đó, tro và xỉ được vận chuyển từ silo ra bãi thải xỉ bằng xe tải kín chuyên dụng. Tại silo, trước khi xả tro, xỉ xuống xe để vận chuyển ra bãi xỉ thì tro, xỉ được phun nước tạo ẩm (15-20%) và phủ kín để hạn chế tối đa việc tro, bụi phát tán ra ngoài môi trường. Bên cạnh đó, bãi thải xỉ được phân chia thành các ô, được lu lèn và thường xuyên phun nước, tạo ẩm để tránh tro, xỉ phát tán ra môi trường xung quanh. Tro, xỉ sau khi được lu, lèn đạt đến độ cao cho phép sẽ triển khai phun với hỗn hợp tro xỉ và vữa xi măng để phủ kín bề mặt.

Kết quả phân tích, giám sát định kỳ cho thấy, nồng độ bụi, SOx, NOx tại miệng ống khói NMNĐ Duyên Hải 1 đều đạt QCVN 22:2009 về khí thải các nhà máy nhiệt điện.

NMNĐ Duyên Hải 1 đã đầu tư, lắp đặt đưa vào vận hành hệ thống thiết bị giám sát liên tục tự động khí thải (CEMS) để giám sát tự động, liên tục các thông số bụi và khí thải (NOx, SO2, CO) trong quá trình vận hành, đồng thời thực hiện lưu trữ, báo cáo số liệu đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh đúng theo yêu cầu. Hiện, đang thiết lập đường truyền để truyền tín hiệu online các thông số phát thải đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh để phối hợp giám sát phát thải trực tuyến.

Hệ thống xử lý nước thải cũng đã vận hành ổn định. NMNĐ Duyên Hải 1 thực hiện giám sát chất lượng nước định kỳ, các thông số xả thải đều nằm trong giới hạn cho phép. Kết quả giám sát tháng 10-2016 cho thấy: tất cả các chỉ tiêu đều nằm dưới ngưỡng cho phép của QCVN 40:2011; nước làm mát đạt 31,8 độ C tại điểm hòa nhập với nguồn tiếp nhận (ngưỡng cho phép <40 độ="" c);="" không="" phát="" hiện="" có="" dầu="" mỡ="" khoáng="" trong="" nước="" thải;="" các="" chỉ="" tiêu="" chất="" rắn="" lơ="" lửng,="" bod5,="" cod,="" tổng="" n,="" tổng="" p="" ở="" mức="" thấp.="">

Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải 1 Âu Nguyễn Đình Thảo cho biết, rác thải sinh hoạt của nhà máy được hợp đồng thu gom, vận chuyển xử lý theo quy định. Chất thải rắn chủ yếu của nhà máy là tro, xỉ (ước tính khoảng 105.000 tấn/tháng). Ngoài ra, hoạt động sản xuất của nhà máy cũng phát sinh một số loại chất thải nguy hại (CTNH) như giẻ lau dính dầu, mỡ, pin, ắc quy thải… cũng đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh cấp sổ đăng ký chủ nguồn CTNH. Theo đó, CTNH được lưu trữ tạm trong kho, hợp đồng với đơn vị đủ chức năng vận chuyển và xử lý đúng theo quy định. Do nhà máy mới vận hành nên trong năm 2016 nhà máy chỉ phát sinh dưới 100 kg chất thải nguy hại gồm: dầu thải, giẻ lau nhiễm dầu, các vỏ thùng sơn. Công ty Nhiệt điện Duyên Hải đã thuê công ty TNHH MTV Việt Xanh vận chuyển và thuê Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh xử lý.

Bãi xỉ của NMNĐ Duyên Hải 1 có diện tích là 31 ha, dự kiến chứa tro, xỉ vận hành ở chế độ đầy tải khoảng 2,5 năm. Để kiểm soát vấn đề môi trường tại bãi xỉ, NMNĐ Duyên Hải 1 đã thiết kế chống thấm, có đê quây nhằm tránh ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm trong khu vực; lắp đặt đường ống phun nước tự động trên bề mặt nhằm tạo ẩm, tránh phát tán bụi từ bãi xỉ vào môi trường không khí; trồng cây quanh khu vực, hạn chế tác nhân gây phát sinh bụi từ bãi tro, xỉ và sử dụng vận chuyển tro, xỉ từ silô ra bãi xỉ là xe chuyên dụng kín.

Thực hiện Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 282/QĐ-BXD ngày 30-3-2016 phê duyệt danh mục nhiệm vụ và kế hoạch phân bố kinh phí thực hiện chương trình khoa học công nghệ trọng điểm “Nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng sử dụng tro, xỉ, thạch cao đã qua xử lý từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón và các cơ sở công nghiệp phát thải khác”, trong đó có nhiệm vụ “Sử dụng tro xỉ nhiệt điện trong công nghệ san lấp để tôn tạo và gia cố nền cho công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật” do Viện Khoa học công nghệ xây dựng thực hiện.

Tổng công ty Phát điện 1 đã và đang tích cực triển khai các hoạt động nhằm tìm kiếm khả năng tái sử dụng tro. Theo đó, đã ký hợp đồng mua bán tro, xỉ với 3 doanh nghiệp (Liên danh Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật và Thương mại Hoàng Quý với Công ty cổ phần Việt Long; Công ty TNHH Hoàng Sơn; Doanh nghiệp tư nhân sản xuất - thương mại Nguyễn Trình) về tiêu thụ tro xỉ của NMNĐ Duyên Hải 1 với số lượng khoảng 1.620.000 tấn/năm; ký hợp đồng nguyên tắc và các văn bản tương đương với 6 đối tác (Công ty TNHH Lục bảo Mê Kông, Công ty TNHH Phúc An Khang, Công ty TNHH SX TM DV VT Quán Anh, Công ty Cổ phần Ecocim, Công ty TNHH ĐT TM VT Nam Cường, Liên doanh Đất Việt Phương Nam - Anh Tuấn) về việc mua bán tro, xỉ; tiếp cận 19 doanh nghiệp, đơn vị để đến lấy mẫu tro, xỉ phục vụ mục đích thử nghiệm. Tổng lượng tro, xỉ được thử nghiệm và làm vật liệu đến thời điểm tháng 8-2016 của NMNĐ Duyên Hải 1 là khoảng 37.000 tấn.

Công ty nhiệt điện Duyên Hải 1 cũng đã có văn bản (số 0141/NĐDH-AT 25-1-2016) gửi UBND tỉnh Trà Vinh; Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh để xin phép sử dụng tro, xỉ của Công ty san lấp mặt bằng. Tại văn bản số 367/TCMT-TĐ, Tổng Cục Môi trường đã cho phép tận dụng xỉ than của các NMNĐ Vĩnh Tân và Duyên Hải để san lấp mặt bằng Khu công nghiệp Ông Kèo - tỉnh Đồng Nai.

Thay đổi bằng phương án tối ưu

Trung tâm Điện lực Duyên Hải gồm 04 dự án NMNĐ, gồm: Duyên Hải 1 (2x622,5 MW), Duyên Hải 2 (2x600 MW), Duyên Hải 3 (2x622,5 MW), Duyên Hải 3 mở rộng (1x688 MW) với tổng công suất 4.378 MW. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt phương án thải xỉ khô trong ĐTM cho 3/4 dự án (Duyên Hải 2, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng). Riêng đối với dự án Duyên Hải 1 (là dự án đầu tiên triển khai xây dựng ở Trung tâm Điện lực Duyên Hải) phương án thải tro, xỉ được phê duyệt trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự là thải xỉ ướt (Quyết định phê duyệt ĐTM số số 2522/QĐ-BTNMT ngày 29-12-2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cho thấy phương án này không phù hợp với điều kiện, đặc điểm thực tế tại địa điểm xây dựng NMNĐ, như: Nguồn nước ngọt cấp cho nhà máy lấy từ Kênh 3/2 (cách khoảng 20km), không cung cấp đủ nguồn nước ngọt, hàng năm kênh này bị nhiễm mặn khoảng 3 tháng; khu vực quy hoạch bãi thải xỉ cho NMNĐ Duyên Hải 1 là khu vực ven biển, địa điểm này không có địa hình thuận lợi để xây dựng hồ thải xỉ ướt (tạo hồ xỉ ven biển là việc khó khăn, gây rủi ro cao về mặt môi trường).

Hệ thống phun sương chống bụi tại khu vực chứa xỉ thải của nhà máy nhiệt điện Duyên Hải.

Do đó, trong quá trình thực hiện dự án Chủ đầu tư đã phải thay đổi phương án thải xỉ thành thải xỉ khô.

Về việc này, Ban QLDA Nhiệt điện 3 thuộc Tổng công ty Phát điện 1 đã báo cáo Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường (văn bản số 2775/ANĐ3-KT ngày 23-12-2015) và Tổng cục Môi trường đã xem xét, chấp thuận (văn bản 171/TCMT-TĐ ngày 26-1-2016). Sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu chưa thực hiện văn bản của Tổng cục Môi trường để xem xét thêm. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã cử nhiều đoàn công tác vào thẩm tra tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải (đợt gần nhất là ngày 22-9-2016). Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang tiếp tục báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này.

Từ năm 2000 trở lại đây, phương pháp thải xỉ khô đã được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Úc, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Phương pháp thải xỉ khô được đánh giá là một trong những biện pháp tiết kiệm tài nguyên nước và năng lượng so với phương pháp thải xỉ ướt và là một giải pháp để thúc đẩy quá trình tái sử dụng tro, xỉ trên thế giới hiện nay với những ưu điểm: Tiết kiệm nước ngọt cho quá trình vận hành hệ thống thải, lưu giữ tại bãi xỉ; hiệu quả cao hơn trong việc sử dụng đất cho lưu giữ tro, xỉ (phương pháp thải tro, xỉ ướt sử dụng hồ thải xỉ, luôn phải duy trì nước ngập bề mặt tro, xỉ trong khi phương pháp thải tro, xỉ khô có thể chất thành đống cao để lưu giữ (+8m so với mặt bằng khu vực trong trường hợp NMNĐ Duyên Hải 1); tro, xỉ lưu trữ khô sẽ thuận tiện và tiết kiệm chi phí cho việc tái sử dụng.

Đối với Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, ngoài lợi ích kinh tế như, tiết kiệm nước ngọt trong quá trình vận hành hệ thống thải và lưu giữ tại bãi; tro xỉ thải và lưu trữ khô thuận tiện, dễ dàng, tiết kiệm chi phí hơn phương pháp thải ướt khi tái sử dụng cho giai đoạn tiếp theo, thì ưu thế về môi trường là cốt lõi khiến GENCO 1 lựa chọn phương án thải tro, xỉ khô áp dụng cho Nhà máy.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh Nguyễn Hữu Thảo cho biết, ngay từ khi Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 được triển khai thi công, Chính quyền địa phương và các Sở, Ban ngành chức năng đã rất quan tâm giám sát công tác môi trường. Tỉnh Trà Vinh đã thành lập tổ môi trường, do Giám đốc Sở TN và MT làm tổ trưởng, thường xuyên kiểm tra công trường. Để có thêm kiến thức về giám sát môi trường, các cán bộ tham gia tổ môi trường đã được đi học tập kinh nghiệm từ các Dự án thực hiện tốt công tác môi trường. Tổ môi trường cũng có nhiệm vụ thu nhận ý kiến của người dân. Từ khi Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 bắt đầu vào vận hành đến nay, vấn đề môi trường rất tốt, không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Ông Nguyễn Hữu Thảo cũng cho biết, qua thực tế cho thấy, hệ thống bảo vệ môi trường của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 được thiết kế và vận hành đảm bảo hiệu quả về mặt xử lý môi trường, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế. Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 đã có rất nhiều nỗ lực trong việc nghiên cứu đưa hệ thống thiết bị khử bụi tĩnh điện ngay từ giai đoạn khởi động nhà máy, nhằm khắc phục tình trạng “khói đen” khi tải thấp đã xảy ra ở các dự án trước đây. Việc thay đối phương án thải tro, xỉ của Nhà máy so với Báo cáo Đánh giá tác động môi trường nhằm mục đích đem lại lợi ích tốt nhất về môi trường cho cộng đồng và xã hội.

Ông Võ Hoàng Trung là một người dân ở xã Dân Thành- huyện Duyên Hải- tỉnh Trà Vinh cũng cho biết, ông sống ở khu vực này từ khi chưa có các nhà máy nhiệt điện, đến khi Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 đi vào vận hành, bản thân ông và những người dân sống nơi đây không thấy những ảnh hưởng về môi trường từ hoạt động sản xuất của Nhà máy gây ra như bụi, nước thải. Theo ông Võ Hoàng Trung, điều mà ông và người dân sống xung quanh khu vực Nhà máy nhận thấy rõ nhất là đời sống của người dân được nâng cao do công ăn việc làm ổn định và tốt hơn, an sinh xã hội được hỗ trợ. Hầu hết các hộ dân sống gần Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, trước đây đều làm nông nghiệp thuần túy, nay đã chuyển sang ngành nghề dịch vụ rất chuyên nghiệp.

Khi được hỏi, người dân sống xung quanh khu vực Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 có ý kiến phản ánh về ảnh hưởng môi trường từ việc sản xuất của Nhà máy điện thì ông Võ Hoàng Trung trả lời ngắn gọi: “Tôi và những người dân ở đây chưa hề có ý kiến gì. Phản ánh từ đâu chúng tôi không rõ”.

Thanh Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/852517/chon-phuong-an-uu-the-ve-moi-truong