Cho vay ngoại tệ tăng mạnh, mừng hay nên lo?

Theo báo cáo từ NHNN chi nhánh TPHCM, trong 7 tháng tín dụng ngoại tệ trên địa bàn đã tăng đến 10,56% so với cuối 2013, trong khi tín dụng bằng tiền đồng chỉ tăng 3,06%. Và nhờ tín dụng ngoại tệ tăng đã hỗ trợ cho tín dụng chung. Tăng trưởng tín dụng đến hết 7 tháng lên đến 4,25%, trong khi dự báo trước đó chỉ ở mức 3,35%.

Huy động ngoại tệ trong các NHTM giảm nhưng hoạt động cho vay ngoại tệ lại tăng mạnh.

Theo đánh giá của lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM, việc cho vay ngoại tệ tăng mạnh trong năm nay chủ yếu là do đối tượng được vay ngoại tệ mở rộng. Cụ thể theo Thông tư 29/2013/TT-NHNN áp dụng từ 1.1.2014, có 5 đối tượng được vay ngoại tệ, thay vì 4 như trước. Đó là các DN thuộc lĩnh vực ưu tiên được khuyến khích phát triển kinh doanh cũng sẽ được vay vốn bằng ngoại tệ, chuyển thành tiền đồng để sản xuất kinh doanh, khi được NHNN chấp thuận bằng văn bản, không cần có nguồn thu bằng ngoại tệ. Trong khi đó, với các cam kết của NHNN về khả năng phá giá trong năm nay vào khoảng 2%, thì những rủi ro về tỷ giá là rất thấp. Điều này thuận lợi cho DN vay ngoại tệ vì không chịu áp lực tỷ giá biến động mạnh ảnh hưởng đến khả năng trả nợ.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là huy động ngoại tệ của TPHCM chỉ tăng 0,83% trong 7 tháng, nhưng cho vay tăng đến 10,56%. Điều này đã khiến cho tỷ lệ cho vay trên huy động ngoại tệ đã lên đến 88,5%, khá cao so với tỷ lệ tương tự của tiền đồng là 80%. Huy động vốn bằng ngoại tệ của ngân hàng nhìn chung đã giảm và vẫn trong chiều hướng đi xuống do người dân dịch chuyển từ tiết kiệm ngoại tệ sang tiết kiệm nội tệ. Lãi suất tiết kiệm USD kịch trần hiện là 1%/năm so với 6%/năm (ngắn hạn) của tiền đồng và sự mất giá của tiền đồng tối đa khoảng 2%/năm làm cho gửi tiền đồng có lợi. DN cũng không muốn gửi ngoại tệ hoặc giữ ngoại tệ trên tài khoản. Thay vào đó họ bán ngoại tệ cho ngân hàng lấy tiền đồng và gửi tiền đồng để hưởng lợi. Nhìn từ góc độ quản lý và điều hành chính sách tiền tệ, huy động ngoại tệ đi xuống là một dấu hiệu tích cực.

Tuy nhiên, giảm huy động ngoại tệ nên đi song song với giảm tín dụng ngoại tệ. Đây là sự song hành cần thiết đầu tiên để thu hẹp dần tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, tín dụng ngoại tệ đã không giảm. Dưới góc nhìn của các chuyên gia tài chính, điều này vẫn tiềm ẩn rủi ro đối với thanh khoản ngoại tệ, do đó, việc kiểm soát hoạt động cho vay ngoại tệ vẫn là cần thiết. Mức tăng hiện tại của tín dụng ngoại tệ hiện chưa đáng ngại nhưng nếu quy mô các khoản vay bằng ngoại tệ tiếp tục tăng trong khi huy động đầu vào sụt giảm thì sẽ đến một thời điểm nào đó lại có kỳ vọng về việc điều chỉnh tỷ giá, lúc này áp lực sẽ rất lớn vì nhu cầu ngoại tệ sẽ đến từ cả DN lẫn các ngân hàng thương mại. Điều này đã từng xảy ra vài năm trước.

Áp lực tăng trưởng tín dụng vẫn rất căng thẳng, tuy nhiên có thể thấy chúng ta vẫn còn nhiều phương án để xử lý và chưa nhất thiết cần đến cánh cửa “hiểm nghèo” tín dụng ngoại tệ. Nếu mạnh tay cho vay ngoại tệ mà không cân đối nguồn tốt ngân hàng lại rơi vào bẫy thanh khoản mất cân đối đầu vào đầu ra. Như thế, ngân hàng có thể chịu rủi ro kép vừa chịu rủi ro tỷ giá, vừa chịu rủi ro thanh khoản. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc đẩy mạnh cho vay ngoại tệ trong thời điểm này chỉ nên là giải pháp tình thế hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khi mà tín dụng nội tệ đang gặp khó.

Điều quan trọng hiện nay là để có sự lý giải, đánh giá thấu đáo về thực trạng tăng trưởng tín dụng thấp hiện nay, bên cạnh những nhân tố bên ngoài - tác động của môi trường kinh tế vĩ mô và vi mô, thiết nghĩ cần phải phân tích những nhân tố thuộc về bên trong hệ thống ngân hàng. Trong đó, lãi suất cho vay vẫn là yếu tố quan trọng. Không thể nói lãi suất không còn là vấn đề của tín dụng. Những cuộc khảo sát nhỏ mới đây cho thấy lãi suất cho vay tiền đồng của các ngân hàng không những không giảm mà đang tăng. Và việc DN sẵn sàng vay ngoại tệ vì lãi suất của nó thấp là minh chứng lãi suất đóng vai trò quan trọng trong quyết định vay vốn. Nếu ngân hàng cứ tiếp tục xoay xở với các giải pháp ngắn hạn, mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ khó mà bền vững.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tai-chinh/cho-vay-ngoai-te-tang-manh-mung-hay-nen-lo-238132.bld