Chọn đối tác làm ăn là chọn mặt gửi vàng

Bạn sẽ mất rất nhiều tiền, nhiều thời gian và công sức nếu chẳng may lựa chọn sai đối tác làm ăn. Dù đó chỉ là đối tác mang tính chiến thuật để giải quyết tình huống ngắn hạn, hay đối tác chiến lược cùng hội, cùng thuyền, bạn vẫn có thể rơi vào những tình huống bực bội, rắc rối, thậm chí còn vướng cả vào chuyện kiện tụng và tranh chấp.

Vậy đâu là những tiêu chí, cách thức và những điều đáng quan tâm đúng mức để tránh sai lầm khi chọn đối tác làm ăn, nhất là khi bạn mới bắt đầu khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp đang cần sự hỗ trợ lúc khó khăn?

Trả lời thấu đáo bốn câu hỏi

Trước tiên bạn cần nhớ bốn câu hỏi cơ bản sau đây:

1. Bạn cần đối tác trong lĩnh vực gì? Việc gì?

2. Bao giờ bắt đầu cần sự hợp tác đó?

3. Nên hợp tác với ai? Hay với công ty nào?

4. Hợp tác như thế nào để đạt kết quả tốt?

Bạn nên viết ra giấy và suy ngẫm về bốn câu hỏi này một cách thuần lý. Tránh vì cảm xúc thấy cần hợp tác với người này mà bỏ qua việc tìm hiểu họ một cách thấu đáo.

Tránh “vì người tìm việc mà nên vì việc tìm người”. Các doanh nghiệp Nhật thường tìm hiểu đối tác lâu dài - đã được đưa vào tầm ngắm trong danh sách ưu tiên lựa chọn (short list), hay còn gọi là đã lọt vào vòng bán kết - thông qua ít nhất 10 đối tượng đã gần gũi, đã từng làm việc chung hay hiểu biết khá thấu đáo về đối tác đó. Người Do Thái hợp tác ba tháng mà không có kết quả như ý là chấm dứt hợp tác, xem như chuyện bình thường thuộc về phong tục, tập quán.

Tám tiêu chí không thể bỏ qua

Dựa theo sự phân loại của Michael Porter, đối tác thuộc nhóm các hoạt động chính phải có uy tín và tiềm lực nói chung, dù là đầu tư kinh doanh hay đầu tư tài chính. Đối tác thuộc nhóm hỗ trợ phải thật sự bổ ích và bổ sung cho doanh nghiệp của bạn. Sử dụng thuê ngoài (outsoursing), một phần hay tất cả, cũng là một sự lựa chọn.

Nhìn chung, việc xem xét đến tám tiêu chí sau đây rất quan trọng:

1. Đánh giá bối cảnh của đối tác về nhiều mặt, xem họ có thể toàn tâm toàn trí và đủ điều kiện để hợp tác thành công hay không.

2. Xem xét đến sự ổn định của đối tác. Nếu đối tác là cá nhân, nên chú ý tìm hiểu về thời gian làm việc, tài chính và cuộc sống riêng tư có ổn định không.

3. Đánh giá những khả năng bổ sung và đóng góp hiệu quả của đối tác.

4. Tìm hiểu xem đối tác có hiểu và có thể chia sẻ tầm nhìn và mục tiêu của bạn hay không.

5. Đánh giá khả năng tương thích (ý tưởng và lý tưởng, quan điểm và thái độ ứng xử) của đối tác với doanh nghiệp của bạn.

6. Đối tác không được có xung đột lợi ích với bạn, nếu không doanh nghiệp bạn sẽ rơi vào cảnh trao thân lầm tướng cướp/sở khanh hoặc chẳng khác chi việc giao trứng cho ác!

7. Đừng quên xét đến tư cách, sự liêm chính và đạo đức. Điều này rất quan trọng.

8. Tiêu chí cuối, nhưng chưa là cuối cùng: Bạn có thích hợp tác với họ hay không?

Xét về tổng thể, có thể suy ngẫm câu nói của Martin Luther King Jr rằng không có gì nguy hiểm hơn sự dốt nát chân thành và sự ngu ngốc tận tâm!

Những tiêu chí trên đây giúp tránh được các bẫy cảm xúc, các bẫy ngôn ngữ và những cái bẫy hào nhoáng có thể làm mờ mắt chúng ta.

Cách thức

Có thể chỉ có một nguyên tắc cho một vấn đề nào đó, nhưng luôn luôn có nhiều cách thức khác nhau để xử lý vấn đề.

Có nguyên tắc quản trị và có nghệ thuật quản trị. Vậy, để bổ sung cho các tiêu chí nêu trên, bạn và doanh nghiệp của bạn cần khảo sát, đánh giá, chọn lọc và đàm phán thật tốt. Dẫu cái “duyên” đã đưa bạn và đối tác gặp nhau, nhưng cách chọn lọc ít nhất một trong ba đối tác vẫn là một nguyên tắc vàng, vì bạn thường có ba cơ duyên mà do cảm xúc lấn át có thể bạn chỉ mới thấy một.

Chọn cá nhân thì người ấy phải được bạn thích và tin

Chọn công ty thì bạn nên chú ý hệ thống tổ chức của họ (thí dụ hệ thống phân phối, ê kíp lãnh đạo...), sự cộng hưởng về thương hiệu nhiều như có thể và nhất là văn hóa doanh nghiệp của đối tác. Văn hóa ấy gồm cả phần hồn chứ không chỉ là phần xác của hình thức bên ngoài. Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng của các trụ cột quản trị.

Bạn dùng cách thức gì cũng được, cũng có thể đặt niềm tin chọn lựa đúng vào cảm xúc, chỉ xin lưu ý nên rà soát lại bảng điểm các tiêu chí nêu trên để so sánh các khả năng được lựa chọn và phải có những ràng buộc rõ ràng về pháp lý.

Lựa chọn đối tác làm ăn cũng tựa như chọn bạn, chọn vợ, chọn chồng, nên phải rất kỹ lưỡng. Bạn không nhất thiết phải đứng ở vị trí của kẻ mạnh, thế mạnh hay phải ra uy gì cả. Sự hợp tác sẽ thành công nếu dám và có thể chẳng ngần ngại nói thẳng, nói thật với nhau, dám và có thể chẳng phải rào trước đón sau khi đưa ra ý kiến khác biệt nhau. Hãy lấy sự đồng thuận làm kim chỉ nam. Những gì chưa nhất trí với nhau thì không nên vội vã làm.

Cách thức lựa chọn đối tác liên danh, liên doanh, liên kết hay mua bán sáp nhập (M&A) cần có thêm các phân tích sâu hơn, các so sánh khoa học hơn để tránh sai lầm. Xin bạn đừng quên là sự lựa chọn đối tác cho công ty của bạn là nhằm tối đa hóa giá trị doanh nghiệp, có những tầm nhìn chiến lược về cùng một phía. Bạn cần phải chọn đúng đối tác nghiêm túc, hòa hợp nằm trong chuỗi giá trị của chính doanh nghiệp hay của bạn.

“Hợp tác thử” với nhau trong một vài việc hay dự án nhỏ ngắn hạn để hiểu nhau hơn, cũng là một cách rất nên làm. Có hạp trong chuyện nhỏ mới cùng nhau làm chuyện lớn hơn được.

Bạn cũng nên lường trước mọi tình huống có thể xảy ra trong quá trình hợp tác thử, để có biện pháp phòng hộ khi có chuyển biến xấu.

Những điều đáng chú ý

Xin bạn đừng bao giờ quên rằng dù chi phí thay đổi đối tác không là một danh mục trong bảng cân đối tài chính, nhưng đó là một khoản tiền không nhỏ, chưa kể sẽ còn phải cộng thêm bao thiệt hại dây chuyền và bao rắc rối khác.

Chọn đối tác làm ăn là chọn mặt gửi vàng.

Cần phải biết điều, sòng phẳng, chơi đẹp và trung thực, trung thành với nhau, vì bạn và họ bình đẳng và độc lập với nhau.

Xin bạn lưu ý đặc biệt điều này, đừng bao giờ đánh mất quyền kiểm soát vào tay đối tác. Hay nói một cách khác, hãy để mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát của bạn càng nhiều càng tốt, nhất là những mắt xích quan trọng của việc hợp tác.

Nguyễn Thanh Lâm

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/165689/chon-doi-tac-lam-an-la-chon-mat-gui-vang.html