Chọi trâu - nét văn hóa độc đáo ở Hà Giang

Giải Chọi Trâu hạng B lần thứ nhất được tổ chức tại xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang không chỉ nhằm duy trì nét văn hóa độc đáo của địa phương mà còn làm phong phú đời sống tinh thần, tăng tính đoàn kết trong nhân dân, từ đó tạo động lực cho bà con hăng say lao động sản xuất.

32 "võ sĩ" đến từ các xã trong huyện Vị Xuyên và một số huyện lân cận tham gia giải đấu sẽ phải trải qua 5 vòng đấu để chọn ra 1 cặp cuối cùng lọt vào vòng chung kết. Đây đa phần là những chú trâu vẫn hàng ngày tham gia sản xuất nông nghiệp với người dân, không phải là trâu chọi chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trước khi tham gia tỉ thí, trâu được chủ cho nghỉ ngơi một tuần, tuyệt đối không cày bừa và được ăn uống, chăm sóc kỹ lưỡng. Theo những người dân nơi đây, Trâu sống ở miền núi vốn dĩ đã có sức khỏe hơn trâu ở đồng bằng do phải lao động vất vả như leo đồi núi, kéo gỗ…

Dĩ nhiên, để trâu có thể chiến thắng khi lên sới chọi, ngoài sức khỏe cần phải có kỹ năng thi đấu. Chính vì vậy việc luyện tập cho trâu rất quan trọng. Tuy không thể công phu như luyện trâu chọi chuyên nghiệp nhưng việc những bài tập cơ bản như chạy bền trên bãi đất rộng hay húc vào sườn núi cũng là cách để tăng độ lỳ và dẻo dai cho trâu.

Theo kinh nghiệm của những người có thâm niên chăm sóc trâu chọi thì để chọn được một con trâu có đủ tiêu chuẩn tham gia thi đấu rất khó. Một chú trâu đẹp phải có thân hình to và dài, lông đen tuyền, sừng hướng tiền, chân to, mắt nhỏ và nhô tựa ốc loa, móng khép, đuôi chấm kheo, trâu có 2 thiều giữa trán chứng tỏ thông minh lanh lợi.

Trao giải Nhất cho trâu chọi mang số báo danh 09.

Đặc biệt, trâu càng già thì càng có độ lỳ lớn và rất dai sức. Các chiêu võ thường được các chú trâu áp dụng trong thi đấu đó là hổ lao, móc mắt và cáng hầu…Trong các chiêu võ đó thì chiêu hổ lao là chiêu có sức mạnh khủng khiếp nhất, một cú lao của trâu đang sung sức có thể khiến đối phương vỡ đầu và nhanh chóng giành chiến thắng.

Điều thú vị của giải chọi trâu ở xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên, Hà Giang không phải sự chuyên nghiệp mà ban tổ chức hướng tới, những chủ trâu tham gia cũng chẳng vì giải thưởng nhất nhì. Đối với người nông dân sinh ra và lớn lên giữa ngút ngàn núi đá thì việc chú trâu vốn gần gũi với mình, do chính tay mình chăm sóc, huấn luyện mà chiến thắng chính là niềm vinh dự, tự hào.

Trò chơi dân gian này từ lâu đã trở thành một món ăn tinh thần bổ sung cho nét văn hóa độc đáo của người dân vùng cao cực bắc của Tổ Quốc. Vẫn những chú trâu do chính họ nuôi dưỡng hàng ngày tham gia cày kéo, thồ lúa, thồ ngô… nhưng khi tham gia thi đấuđã mang đến cho khán giả những màn biểu diễn thật hấp dẫn, ngoạn mục, không chỉ nâng cao đời sống tinh thần của người dân nơi đây mà còn để lại trong lòng mỗi du khách ấn tượng sâu sắc khi đến với vùng đất cực Bắc của Tổ Quốc.

Dẫn trâu ra sân đấu.

Lao vào "đọ sừng".

Trước khi tham gia giải đấu, trâu được chủ cho nghỉ ngơi một tuần và chăm sóc kỹ lưỡng.

Con trâu thắng thế ghì đòn đối thủ.

Một pha rượt đuổi trên sân.

Những pha “biễu diễn”, phô trương sức mạnh rất đẹp mắt của các chú trâu đã nhận được nhiều tràng pháo tay phấn khích của đông đảo người dân và du khách.

Bài, ảnh: Đỗ Bình

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/dan-toc/choi-trau-net-van-hoa-doc-dao-o-ha-giang-20131112104901047.htm