Chợ truyền thống ảm đạm, nhiều ki ốt treo biển chuyển nhượng

Nhiều khu chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện không còn giữ được vị thế là kênh mua sắm hàng đầu. Lượng khách sụt giảm mạnh, nhiều tiểu thương đã phải treo biển chuyển nhượng ki ốt.

Chợ đìu hiu, tiểu thương chuyển nhượng ki-ốt

Là một trong những khu chợ lớn nhất trên địa bàn TP.Vinh, nhưng từ đầu năm đến nay, tình hình kinh doanh, buôn bán tại chợ Ga Vinh khá ảm đạm. Các gian hàng có khách thường xuyên tập trung ở khu thực phẩm tươi sống. Các ki-ốt còn lại như đồ gia dụng, quần, áo, giày, dép… thỉnh thoảng mới có khách ghé vào.

Các lối đi tại chợ Ga Vinh vắng bóng khách. Ảnh: Q.A

Bà Nguyễn Thị Hương - tiểu thương chợ Ga Vinh thở dài: Chợ bây giờ ế ẩm lắm, cả ngày mở ốt chỉ có vài khách hỏi mua, không thống nhất được giá họ lại đi ra. Quanh quẩn chỉ có các tiểu thương ngồi túm lại chuyện trò hay xem điện thoại cho hết thời gian để đóng quầy. Hàng hóa cũng không dám nhập vì sợ không bán được…

Ông Lê Vĩnh Hùng – Trưởng ban Quản lý chợ Ga Vinh cho biết: Hiện nay, số lượng tiểu thương nghỉ chợ, chuyển nhượng ki-ốt ngày càng gia tăng do kinh doanh ế ẩm. Toàn khu chợ hiện còn khoảng 450 hộ kinh doanh thường xuyên, đã giảm gần 50% so với những năm trước. Việc thu các loại thuế, phí cũng khó khăn hơn do việc kinh doanh của tiểu thương không suôn sẻ.

Là khu chợ lớn nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An, chợ Vinh hiện cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Từ đầu năm đến nay, số lượng tiểu thương tạm dừng kinh doanh tăng, đặc biệt là tại khu vực tầng 2 đình chính và đình Tây. Biển cho thuê, rao bán gian hàng có thể gặp ở các ki-ốt, bức tường xung quanh chợ, mặc dù vậy, không có nhiều người quan tâm đến thông tin này.

Đình Tây chợ Vinh vắng khách. Ảnh: Q.A

Liên hệ với số điện thoại của chủ ki-ốt cần chuyển nhượng, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hân, chị cho biết: Do ế quá nên tôi đã đóng cửa, đưa hàng hóa về nhà bảo quản; cả ngày ở chợ không có khách thì về nhà còn làm được nhiều việc hơn, ai gọi thì tôi ship hàng. Từ hôm dán giấy chuyển nhượng đến nay không có ai gọi thuê cả, chắc tôi cũng phải trả ki-ốt luôn để đỡ các loại phí…

Được biết, toàn TP.Vinh hiện có 26 khu chợ đang hoạt động với hơn 10.000 tiểu thương. Trong những năm gần đây, chợ không còn giữ được vị thế là kênh mua sắm hàng đầu như trước do người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn khi mua hàng. Số lượng tiểu thương nghỉ bán hàng cũng tăng cao.

Không chỉ ở thành phố mà ở nông thôn cũng tương tự. Tháng 5/2019, chợ Tân Kỳ với tổng mức đầu tư 177 tỷ đồng khánh thành và đưa vào sử dụng, được kỳ vọng sẽ là điểm mua sắm sầm uất. Thế nhưng, hiện nay, số lượng tiểu thương vào kinh doanh, buôn bán tại chợ mới vẫn rất hạn chế, nhiều gian hàng đang bỏ trống dù đã được đầu tư vị trí kinh doanh bài bản, hiện đại so với chợ cũ, huyện cũng tạo nhiều ưu đãi cho các hộ vào kinh doanh.

Các ki-ốt tại chợ Đô Lương vắng bóng khách. Ảnh: Q.A

Trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống Đô Lương có tổng mức đầu tư hơn 330 tỷ đồng nhằm thay thế chợ Đô Lương cũ đã xuống cấp. Dự án được quy hoạch 3,44 ha, gồm 1.338 ki-ốt, quầy hàng, sạp hàng, ki-ốt cao 3,5 tầng và trung tâm thương mại cao 7 tầng. Mặc dù vậy, theo ghi nhận, hiện nay nhiều ki- ốt tại chợ mới Đô Lương vẫn chưa có người thuê, thậm chí đã xuất hiện các biển chuyển nhượng ki-ốt do kinh doanh không ổn định.

Buôn bán ế ẩm khiến tiểu thương chợ Đô Lương phải đóng cửa hàng. Ảnh: Q.A

Chợ Quế Phong (Quế Phong) và chợ Tân Lạc (Quỳ Châu) là 2 khu chợ có quy mô lớn tại các địa phương vùng biên xứ Nghệ. Tại đây, dù được đầu tư khang trang nhưng chỉ có khoảng 50% gian hàng hoạt động, số còn lại vẫn để trống. Cộng thêm sức mua của đồng bào miền núi còn hạn chế khiến các khu chợ này ngày càng ảm đạm. Điều đáng nói, cả 2 khu chợ đều xuất hiện tình trạng tiểu thương tràn ra lòng đường kinh doanh.

Chợ Kim Sơn, huyện Quế Phong đìu hiu. Ảnh: Q.A

Theo thống kê của Sở Công Thương Nghệ An, hiện nay, toàn tỉnh có 371 chợ dân sinh đang hoạt động, trong đó, có 7 chợ hạng I, 20 chợ hạng II, 240 chợ hạng III và 104 chợ chưa được xếp hạng. Các chợ dân sinh trên địa bàn hiện gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận hành, sức mua sắm tại chợ sụt giảm rõ rệt so với những năm trước.

Hướng đi nào cho chợ truyền thống?

Nguyên nhân chính khiến chợ truyền thống ảm đạm là do thói quen của người tiêu dùng đã có sự thay đổi rõ rệt. Với sự bùng nổ của thời đại công nghệ số, việc mua hàng online, trực tuyến với quá nhiều lợi thế đã mang lại nhiều tiện lợi cho người dân.

Mua sắm online dần trở thành xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Ảnh: Q.A

Thay vì cất công ra chợ giữa trời nắng nóng, mưa gió thì người dân chỉ cần ngồi ở nhà và đặt hàng qua mạng, có người ship đến tận nhà.

Một trong những “điểm trừ” nữa là các khu chợ truyền thống lâu nay có tình trạng "nói thách", người mua và tiểu thương trao đổi theo kiểu “thuận mua vừa bán”. Có những mặt hàng bị tiểu thương chào mời với mức giá cao hơn nhiều so với giá trị thật, gây khó chịu với người tiêu dùng. Trong khi mua sắm qua mạng đều được niêm yết giá công khai, việc mua hay không người tiêu dùng có quyền lựa chọn hoặc tìm các cửa hàng khác có mức giá hợp lý hơn.

Nhiều gian hàng tại các khu chợ treo biển chuyển nhượng, bán ốt. Ảnh: Q.A

Bên cạnh đó, hiện nay, các trung tâm thương mại, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều, cạnh tranh trực tiếp với chợ truyền thống. Lợi thế của các khu vực kinh doanh này là sạch sẽ, thoáng mát, có niêm yết giá, nhân viên nhiệt tình, niềm nở, dễ gây ấn tượng với khách hàng. Trong khi đó, nhiều chợ truyền thống đã được xây dựng hàng chục năm nên cơ sở vật chất hiện đã xuống cấp nặng nề, không còn sức hút, đặc biệt là công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Đơn cử tại đình Tây chợ Vinh, các ki- ốt vừa xập xệ, nhếch nhác, mùa mưa bão thường ngập lụt hay tại chợ Quán Lau, phường Trường Thi, hạ tầng về điện, tường bao, mái tôn… đã hư hỏng, khiến người dân vào mua sắm chỉ muốn nhanh chân bước ra.

Hệ thống điện tại chợ Quán Lau, TP.Vinh xuống cấp, mất an toàn. Ảnh: Q.A

Theo thống kê của Sở Công Thương, trong số 371 khu chợ có 154 chợ kiên cố, 133 chợ bán kiên cố và 84 khu chợ có cơ sở vật chất tạm bợ, xuống cấp. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến chợ truyền thống ngày càng mất khách.

Qua trao đổi, ông Cao Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết: Thực tế chợ truyền thống hiện nay gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình vận hành, khai thác. Do đó, để chợ truyền thống có sức hút trở lại, ban quản lý các khu chợ, chính quyền địa phương và chính các tiểu thương cần nỗ lực đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo văn hóa kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Nhiều tiểu thương các khu chợ buồn bã vì kinh doanh ế ẩm. Ảnh: Q.A

Đối với các tiểu thương, cần trang bị cho mình kỹ năng bán hàng theo hướng văn minh, lịch sự, thái độ bán hàng thân thiện, không thách giá quá cao so với giá trị thực của sản phẩm. Đặc biệt, trong thời đại số không dùng tiền mặt, các tiểu thương cần trang bị các điện thoại thông minh, số tài khoản ngân hàng, mã QR… để thuận lợi cho việc thanh toán của người dân. Ngoài ra, cần áp dụng các chương trình khuyến mại, đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm đến khách hàng qua các trang mạng xã hội để sản phẩm ngày càng được biết đến; quan tâm đến cách bài trí hàng hóa đẹp mắt, tiện lợi.

Lực lượng chức năng các đơn vị cần thường xuyên phối hợp kiểm tra, rà soát những mặt hàng kinh doanh tại chợ cần đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đúng giá niêm yết; xử lý nghiêm các hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo công tác PCCC, vệ sinh môi trường. Đối với chính quyền địa phương, cần quyết liệt xử lý, dẹp bỏ các chợ tự phát, để bảo đảm tính công bằng cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ… Việc cải tạo, nâng cấp các chợ tạm bợ, xuống cấp cần được chú trọng (Giai đoạn 2013-2023, toàn tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng mới 17 chợ với tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng, nâng cấp, cải tạo 43 chợ với nguồn đầu tư 25,5 tỷ đồng).

Lực lượng chức năng TP.Vinh kiểm tra, xử lý tình trạng chợ cóc, chợ tự phát. Ảnh: Q.A

Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành có liên quan hoàn thiện Quy hoạch chợ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Công bố rộng rãi quy hoạch phát triển hệ thống, mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh cho các ngành, các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân được biết.

Quang An

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/cho-truyen-thong-am-dam-nhieu-ki-ot-treo-bien-chuyen-nhuong-post274333.html