Chợ tiền tỷ, hiện đại... chờ tiểu thương

Dù chợ Mè - chợ truyền thống - đóng cửa đã khá lâu nhưng người dân vẫn không chịu vào buôn bán, kinh doanh tại khu chợ thương mại, dịch vụ xã Hồng Lạc (Thanh Hà), một khu chợ hiện đại được kỳ vọng là điểm thương mại, dịch vụ sôi động nhất huyện.

"Chợ Mè con" mọc lên do nhiều tiểu thương không vào chợ mới kinh doanh

"Chợ Mè con" mọc lên do nhiều tiểu thương không vào chợ mới kinh doanh

Hoạt động từ tháng 2.2023, nhưng đến nay, khu chợ thương mại, dịch vụ xã Hồng Lạc (Thanh Hà) vẫn có rất ít người đến buôn bán, kinh doanh.

Chợ truyền thống đã đóng

Chợ Mè ở xã Hồng Lạc có từ lâu, là nơi buôn bán, kinh doanh của hơn 100 tiểu thương có hợp đồng thuê chỗ và nhiều người hằng ngày bán mớ rau, con cá. Chợ Mè rộng khoảng 1.700 m2, đã xuống cấp, được cải tạo, sửa chữa nhiều lần. Năm 2015, chợ được cải tạo với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và các tiểu thương đóng góp. Vào giờ cao điểm, đường 390B đoạn qua chợ Mè thường xảy ra ùn ứ giao thông.

Từ năm 2020 - 2022, Công ty CP Đầu tư thương mại Xứ Đông (TP Hải Dương) đã đầu tư xây dựng khu chợ, thương mại, dịch vụ xã Hồng Lạc. Tại đây vừa có các tòa nhà ở, ki-ốt kinh doanh, vừa có chợ dân sinh rộng rãi, hiện đại. Trước thực trạng chợ Mè ngày càng xuống cấp, Đảng ủy, UBND xã Hồng Lạc đã họp với các tiểu thương để thống nhất đóng cửa chợ truyền thống, vận động tiểu thương sang chợ mới. Đúng ngày 30 Tết Quý Mão 2023, xã Hồng Lạc đã đóng cửa chợ Mè. Một số ki-ốt cạnh chợ còn hạn hợp đồng đến tháng 6 vừa qua cũng đã đóng cửa.

Chợ mới rộng khoảng 1.000 m2, có 140 quầy hàng, cách chợ Mè cũ khoảng 200m. Doanh nghiệp có nhiều ưu đãi đối với các tiểu thương, chỉ thu 10.000 đồng/ngày tiền chỗ ngồi. Nhằm thu hút các hộ đến kinh doanh, Ban Quản lý khu chợ chưa thu tiền chỗ ngồi của người dân từ đầu năm đến nay, mới thu tiền điện, nước từ tháng5. Việc đưa tiểu thương ra chợ mới cũng là chủ trương của xã Hồng Lạc trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, hướng đến nông thôn văn minh, hiện đại hơn. Chợ Mè cũ đã được xã quy hoạch làm công viên cây xanh, khu vui chơi.

Dù chợ Mè đã đóng nhưng ở đây vẫn còn diễn ra tình trạng buôn bán lộn xộn. Nhiều người để xe ở ven đường 390 để vào chợ phát sinh cạnh chợ Mè mua bán hàng

Dù chợ Mè đã đóng nhưng ở đây vẫn còn diễn ra tình trạng buôn bán lộn xộn. Nhiều người để xe ở ven đường 390 để vào chợ phát sinh cạnh chợ Mè mua bán hàng

Hình thành chợ tự phát

Tuy nhiên, từ tháng 2 đến nay, mới có 50 tiểu thương đến buôn bán, kinh doanh tại khu chợ dân sinh trong tổ hợp khu chợ, thương mại, dịch vụ xã Hồng Lạc.

Sau khi đóng cửa, xã Hồng Lạc đã quây tấm tôn xung quanh chợ Mè. Tuy nhiên, nhiều hộ không sang chợ mới mà thuê mái hiên nhà dân ngay cạnh chợ Mè để buôn bán, kinh doanh. Một số hộ vào chợ mới được vài ngày lại chuyển ra cạnh chợ cũ vì không bán được hàng.

Nhiều tiểu thương “cố thủ” ở ven chợ Mè để bán hàng vì tiện cho người tiêu dùng dừng đỗ xe ven đường. Chị Nguyễn Thị Thủy, một tiểu thương cho biết từ khi đóng cửa chợ Mè, nhiều người đã chuyển về các thôn để bán hàng, chợ cóc mọc lên ở một số nơi.

Từ một chợ Mè truyền thống giờ phát sinh "chợ Mè con" ngay cạnh. Đáng chú ý, đoạn đi vào chợ này ngay cạnh đường 390B qua xã Hồng Lạc nên vào giờ cao điểm chợ tự phát gây cản trở giao thông.

Xã Hồng Lạc đã nhiều lần tổ chức đối thoại, tuyên truyền, giải thích với các hộ đang buôn bán cạnh chợ Mè, nơi cấm họp chợ nhưng chưa hiệu quả. Xã phải thường xuyên tổ chức giải tỏa các điểm bán hàng tự phát ven chợ Mè nhưng sau đó lại đâu đóng đấy. Theo lãnh đạo xã Hồng Lạc, thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường giải tỏa các điểm chợ tự phát, những nơi cấm họp chợ mà người dân cố tình vi phạm.

Chợ mới ở xã Hồng Lạc từng là kỳ vọng của huyện Thanh Hà về một điểm thương mại, dịch vụ sôi động nhất huyện, nhưng đến nay vẫn chưa được như mong muốn. Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà cho biết chủ trương của xã đóng cửa chợ xuống cấp, đưa tiểu thương sang khu chợ mới tiện nghi hơn là phù hợp trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Việc một số hộ không đồng tình chủ yếu là do họ đã quen với tập quán cũ. Bước đầu, người dân còn chưa tin tưởng vào chính sách, ưu đãi của doanh nghiệp tư nhân. Nhiều hộ đã có đơn thư kiến nghị. Huyện đã giao cho xã Hồng Lạc tăng cường tuyên truyền tới người dân. Để không phát sinh thêm các chợ cóc ven đường, xã Hồng Lạc cần tăng cường công tác giải tỏa để bảo đảm an toàn giao thông.

PV

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te/cho-tien-ty-hien-dai-cho-tieu-thuong-242650