Cho người mãn hạn tù 'cần câu cá'

Một trong những nguyện vọng lớn nhất của người mãn hạn tù là có việc làm, có thu nhập để ổn định cuộc sống, làm lại cuộc đời. Chính sách tín dụng dành riêng cho đối tượng này đã đáp ứng được phần nào nguyện vọng đó.

Tạo thuận lợi cho người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng là một chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta. Nhằm tạo điều kiện giúp người chấp hành xong án phạt tù trở thành công dân có ích, hạn chế tái phạm tội, ngày 17/8, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg (có hiệu lực từ ngày 10/10/2023) về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Theo đó, người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù sẽ được nhận nguồn vốn vay ưu đãi.

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Việt Yên giải ngân vốn vay cho hai người chấp hành xong án phạt tù.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) tỉnh thông tin: Ngay sau khi có Quyết định 22, đơn vị bắt tay triển khai gói tín dụng, tham mưu chuyển nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để cho vay đúng đối tượng. Đặc biệt, đơn vị phối hợp với công an rà soát nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm của các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu nhằm triển khai cho vay kịp thời theo quy định. Phối hợp nhận ủy thác tăng cường huy động tiền gửi; nắm bắt, rà soát nhu cầu vay vốn, giải ngân kịp thời. Công khai chính sách cho vay tại điểm giao dịch ở các xã, phường, thị trấn.

Căn cứ kết quả rà soát, đến hết tháng 10/2023, toàn tỉnh có 82 khách hàng có nhu cầu vay vốn đăng ký với số tiền 7,75 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh dịch vụ. Anh Nguyễn Đình Sơn (SN 1978) ở thôn Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) là một trong số đó. Năm 2021, anh bị kết án 2 năm tù về tội đánh bạc.

Chấp hành án tại Trại giam Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc) được 13 tháng, anh Sơn được đặc xá. Anh xúc động nói: "Cuộc đời tối tăm nhất của tôi đã qua rồi. Giờ được tự do, tôi đặt quyết tâm chí thú làm ăn. Trở về địa phương, mối quan tâm lớn nhất của tôi là việc làm. Trước khi đi tù, tôi từng làm nghề mộc. Nhưng nay thấy nghề đó gặp khó khăn nên đầu năm 2023, tôi mở quán ăn ở gần nhà. Với chút vốn trước kia tích cóp được cùng với vay mượn, tôi bỏ ra hơn 200 triệu đồng mua sắm dụng cụ, đồ dùng bán lẩu, cháo, bia hơi và thuê người làm. Nay tôi muốn mở rộng thêm quy mô quán ăn nhưng ngặt nỗi lại thiếu vốn”.

Người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa để đào tạo nghề là 4 triệu đồng/người/tháng; vay để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm là 100 triệu đồng/người. Mức vốn cho vay tối đa đối với cơ sở sản xuất kinh doanh là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ (hiện tại là 6,6%/năm).

Nguồn: Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Được biết, khi chính sách cho vay theo Quyết định số 22 được triển khai, Công an xã Dĩnh Trì đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với anh Sơn để nắm bắt nhu cầu. “Mừng quá, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để vực dậy cuộc sống. Hồ sơ của tôi đã được chấp thuận, nhận nguồn vốn giải ngân 100 triệu đồng, tôi cam kết sẽ sử dụng đúng mục đích, làm những việc có ích cho xã hội” - anh Sơn tâm sự.

Được biết, đầu tháng 11 vừa qua đã có 3 khách hàng đầu tiên ở huyện Sơn Động, Lục Ngạn và Hiệp Hòa được nhận vốn vay, mỗi người 100 triệu đồng. Trong tháng 11 này, ngân hàng sẽ giải ngân tiếp 4 tỷ đồng cho các cá nhân và doanh nghiệp đủ điều kiện.

Theo thống kê, toàn tỉnh đang quản lý, giáo dục, giúp đỡ hơn 2.500 người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện Đề án số 2229 ngày 6/11/2021 về “Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021- 2025”.

Theo đó, Công an tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm cho 612 người chấp hành xong hình phạt tù về địa phương. Riêng trong tháng 8/2023, đơn vị phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức phiên giao dịch việc làm dành cho người chấp hành xong án phạt tù. Tại phiên giao dịch này có 4 công ty tuyển dụng 23 người vào các vị trí bảo vệ, công nhân may... Cùng đó hỗ trợ 150 triệu đồng xây dựng, tặng nhà ở cho một gia đình người đi tù về có hoàn cảnh khó khăn.

Thượng tá Nguyễn Văn Hậu, Phó Trưởng Phòng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Công an tỉnh thông tin: Theo Đề án 2229, đến thời điểm 31/10/2023, toàn tỉnh có 44 hộ gia đình có người từng lầm lỗi, cá nhân chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng CSXH và các tổ chức tín dụng tại địa phương để phát triển kinh tế với tổng số tiền là 2,819 tỷ đồng.

Đơn cử như anh Vũ Ngọc Hữu (SN 1971), thôn Đồng Khanh, xã Ngọc Vân (Tân Yên), sau khi chấp hành bản án gần 20 năm tù về tội liên quan đến ma túy, anh trở về địa phương được vay 100 triệu đồng. Vợ chồng anh đã thuê gần 4 ha đất tại xã, ngày ngày cùng làm nông nghiệp công nghệ cao, trồng khoai tây Đức, dưa trong nhà lưới, cây dược liệu (kim tiền thảo, hương thảo…). Hiện công việc ổn định, thu nhập cao, cuộc sống gia đình tràn đầy tiếng cười.

Với những người không may mắc phải lầm lỗi, vi phạm pháp luật, khi trở về với cộng đồng tâm lý ít nhiều có sự tự ti. Việc cộng đồng, xã hội dang tay đón họ trở lại bằng những việc làm hiệu quả đã giúp ổn định cuộc sống. Quyết định 22 vừa mang tính nhân văn, vừa bảo đảm an ninh trật tự, thay đổi nhận thức, sự kỳ thị của xã hội và cũng là cơ hội rất tốt để người mãn hạn tù không còn tự ti, mặc cảm. Đây là nguồn động lực to lớn giúp người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống và ngừa tái phạm.

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/415241/cho-nguoi-man-han-tu-can-cau-ca-.html