Chó Tây

Mong rằng những ai ở VN muốn làm theo văn minh nuôi chó của phương Tây thì nên cố gắng chu toàn các tiêu chí 'thú cưng' cho con chó của mình. Đừng nửa vời chỉ 'tây' được 'phần cứng' là con chó nòi giống chó cảnh, còn 'phần mềm' là quy trình chăm sóc, giữ vệ sinh, đảm bảo an toàn cho chó và tránh gây hại cho cộng đồng thì lại cố tình quên!

Bim nhận nuôi một con chó bị bệnh rất lạ. Người ta thấy nó cùng với rất nhiều chó khác bị bỏ đói trong một ngôi nhà mà chủ của chúng mắc bệnh tâm thần. Tất cả lũ thú cưng ấy đều đói khát, bệnh tật.

Chính quyền thành phố đưa chúng về chăm sóc, nuôi dưỡng và chữa bệnh tại một trung tâm chuyên bảo trợ xã hội cho thú cưng. Rồi họ kêu gọi mọi người, ai có nhu cầu thì đến nhận chó về chăm sóc, đồng thời được hưởng các chế độ chính sách bào hiểm xã hội mà chúng được hưởng như ở trung tâm xã hội này. Bim đã nhận con chó như thế. Nó tên là Elic.

Elic bị bệnh sán đường ruột rất nghiêm trọng. Sán đã lên đến não và khu trú ở đó, khiến con vật gần như mất khả năng tư duy cũng như vận động bình thường. Nó y hệt như một đứa bé thiểu năng trí tuệ và mắc chứng tự kỷ! Elic hoàn toàn không tự mình rời cái nôi riêng dành cho nó đặt sát tường, bên dưới cái ti vi. Chỉ khi nào muốn ăn và uống nước, nó mới nhẹ nhàng nhón thân hình thon thả lên, lặng lẽ và từ tốn tiến đến gần nơi để đồ ăn thức uống của nó chỉ cách cái nôi chừng đôi thân nó. Xong, lại quay về nằm im.

Suốt một tuần ở đó, tôi chưa hề nghe tiếng Elic, cho dù đó chỉ là tiếng ư ử, chứ chưa nói gì tới tiếng sủa như thói quen của loài chó. Đặc biệt hơn nữa, nó hầu như không toát ra bất cứ mùi gì, kể cả mùi đặc trưng của loài chó.

Hễ Bim đi ra ngoài nhà, Elic cứ nằm nguyên đó. Khi Bim về, nó hầu như không phản ứng gì. Nếu nghe tiếng Bim búng ngón tay, nó biết đó là tín hiệu để đưa nó ra ngoài “đi vệ sinh”. Xong, lại nằm im trong nôi. Có khi, Bim đi suốt ngày, Elic vẫn chịu trận nằm đó, không hề “bậy” ra nhà.

Mỗi tuần hai lần, Bim phải đưa nó đến trung tâm bảo trợ chó để tiêm thuốc điều trị. Ngoài ra, nó hầu như không có phản ứng gì, dù là vui vẻ hoặc làm phiền đến bất cứ ai, kể cả người lạ như tôi.

Bim có tình thương thực sự với Elic. Mỗi khi từ bên ngoài vào nhà, Bim đều nựng nó rất âu yếm. Con vật sạch bong, lông óng mượt. Mỗi khi dắt Elic ra ngoài “đi vệ sinh”, Bim đều mang theo loại túi chuyên dụng để đựng phân chó. Khi nó “ị” ra, Bim sẽ nhón lấy, bọc lại và bỏ sọt rác. Ai để chó “bậy” ra đường mà không dọn ngay sẽ bị phạt rất nặng! Xong, khi về nhà, Bim lại dùng khăn giấy ướt lau rất cẩn thận bốn bàn chân con chó, rồi mới để nó trở lại nôi nằm. Cái nôi dạng rổ mây tre đan, hình tròn. Trải một tấm chăn màu xanh lá cây. Sạch sẽ chẳng khác gì nôi cho hài nhi.

Cuối năm nay, khi tốt nghiệp ở University of Texas at Austin, Bim sẽ phải chuyển đến một thành phố khác để học luật. Bim nói chắc phải mang Elic theo.

Bim chưa quên hồi còn ấu thơ sống với ông bà nội ở một làng quê thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông nội mang về một chú cún lông vàng bụ bẫm xinh xắn, nói là “cho Bim để chăm nuôi”. Bim yêu Cún lắm. Chăm bẵm, ôm ấp, cho ăn uống hằng ngày. Đương nhiên là chăm bẵm kiểu phổ biến ở làng quê Việt Nam. Khi Cún lớn lên, béo tròn, thì một hôm, mưa phùn gió bấc, nó bị ông nội đưa người đến… làm thịt! Bim khóc hết nước mắt vì thương Cún, vì nó là của riêng Bim cơ mà! Không thể cứu được Cún, Bim còn bị ăn đòn vì trái í ông nội nữa! Bim không thể quên kỷ niệm buồn ấy thuở ấu thơ ở Việt Nam!

Tôi vẫn thường thấy người ta dẫn chó đi dạo trên vỉa hè trong thành phố hoặc trong công viên. Họ dắt chó đi như thế vừa để được vui cùng thú cưng, vừa nhằm cho con vật được dịp thoát khỏi không gian chật hẹp trong nhà, và cho chúng được tập luyện sức khỏe nữa. Rất nhiều dịp thấy chó, nhưng chưa lần nào thấy chúng cắn nhau. Cũng chưa lần nào thấy chó làm chuyện “đực cái”. Lạ nhỉ? Thì ra, theo Bim giải thích, tất cả chó nuôi tại các gia đình đều đã được triệt sản. Chúng không còn chức năng sinh sản nữa, nên cũng bị triệt tiêu luôn các bản năng khác của một con vật và cả của riêng loài chó. Thảo nào không thấy chó hung dữ, cuồng loạn, sủa ầm ĩ và cắn xé lẫn nhau. Việc sinh sản của chó là chức năng của cơ quan thú y chuyên cung cấp chó giống cho nhu cầu nuôi chó cảnh. Còn khi đã nhận chó về nhà nuôi, thì chúng chỉ là thú cưng vui cùng chủ, sống với chủ đến trọn đời mà không con cháu gì nữa! Tội nghiệp chưa? Thế thì còn gì là chó nữa!!!

Cũng có loại được nuôi, chăm sóc và huấn luyện riêng để thực hiện các chức năng của chó săn, chó vệ sĩ, chó nghiệp vụ. Những loại này không thuộc hàng thú cưng. Chủ của chúng phải đảm bảo không để xảy ra rủi ro với người khác. Nếu vi phạm sẽ bị luật pháp xử lí nghiêm minh.

Còn một loại chó khác rất đặc biệt. Loại này không chỉ gọi là “cưng”, mà phải là “yêu” mới đúng! Đó là những con chó đực, “đực” đúng nghĩa. Chúng được một số bà chủ nuôi để thực hiện chức năng… phục vụ tình dục! Thôi, không sa đà vào nội dung này làm gì!

Mong rằng những ai ở VN muốn làm theo văn minh nuôi chó của phương Tây thì nên cố gắng chu toàn các tiêu chí “thú cưng” cho con chó của mình. Đừng nửa vời chỉ “tây” được “phần cứng” là con chó nòi giống chó cảnh, còn “phần mềm” là quy trình chăm sóc, giữ vệ sinh, đảm bảo an toàn cho chó và tránh gây hại cho cộng đồng thì lại cố tình quên!

Theo Chuyện làng quê

Ngoc Hung Nguyen

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/cho-tay-a8893.html